Những ngư dân gặp khó trong mùa dịch

Về âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) hay về cảng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) đổ cá? Ngư dân Nguyễn Cường phân vân khi nghe tin Đà Nẵng bùng phát dịch.

“Dịch bệnh làm mình không biết nên chạy về hướng nào để bán cá”, chủ tàu 42 tuổi, quê Quảng Ngãi than thở. Khi tàu còn cách bờ gần trăm hải lý, anh loay hoay tính toán, cuối cùng đôi tàu 350 CV vẫn cập âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) ngày cuối tháng bảy.

Biết thành phố đã là tâm dịch, phải cách ly xã hội, nhưng anh Cường không còn lựa chọn nào khác. Âu thuyền nằm sâu trong vịnh Mân Quang, được bán đảo Sơn Trà che chắn, tàu vào không bị mắc kẹt. Khác hẳn cảng Sa Huỳnh quê anh, luồng lạch đã cạn, dong được đôi tàu vào bến “cực vô cùng”.

ngu-dan-gap-kho-trong-mua-dich
Chuyến đi biển thứ ba trong năm, anh Cường trở về bờ dính ngay đợt dịch bùng phát.

Mười ngư dân trở về, tàu đầy ắp chục tấn cá các loại, sau gần một tháng đánh bắt ngoài ngư trường Hoàng Sa. Lần cập bến trước vào hồi tháng sáu, Nguyễn Cường phải đợi cả nửa ngày mới có chỗ neo đậu. Bất cứ lúc nào trong ngày, ba cầu cảng luôn chật cứng gần nghìn con tàu của ngư dân các tỉnh miền Trung chờ bốc dỡ hải sản. Mỗi năm, hơn 100 nghìn tấn hải sản qua cảng cá này. Những ngày có dịch, chỉ độ ba trăm tàu neo bến. Trên cầu cảng, đôi ba phu thuyền lầm lũi kéo xe qua.

Nguyễn Cường không thấy bóng dáng cả trăm thương lái nhao xuống tranh nhau thu mua mỗi khi tàu cập bờ. Vài tiểu thương lượn lờ, nì nèo ép giá hải sản xuống còn một nửa hoặc hai phần ba so với ngày thường. Họ nói cũng đang “chết đứng” vì hàng quán du lịch đóng cửa. Số cá trên tàu, anh Cường đổ bán hai đêm mới hết. “Biết lỗ. Rẻ rề, nhưng không bán chẳng lẽ để thối”, anh nói. Chuyến biển đi gần một tháng, hết 400 triệu đồng chi phí coi như huề vốn, chia cho bạn tàu mỗi người được ba triệu tiền công.

“Những ngày này mọi sinh hoạt ở bến cá lớn nhất miền Trung chỉ còn khoảng 30% so với lúc chưa có dịch, các dịch vụ ven bờ cũng giảm sút nghiêm trọng”, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng nhận định. Bởi chủ tàu ngoại tỉnh “ngại” về vùng dịch, họ chuyển hướng về cảng Gianh (Quảng Bình), bán cho các tỉnh phía Bắc, hoặc về lại quê nhà.

ngu-dan-gap-kho-trong-mua-dich
Neo ở cảng nửa tháng, các thuyền viên ở yên trên tàu, không ai dám lên bờ vì sợ nhiễm bệnh.

Anh Nguyễn Cường theo cha đi biển từ năm 13 tuổi. Trai tráng Phổ Thạnh, Đức Phổ quê anh đều ra khơi từ thời niên thiếu, “không đi biển thì biết làm gì”. Người đàn ông quan niệm mình tuổi Mậu Ngọ 1978 nên phải chịu cực.

Quãng hai mươi năm trước, những chuyến tàu biển về vẫn cập cảng Sa Huỳnh đổ cá. Mỗi lần về bờ, anh được ở gần vợ, chơi với hai đứa trẻ con dăm bữa. Những năm 2000, cát bồi dần vào đầm, dòng chảy cạn, thuyền không ra khơi cũng không thể vào bờ suôn sẻ như trước. Nhiều ngư dân Quảng Ngãi dong tàu ra Đà Nẵng, Quảng Bình, hoặc xuôi vào Bình Thuận, Phú Yên đổ cá. Đà Nẵng có ngư trường Hoàng Sa, tàu dễ vào cảng, lại là trung tâm du lịch tiêu thụ hải sản, trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều ngư dân.

“Giờ sợ Covid còn hơn sợ bão. Đi biển gặp bão chưa chắc chết, nhưng ở bờ không chết đói cũng nguy cơ nhiễm dịch”, anh Cường than và nói thêm dân biển cực đủ đường. Biển động, bão đến, họ có thể dong thuyền chạy kiếm chỗ tránh trú, nhưng “Covid thì biết né đi đâu?”.

Người lạ xin bước xuống tàu, anh Cường xua tay ra hiệu dừng bước. Dăm ngày nữa tàu sẽ lại ra khơi, anh không muốn tiếp xúc với người trên bờ. “Lỡ dính Covid, không kịp về bờ làm sao cứu”, anh phân trần. Neo ở âu thuyền gần nửa tháng, không ngư dân nào dám bước chân lên bờ. Cần mua thức ăn, họ gọi người ta mang tới tận cảng. Mỗi ngày tàu nằm bờ tốn thêm triệu bạc ăn uống. Họ cũng không thể trở về Quảng Ngãi khi mọi phương tiện đến và đi khỏi Đà Nẵng đã bị cấm.

ngu-dan-gap-kho-trong-mua-dich
Tàu rời âu thuyền Thọ Quang, ra khơi giữa tháng 8.

Đại dịch khiến lượng tiêu thụ giảm sút, hải sản xuống giá, nhưng nhiều ngư dân không thể nghỉ biển, vì đằng sau mỗi tàu cá là hàng chục miệng ăn. Cách cảng 3 km, ghe đánh cá đêm của ngư dân Trần Văn Phương (phường Thọ Quang) cập bến lúc 5h, mang về nửa tạ cá lẫn mực tươi. Chục người ra biển từ chiều hôm trước, đánh cá cách bờ khoảng 20 hải lý và trở về lúc hừng đông.

Chị Đà Tuyên, vợ anh Phương mang hải sản ra chợ đầu mối Thọ Quang bán. Chợ cá lớn nhất Đà Nẵng với hơn ba nghìn tiểu thương hoạt động mỗi ngày. Giờ người đi chợ giảm còn một nửa, ai qua cổng cũng phải báo tên, ghi số điện thoại, đo thân nhiệt.

7h tan chợ, vẫn còn dư 15 kg mực, chị Tuyên đành mang ra âu thuyền bán lẻ mỗi người vài cân cho mau hết để còn về. Mực tươi phiên chợ ngày thường vẫn bán 200 nghìn đồng một cân, nay hạ giá còn 150 nghìn đồng, nhưng nhiều khách hàng vẫn kỳ kèo bớt tiếp.

Gần mười năm theo chồng về Thọ Quang, chị Tuyên đã quen với cảnh mỗi khi ghe thuyền của chồng cập bến, tiểu thương chạy xuống tranh mua bằng được số cá tươi. Nay đại dịch khiến chị phải đi rao bán cho gần chục người mới hết 15 kg mực tươi.

“Được gần ba triệu bạc”, chị đếm số tiền trên tay, thở dài. Trừ đi tiền dầu, tiền thức ăn hết hai triệu, chia cho mười ngư dân, mỗi người được khoảng 100.000 đồng.

Ngư dân Trần Văn Phương, 35 tuổi, theo cha đi biển từ ngày nghỉ học lớp chín. Trong phố Thôi Hữu, phường Thọ Quang, mười người đàn ông mạnh khoẻ làm bạn tàu với nhau gần chục năm. Họ chia nhau tiền công sau khi bán hết hàng, trừ tiền dầu, tiền ăn. Ngày trúng mẻ cá được chục triệu đồng, mỗi người cầm năm trăm nghìn, ngày mưa không câu nổi chục cân cá thì chịu lỗ tiền dầu.

Chiều cuối tuần, Phương đi mua đá, lại chuẩn bị ra khơi. Gần một tháng bùng dịch, một nửa chuyến đi biển đã phải chịu lỗ dầu, nhưng chủ ghe như Phương chưa tính đến chuyện nghỉ biển. “Phải đi cho bạn tàu còn kiếm miếng cơm, sau họ còn có vợ con nữa, ít nhất cũng có con cá, con mực về làm thức ăn cho tụi nhỏ”, chị Tuyên thở dài, nhìn bóng gần chục người đàn ông đổ xiêu trong nắng tháng tám.

Trước ngày ra khơi, bạn tàu gọi điện nhờ anh Nguyễn Cường chở thêm 15.000 lít dầu “để đánh bắt tiếp, né Covid bao giờ vãn dịch thì về. Chớ giờ vô bờ bán cá cũng lỗ”. Gần 200 triệu tiền dầu đổ vào chuyến đi biển tiếp theo. Ngư dân phải tranh thủ trước mùa bão đến. Anh Cường tính, “hên thì về gỡ gạc lại ba chuyến biển thua từ đầu năm đến giờ, xui thì lại ngửa tay vay ngân hàng”. Đó là nơi duy nhất họ trông chờ được mỗi khi cần tiền.

TP Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 2.400 ngư dân, tiểu thương, nhân viên cảng cá Thọ Quang. Đến chiều 17/8, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết tất cả các mẫu đều có kết quả âm tính với nCoV.

Bài & ảnh: Thái Mạc

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/ngo-ngang-voi-gian-cay-gac-bao-phu-ngoi-nha-o-tphcm-1252176.html

Cùng chuyên mục