Những đôi mắt Tây Nguyên

Bao nhiêu lần đến với các trường học, mái ấm, cô nhi viện… ở các vùng Tây Nguyên, tôi đều khó có thể quên những ánh mắt trẻ thơ khi tình cờ lọt vào ống kính của mình. Trong chuyến thiện nguyện cùng nhóm từ thiện Kết Nối Yêu Thương đến Kbang, Gia Lai vừa rồi, tôi lại gặp những đôi mắt ấy…

Trẻ con người dân tộc miền núi hồn nhiên với sự học, nhưng em nào ham học là học rất chăm và giỏi. Đây là cậu học trò duy nhất bị tật ở chân của trường PT dân tộc bán trú Dakrong. Hồi nhỏ hơn bây giờ, vì sự bất cẩn của người lớn, em bị thương phải cụt mất bàn chân trong đám cháy trên nương. Nhà cách trường hơn 8 cây số, trong khi bạn học rất hay bỏ học bất ngờ, thầy cô rất vất vả để vận động học sinh tới trường, thì cậu học trò lớp 3 này vẫn chăm chỉ ngày ngày đến trường. Trên đôi chân tật nguyền ấy, em cần mẫn đi trong cái nắng chói chang hay mưa dầm của Tây Nguyên để đến trường. Và học rất giỏi. Em rất nhát khi nhìn thấy người lạ, ngay cả khi được tặng quà.
Trẻ con người dân tộc rất nhát khi gặp người lạ. Theo lời thầy cô kể, chúng hầu như chỉ biết thầy cô giáo của mình. Đây là phản xạ tự nhiên khi bắt gặp ai đó đang nhìn hay chĩa ống kính về chúng, cho dù đó là chiếc điện thoại.
Các em ở điểm trường Groi, trường Kim Đồng, Kbang này thì mạnh dạn hơn, vì chúng trong đội văn nghệ. Hiếm khi chúng mặc bộ trang phục truyền thống dân tộc mình trong đời sống thường ngày. Một bộ trang phục thế này có giá khoảng hơn một triệu đồng, nên chỉ mặc vào những dịp đặc biệt. Điều này cũng phản ánh thực tế ngày càng nhiều người Ba Na ít mặc trang phục truyền thống.
Người mẹ trẻ dân tộc Ba Na với đứa con được cho là bị down của mình. Chị ở tuổi 30, có 3 đứa con và không am hiểu gì về căn bệnh này, nên rất lúng túng trong việc dạy dỗ con. Mà không chỉ chị, nhà trường ở đây cũng rất lúng túng trong việc giảng dạy. Đây là thực tế rất hay gặp ở nhiều trường học vùng sâu vùng xa với những học trò mắc căn bệnh khó này.
Cậu bé này đang ghé miệng vào uống nước từ chiếc vòi nối từ hệ thống nước lọc của trường .Trẻ con miền núi đi học chưa có thói quen mang bình nước theo, mỗi khi khát nước lại chạy ra đây, mở khóa và kề môi.
Lần đầu tiên, cô bé này được ăn chiếc bánh mì ngọt dưới xuôi và được cho mấy cái kẹp tóc. Mẹ em kẹp liền để làm duyên và nhờ tôi chụp cho một tấm để kỷ niệm.
Có dịp đi nhiều, gặp nhiều trẻ em, học sinh người dân tộc ít người ở Tây Nguyên, bạn sẽ ấn tượng ở những cặp mắt. Chúng to, sáng, hồn nhiên, pha chút rụt rè nhưng cũng không kém mạnh mẽ, có chút hoang dại, nhìn vào là bị thu hút ngay. Hy vọng những đôi mắt ấy sẽ gặp may mắn nhiều hơn trên quãng đường đời mai sau, từ sự nâng đỡ dạy dỗ của thầy cô, từ sự nhiệt tình của các tổ chức thiện nguyện…

 L.M.Hạ

Cùng chuyên mục