Những “chuyện tình” ở Hội An – Kỳ 5: Ba ông giáo Nhật ở Hội An

>> Những “chuyện tình” ở Hội An – Kỳ 1: Tới Hội An… nhặt mo cau

>> Những “chuyện tình” ở Hội An – Kỳ 2: Thương anh, em hãy về Hội An

>> Những “chuyện tình” ở Hội An – Kỳ 3: Con chúng mình sẽ mang tên Hội An

>> Những “chuyện tình” ở Hội An – Kỳ 4: Ông già Ý dong thuyền ra Cù Lao Chàm

Ngày càng nhiều người Nhật tới Hội An du lịch và người Nhật là một cộng đồng rất đặc biệt tại phố cổ. Đó là các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia các lĩnh vực, quan chức phía Nhật… và họ thực sự là những “người bạn lớn” của vùng đất này.

Ba thầy giáo Nhật (từ phải qua) gồm thầy Takeshi Hirohata, thầy Hamada và thầy Suzuki - Ảnh: B.D.
Ba thầy giáo Nhật (từ phải qua) gồm thầy Takeshi Hirohata, thầy Hamada và thầy Suzuki. Ảnh: B.D.

Phố cổ Hội An là một vùng đất mang nhiều dấu ấn kiến trúc, văn hóa Nhật Bản. Những công trình đã trở thành biểu tượng như Chùa Cầu, đình cổ… luôn gợi đến hình ảnh đất nước hoa anh đào. Đây cũng là địa chỉ du lịch vô cùng hấp dẫn của khách du lịch đến từ Nhật Bản.

Qua phố cổ mở trường Nhật

Trong hàng chục ngàn khách du lịch Nhật đến Hội An mỗi năm, có những người “tình cờ tới một lần rồi đem lòng thương nhớ”. Họ đã quyết định chọn Hội An làm nơi sống những ngày cuối đời, đem tình yêu, trí lực để cống hiến cho phố cổ thân thương.

Ít năm nay, nhiều khách du lịch tản bộ qua cầu Cẩm Nam dọc theo phố Nguyễn Tri Phương, Hội An đều chú ý tới những ánh đèn và dòng chữ Nhật trước một cửa hiệu nhỏ. Đó là một trong hai lớp dạy tiếng Nhật đang được mở từ nhiều năm nay do những người Nhật yêu mến Hội An điều hành.

Người đứng ra mở lớp là ông Takeshi Hirohata – 70 tuổi, đang điều hành một chuỗi cửa hàng món ăn Việt tại Nhật Bản và cũng là chủ nhân nhiều nhà hàng Nhật ở TP.HCM.

Người Hội An gọi Takeshi Hirohata là thầy để tỏ lòng kính mến ông. Thầy Takeshi Hirohata đến TP.HCM vào năm 1993 và có thời gian dài kinh doanh ở đó. Nhưng ông nói rằng cuộc sống ở trung tâm kinh tế này ngột ngạt, ông bị cuốn theo quá nhiều thứ đến nỗi gần như không có thời gian để sống cho riêng mình.

Năm 2003, tình cờ ghé Hội An, Takeshi Hirohata ngỡ ngàng bởi phố cổ trước mắt ông hiện lên như chính đất nước mình những ngày thơ ấu.

Những ngôi nhà xếp mái nằm im lìm bên dòng sông, những ngôi chùa rất cổ kính, cuộc sống tĩnh mặc, gần như mỗi người đều tĩnh lặng khi ngồi cạnh nhau. Những điều đó làm tôi nhớ tuổi thơ của mình ở nước Nhật” – thầy Takeshi Hirohata nhớ lại.

Trở về TP.HCM tìm cách chuyển giao công việc, rồi thầy Takeshi Hirohata trở ra lại để “tính sẽ làm một cái gì đó ở phố cổ”. Ông được kết nối tới gặp ông Võ Phùng – giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao Hội An và cũng là người có uy tín với các chuyên gia Nhật Bản khi tới phố cổ này.

Trong cuộc trò chuyện với ông Phùng, Takeshi Hirohata được kể về truyền thống người Nhật ở Hội An trong quá khứ, và lượng người Nhật đang đổ về sinh sống mỗi năm. Điều đó làm thầy Takeshi Hirohata thêm suy nghĩ.

Ông hỏi ông Phùng: “Chúng ta có thể mở trường dạy tiếng Nhật không?“. Nghe câu hỏi này, ông Phùng cười tươi, nắm chặt tay ông Takeshi Hirohata, nói: “Đó là điều tuyệt vời cho Hội An“.

Thầy giáo với học viên trong lớp tiếng Nhật tại Hội An - Ảnh B.D.
Thầy giáo với học viên trong lớp tiếng Nhật tại Hội An. Ảnh B.D.

Những giờ học vui nhộn

Trong gian nhà nhỏ ở đường Nguyễn Tri Phương mà thầy Takeshi Hirohata đã bỏ tiền túi ra thuê, mỗi ngày trôi qua ở đây luôn rộn vui tiếng trẻ em.

Buổi sáng, lũ trẻ cắp sách tới ngồi ngay ngắn trên những bộ bàn ghế gỗ mà các thầy giáo đã sắm. Trên bục bảng, lần lượt ba ông thầy giáo già gồm thầy Takeshi Hirohata, thầy Hamada (67 tuổi) và thầy Suzuki (72 tuổi) thay nhau viết chữ, tập đánh vần cho học trò.

Để dạy được lũ trẻ, các thầy giáo còn thuê cả trợ lý người Việt từ TP.HCM ra là chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh giúp chuyển ngữ để thầy giáo có thể trò chuyện lâu hơn với học sinh. Lũ trẻ Hội An và thậm chí cả người lớn, ai có nhu cầu đều được mời tới lớp và học không có thời gian cố định, học bất cứ lúc nào không có nhu cầu nữa. Tất cả đều miễn phí.

Chị Ngọc Oanh kể rằng dự án mở trường tiếng Nhật của thầy Takeshi Hirohata ban đầu chỉ diễn ra ở ngôi nhà mà ba thầy giáo đang ở. Nhưng sau đó Trung tâm Văn hóa thể thao Hội An có đề nghị các thầy hỗ trợ để mở thêm một lớp nữa ở số 39 Nguyễn Thái Học.

Hằng ngày, các thầy Nhật chia thời gian, sáng dạy tại nhà, chiều hoặc tối dạy ở cơ sở Nguyễn Thái Học. Có mặt hỗ trợ các thầy là những cán bộ ở Trung tâm Văn hóa thể thao Hội An.

Mỗi lần lên lớp, những gian nhà của thầy lẫn trò lại rộn rã tiếng cười. Thầy dạy cho trò tiếng Nhật, thỉnh thoảng lại kể về văn hóa, quê hương Nhật Bản của mình. Ngược lại, học trò lại dạy cho thầy tiếng bản địa, khi thầy Nhật phát chệch âm xứ Quảng khiến lũ học trò cười nghiêng ngả.

Chị Oanh cho biết thầy Takeshi Hirohata còn tổ chức cho trẻ đi dã ngoại ở các địa điểm du lịch Hội An. Ngoài việc dạy chữ, các thầy giáo còn tự đi mua nguyên liệu, bày biện không gian để dạy học trò làm bánh truyền thống của Nhật Bản là takoyaki – dịch ra tiếng Việt là bánh bạch tuộc nướng.

Thầy Takeshi Hirohata cho biết khi mở lớp dạy tiếng Nhật ở Hội An, ban đầu chỉ có một mình thầy phụ trách. Nhưng sau đó nhiều người bạn vong niên của thầy ở Nhật Bản ghé thăm Hội An, được nghe thầy kể về công việc của mình, nên một số đã quay về Nhật thu xếp các thứ để chuyển qua Hội An sống.

Cha thầy Takeshi Hirohata từng qua thăm con trai và cũng tham gia dạy tiếng Nhật. Hiện nay thầy Takeshi Hirohata cùng thầy Hamada, thầy Suzuki đang cùng thuê nhà, ăn ở sinh hoạt cùng nhau và công việc hằng ngày là dạy tiếng Nhật cho người Hội An.

Mỗi sáng, tôi đều ra chợ cá Thanh Hà ở rìa phố cổ Hội An để mua cá, ngắm nhìn người bán hàng. Mỗi lần đi, tôi đều mua rất nhiều cá tươi đem về nấu cho mọi người. Cuộc sống ở đây làm tôi trẻ lại, gợi nhớ thời thơ ấu của mình.

Ngoài dạy chữ, chúng tôi còn tới thăm và tài trợ học bổng cho các trường học. Chúng tôi hạnh phúc khi được sống ở đây và sẽ duy trì lớp học cho tới năm 2025, sau đó sẽ có kế hoạch tiếp theo” – thầy Takeshi Hirohata nói.

Điểm đến yêu thích của người Nhật

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, Hội An là một điểm đến đặc biệt yêu thích của du khách Nhật với khoảng 60.000 lượt người tham quan phố cổ mỗi năm. Hội An cũng là thương cảng trong lịch sử, nơi mà nhiều công trình kiến trúc, quần thể di sản đã được xây lên từ bàn tay của người Nhật Bản.

Trong hàng chục ngôi mộ cổ đang nằm rải rác ở Hội An, nhiều mộ tới nay là địa chỉ lui tới của người Nhật như mộ các ông Banjiro, Gusokukun, Tani Yajirobei – thương nhân Nhật từng sống ở Hội An vào thế kỷ 17.

Phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết Hội An hiện đang có rất nhiều “người bạn lớn” từ Nhật Bản. Đó là các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia các lĩnh vực và quan chức phía Nhật…

Ngày càng nhiều người Nhật tới Hội An du lịch và người Nhật là một cộng đồng rất đặc biệt tại Hội An. Sự gắn kết của Hội An với Nhật là một câu chuyện lịch sử đặc biệt, và đô thị cổ này luôn giành được thiện cảm cũng như sự giúp đỡ, nhất là trong lĩnh vực bảo tồn từ các chuyên gia Nhật.

Hội An hằng năm có các ngày hội văn hóa Nhật Bản và ngược lại, việc quảng bá phố cổ cũng được làm rất rầm rộ tại Nhật” – ông Sơn nói.

Cuối đường Huyền Trân Công Chúa ở khúc đẹp nhất sông Thu Bồn, Hội An, có một quán cà phê tĩnh lặng mà khách đến sẽ được chủ nhân người Nhật kể cho nghe những câu chuyện về văn hóa Cơ Tu…

Kỳ tới: Tới Hội An để giúp người Cơ Tu

Thái Bá Dũng

Theo Tuổi Trẻ Online

 

Link nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-chuyen-tinh-o-hoi-an-ky-5-ba-ong-giao-nhat-o-hoi-an-20200113195744323.htm

Cùng chuyên mục