Những cái nhất của các bảo tàng ở Đà Nẵng
Đà Nẵng không thể so sánh với Hà Nội, TP.HCM về độ lớn, nhưng có thể tự hào rằng hai thành phố lớn nhất nước này có gì, thì Đà Nẵng hầu như cũng có, ít nhất là về mặt bảo tàng.
Nơi này có ít nhất 5 bảo tàng để bạn phải ghé qua.
Bảo tàng Phật giáo duy nhất của Việt Nam
Từ khi thành lập, đây luôn là điểm đến trước hết của khách hành hương khi đến khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Bảo tàng là nơi đầu tiên ở Việt Nam trưng bày, tập hợp khá quy mô các pháp khí, đại hồng chung, bia ký, tranh, tượng Phật đủ các trường phái, thể loại trong một không gian chuyên biệt. Trong 500 hiện vật trưng bày, có 200 cổ vật được giám định mang nhiều nét văn hóa điêu khắc khác lạ, trong đó có 37 hiện vật thuộc bảo vật quốc gia, 15 bảo vật thuộc nhóm tượng Phật cổ, bia ký và đại hồng chung.
Là bảo tàng của nhà chùa nên ngoài các hiện vật do nhà chùa sưu tập được (bộ sưu tập của bảo tàng được hình thành và liên tục sưu tầm bổ sung qua 3 đời trụ trì) nơi đây còn có sự đóng góp từ rất nhiều người dân, phật tử sẵn có hoặc tìm kiếm được đem dâng tặng. Điều này dẫn đến việc các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng, bên cạnh sự đa dạng về phong cách thể hiện và chất liệu, khá nhiều tượng Phật có niên đại cách biệt nhau và không phải tượng Phật nào cũng cổ.
Điều tiếc rẻ nhất khi đến nơi này là phần thông tin cũng chưa đủ dày, xuất xứ, niên đại một số tượng Phật để trống không có chú thích cụ thể. Các pho tượng Phật trưng bày vẫn chủ yếu thỏa mãn thị giác chứ chưa chia ra được những không gian, vùng thời gian đặc trưng riêng. Thí dụ như sự hình thành và phát triển của văn hóa Phật giáo qua từng thế kỷ, triều đại, phong cách tượng của từng thời kỳ… Có lẽ, vì đây là bảo tàng trong khuôn khổ một ngôi chùa nên các công tác tư liệu trích nguồn, truy xuất lý lịch hiện vật không thể làm khoa học và bài bản như các bảo tàng khác. Bị giới hạn bởi không gian sẵn có (700m2) trong diện tích của một ngôi chùa, dù đã được dành cho một vị trí đẹp nhất, rộng rãi nhất của ngôi chánh điện, khiến việc trưng bày chưa thực sự hiệu quả và mang đậm dấu ấn của một bộ sưu tập cá nhân hơn là cái tên mà nó đang được gọi.
Cổ viện Chàm – bảo tàng Chăm lớn nhất
Bảo tàng Điêu khắc Chăm, hay còn được người Đà Nẵng gọi một cách thân thuộc là Cổ viện Chàm, là bảo tàng lâu đời nhất của Đà Nẵng. Không chỉ vậy, được khởi công xây dựng năm 1915 và khánh thành năm 1919, bảo tàng Điêu khắc Chăm còn là bảo tàng đầu tiên của Việt Nam. (Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Hà Nội khởi công năm 1926, hoàn thành 1932. Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh khởi công 1927, hoàn thành 1929). Bảo tàng trăm tuổi này đã trải qua 3 lần sửa chữa lớn và mở rộng để có không gian như hiện tại. Nhưng may mắn thay, bảo tàng vẫn giữ được hình dáng rất đặc trưng ban đầu, những kiến trúc gần gũi và hài hòa với các hiện vật mà nó mang bên trong: những tượng, phù điêu, đài thờ… đặc trưng của Chăm-pa.
Đây là bảo tàng Chăm lớn nhất và duy nhất trên thế giới, trưng bày, lưu trữ gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ. Trong đó có 187 hiện vật trưng bày ngoài sân vườn, 288 hiện vật trưng bày bên trong theo từng phòng: Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum.
Mỗi lúc, bảo tàng lại có thêm nhiều hiện vật mới được trưng bày. Đầu năm 2019 đến nay, nơi đây đã mở cửa phòng trưng bày chuyên đề Kết quả khai quật khảo cổ di tích tháp Chăm Phong Lệ 2011 – 2018, mở cửa kho giới thiệu 47 hiện vật bằng sa thạch với nhiều loại hình khác nhau…
Việt Nam có 119 bảo tàng, trong đó chỉ có 12 bảo tàng được xếp hạng 1 và Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một trong số đó. Đây cũng là một trong những bảo tàng có nhiều báu vật quốc gia nhất. Số lượng hiện vật của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được công nhận là bảo vật quốc gia vừa được nâng thêm lên con số 4, với Đài thờ Đồng Dương – một đài thờ lớn có chạm nổi các hình ảnh về cuộc đời Đức Phật Thích-ca-mâu-ni hiện đang được lưu giữ tại đây vừa được công nhận. Ba báu vật được công nhận trước đó là Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Bồ tát Tara.
Cổ viện Chàm là một trong những bảo tàng đông khách tham quan nhất của cả nước, bảo tàng có nhiều chính trị gia quốc tế, thượng khách đến thăm nhất, cũng là bảo tàng có phí vào cửa cao nhất Đà Nẵng: 60.000 đồng/vé, và có lẽ cao nhất nước nếu so vé vào cửa Bảo tàng Đà Nẵng, Đồng Đình, Mỹ thuật có giá 20.000 đồng/vé, Bảo tàng lịch sử TP.HCM là 30.000 đồng và Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam là 40.000 đồng/vé…
Cổ viện Chàm là bảo tàng có kiến trúc mở, khá thoáng, tường bao quanh cũng từng rất thấp. Trước đây người đi đường bên ngoài không cần vào bảo tàng vẫn có thể nhìn thấy rõ một số hiện vật trưng bày bên trong. Có một thời gian nơi này bị trộm viếng nên sau đó bảo tàng phải xây hàng rào cao để tăng cường bảo vệ. Bây giờ khung cảnh xung quanh bảo tàng được cải tạo, quy hoạch sáng sủa sạch đẹp hơn. Bảo tàng nằm ở một vị trí rất đẹp, ngay giao lộ nhộn nhịp và thoáng đãng bên cạnh cầu Rồng, sông Hàn, lại không xa tuyến phố du lịch nên rất dễ tìm đối với những du khách lần đầu đến Đà Nẵng. Với việc ngày càng có nhiều chuyến bay thẳng đến Đà Nẵng, lượng du khách đổ về thành phố này mỗi lúc một nhiều, kéo theo việc tham quan Cổ viện Chàm vốn đã đông lại càng đông.
Bảo tàng “trẻ tuổi” nhất
Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng được thành lập năm 2014 và mất hơn 2 năm chuẩn bị, bảo tàng này mới chính thức đi vào hoạt động từ giữa tháng 12/2016. Đây là thành phố thứ hai của cả nước có bảo tàng mỹ thuật cho riêng mình, sau Sài Gòn. Hai năm rưỡi hoạt động, bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là minh chứng cho sự “chịu chơi” đầu tư văn hóa của Đà Nẵng khi số đông công chúng vẫn chưa có thói quen đi bảo tàng.
Toàn bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật ở đây có tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng, không phải là con số quá lớn nếu so với những bảo tàng khác, nhưng cũng đã cho thấy sự đầu tư về văn hóa của thành phố. Hiện vật giá trị chưa nhiều, nhưng một trong những bất ngờ thú vị của bảo tàng phải kể đến, là một tác phẩm của danh họa vốn quen thuộc với những bức tranh phố của Hà Nội: cố họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nhưng với bức tranh treo ở đây, ông vẽ sông Hàn, Đà Nẵng, cách đây 35 năm. Đây cũng là một trong những tác phẩm có giá trị nhất của bảo tàng. Được biết, bảo tàng đã mua lại được tác phẩm này chỉ với giá hơn phân nửa giá thị trường. Hôm người viết đến tham quan, là lúc họa sĩ Lê Công Thành, một bậc thầy điêu khắc gốc Đà Nẵng vừa mất. Lê Công Thành có một số tác phẩm được trưng bày tại đây. Một nhân viên của bảo tàng cho biết, bảo tàng hiện đang xúc tiến mua thêm một số tác phẩm của ông. Nhưng bây giờ nhà điêu khắc đã mất, nên việc này có lẽ sẽ khó khăn hơn, nhất là chuyện giá cả.
Hiện bảo tàng vẫn đang duy trì đều đặn việc kết hợp với các trường học đưa học sinh đến tham quan định kỳ. Những vị khách này sẽ gieo dần, hình thành thói quen và lạc quan hơn, một nhu cầu cần thiết và đáng có, nâng tầm văn hóa cũng như nâng cao dân trí của một thành phố đang được nhắc đến rất nhiều trên truyền thông thời gian qua.
Bảo tàng trên thành cổ
Được thành lập cách đây đúng 30 năm, một thời gian rất dài bảo tàng nằm ngoài khái niệm là điểm đến của người Đà Nẵng cũng như du khách gần xa, nhất là trong thời gian ở tại địa chỉ cũ 78 Lê Duẩn. Bảo tàng Đà Nẵng chỉ thực sự có khách và đông khách trong những năm gần đây, khi chuyển về địa điểm mới ở trong thành Điện Hải năm 2011.
Không gian trưng bày với diện tích hơn 3000m2 gồm 3 tầng giới thiệu hơn 2.500 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa của thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận cho thấy cái nhìn khá bao quát về Đà Nẵng qua nhiều thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, việc trưng bày chưa thật sự hợp lý và cuốn hút, các vùng chuyển tiếp của chủ đề trình bày chưa được liền mạch khiến khách xem đôi lúc khó tập trung theo dõi. Một số hiện vật chưa ghi rõ nguồn là hiện vật phục chế hay nguyên bản.
Điều đáng phàn nàn là bảo tàng quá khép kín, phần kiến trúc kính trước tòa nhà ôm trọn tất cả nhiệt lượng của mặt trời khiến không khí nóng bức, dù có máy lạnh vẫn khá khó chịu cho du khách. Một bảo tàng rất gần sông, nằm giữa tòa thành cổ, có không gian thoáng đãng nhưng không có hệ thống lấy gió hay tận dụng không khí thiên nhiên vào cho tòa nhà.
Bảo tàng Đà Nẵng ngoài các hiện vật sưu tầm được, còn là nơi đáng để bạn dành thời gian tham quan bên ngoài, vốn là thành Điện Hải xưa. Một thành cổ rất có ý nghĩa lịch sử khi đây là di tích lịch sử quốc gia cấp đặc biệt, nơi diễn ra giao tranh dữ dội khi Pháp lần đầu đổ quân vào vịnh Đà Nẵng, vào cửa sông Hàn đánh chiếm Đà Nẵng, xâm lược Việt Nam.
Vị trí này đã làm nên cái sự độc lạ của một bảo tàng vì từ trước tới nay chưa có bảo tàng nào ở Việt Nam lại nằm trên khuôn viên một vị trí thành cổ, nghĩa là bảo tàng đang xâm phạm khu vực bảo vệ cấp 1 của di tích quốc gia đặc biệt này. Hiện bảo tàng đang được sửa sai khi chuẩn bị di dời qua vị trí gần đó, 42 Bạch Đằng, chắc chắn đẹp không kém, nơi từng là trụ sở của HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng, tức tòa thị chính, tòa đốc lý xưa.
Khu vườn ký ức bên sườn núi
Bảo tàng tư nhân đầu tiên và duy nhất của Đà Nẵng tính cho đến thời điểm này và cũng là bảo tàng tư nhân duy nhất được chính thức cấp phép tại miền Trung, là một không gian khá đặc biệt. Hơn 10 năm nay, Bảo tàng Đồng Đình nằm trên sườn núi, ngay sát cạnh chùa Linh Ứng, Bãi Bụt, Sơn Trà, nhìn ra biển. Đây có lẽ là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam có địa thế độc đáo này.
Với một không gian khá mở, các hiện vật ở trong 4 gian nhà nằm xen kẽ giữa rừng cây, trưng bày các hiện vật gốm cổ, có niên đại hàng trăm năm đến ngàn năm. Những hiện vật gốm cổ đã được giám định, thuộc các bộ sưu tập gốm Đại Việt, gốm Sa Huỳnh, Chăm-pa, gốm mậu dịch… Bên cạnh đó là những vật dụng lâu năm của đồng bào dân tộc miền núi mà chủ nhân đã dày công sưu tập từ 40 năm qua trên bước đường làm phim của mình. Trong đó, ấn tượng nhất phải nói đến ngôi nhà Ký ức làng chài. Đây là ngôi nhà được dựng lên từ xác 2 chiếc thuyền gỗ, 3 thuyền nan và 5 thúng chai đã hết đời đi biển, nơi trưng bày những vật dụng đánh bắt, sinh hoạt quen thuộc của ngư dân vùng làng chài Nam Thọ – một làng chài xưa, trước đây kéo dài từ chân núi này cho đến tận công viên Biển Đông hiện tại. Còn bây giờ, trước cơn lốc đô thị hóa, đã chỉ còn trong trí nhớ. Đây cũng là điều mà chủ nhân bảo tàng – nhà làm phim tài liệu, NSƯT Đoàn Huy Giao trăn trở và muốn lưu lại một phần ký ức của làng chài cho thế hệ sau.
Điều đáng nói, Bảo tàng Đồng Đình thu hút khách còn vì không gian xanh mát của nó. Một vùng núi cây lúp xúp đã được cải tạo, trồng mới khiến Đồng Đình khá giống một resort hay khu du lịch sinh thái hơn là một bảo tàng. Những ngôi nhà trưng bày có diện tích xây dựng rất vừa phải, vừa đủ tạo một không gian hài hòa với thiên nhiên chung quanh. Con suối chảy qua phần đất bảo tàng cũng là một điểm nhấn khá thơ mộng cho nơi này. Đây là một vùng không gian riêng biệt, yên tĩnh, khá kén khách, không bị ảnh hưởng bởi lượng du khách đang ồ ạt đến chùa Linh Ứng kề bên mỗi ngày. Ngay cả khi sau này bảo tàng mở cửa mỗi ngày, thay vì chỉ mở cửa cuối tuần như trước kia, thì khách đến cũng rất vừa phải, không bị phụ thuộc theo mùa du lịch. Một sự thú vị khác của bảo tàng còn nằm ở chính vợ chồng chủ nhân của nó, vốn là những người làm truyền hình đã nghỉ hưu, với những câu chuyện sinh động về các vùng đất họ đã đi qua.
Có lẽ vì vậy mà khi đến đây, khách tham quan sẽ có một trải nghiệm khác hẳn so với khi tham quan các bảo tàng khác ở Đà Nẵng…
Thay lời kết
Giới thiệu 5 bảo tàng độc đáo của Đà Nẵng, chỉ tiếc một điều, khách ngoại quốc rất nhiều nhưng khách trong nước rất ít. Người Đà Nẵng nói riêng và khách Việt nói chung không có thói quen đi bảo tàng, nếu không vì một sự kiện hay một chương trình thi đua nào đó. Việc những bảo tàng lần lượt xuất hiện chỉ trong vòng khoảng 7, 8 năm trở lại đây, cho thấy, sau một thời gian phát triển khá chóng mặt, thành phố này đã bắt đầu quan tâm đến khía cạnh văn hóa nhiều hơn, dù khá muộn!
Bài & ảnh: L.M.Hạ
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh