Nhà Nho sưu tầm ngạn ngữ

Quốc ngạn là quyển sách tập hợp các câu ngạn ngữ của nước ta được một nhà Nho xứ Quảng sưu tầm, biên soạn và xuất bản cách đây gần 100 năm.

Bìa sách Quốc ngạn.

Sách Quốc ngạn

Ngạn ngữ là những câu nói hay của người xưa còn được lưu truyền lại. Ngạn ngữ thường nêu lên những bài học về lẽ phải, đạo lý làm người mang tính chất giáo dục và thường được thể hiện bằng từ Hán – Việt. Ngạn ngữ vì thế gắn với phong cách của văn học viết và thường vẫn có thể tìm ra xuất xứ. Ngạn ngữ là một bộ phận của tục ngữ và rất phổ biến trong tiếng Việt.

Cách đây gần 100 năm, một nhà Nho xứ Quảng là cụ Cử nhân Lương Thúc Kỳ đã bỏ ra hơn 5 năm sưu tầm, sắp xếp, giải nghĩa, chú thích và cho xuất bản một bộ sách về ngạn ngữ gồm 2 quyển lấy tên là Quốc ngạn, nghĩa là hệ thống ngạn ngữ của nước ta. Sách được Tiếng Dân xuất bản năm 1931 tại Huế.

Tác giả sách Quốc ngạn cho rằng nhờ phương ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ mà dân ta dù ít học hoặc không biết chữ vẫn cư xử với nhau đúng mực, hợp đạo lý. Ông viết: “Nước ta đã trải qua bốn ngàn năm, dân số ước đến 25 triệu. Những người biết chữ nghĩa, thông hiểu việc xưa nay trăm phần chưa được một, còn những hạng đàn ông đàn bà không học thuộc về phần nhiều. Nhưng xét khi ăn ở trong gia đình, ứng tiếp ngoài xã hội, câu chuyện việc làm không điều gì là không hợp lẽ thường, mường tượng như một người có học vậy; nếu không nhờ lời phương ngôn tục ngữ quen thuộc trên đầu lưỡi để làm nền nếp khuyên răng dạy bảo thời làm sao được cách ở đời như thế” (Dẫn lại Nguyễn Q.Thắng, trong Quảng Nam – Đất nước và nhân vật, Nxb VHTT, năm 2001, trang 516).

Nội dung bộ sách được ông cho biết trong lời tựa: “Tôi nhơn du lịch, lượm dồn lời tục ngạn, trích đối được một ngàn năm trăm liên, đặt tên là bộ Quốc ngạn, chia ra nhóm nhơn sự, vật lý làm 2 quyển, bổ thêm chữ Hán (sắp hai liên vào một vần, trăm liên vào một thiên), chỗ thì giải nghĩa, chỗ thì nối lời hoặc chứng điển tích cũ, hoặc viện lý luận mới, hoặc nêu lời chính đáng, hoặc cải lời sai lầm đặt ra mấy thể như vậy, tự biết không khỏi vẽ thêm chân rắn, túng nối đuôi muông là một điều dông dài đáng bỉ. Tuy vậy, tôi tự tìm tòi, sắp đặt đến 5 năm mới thành, vẫn có ít nhiều công khó, biết không ra gì mà bỏ đi không dứt. Tục nói “của có làm có tiếc” là thế, tưởng các ngài coi đến bộ này chẳng khác gì miệng chán cao lương, phải dùng sơ thái, cho trôi thú thôn quê đó mà thôi còn muốn xét tánh tình, phong tục dân tộc ta thì đã có Sử, Thặng của các nhà, lời quê mùa này đâu đủ nói” (Sđd, trang 517).

Tác giả Lương Đức Minh Dũng trong cuốn Họ Lương Việt Nam có đánh giá về bộ sách Quốc ngạn: “Đây là tập sách được biên soạn công phu, được dư luận lúc bấy giờ đánh giá cao, người thông thạo Hán học khâm phục mà cả người ít học Hán văn cũng rất thích, có giá trị cao giáo dục đạo đức làm người, giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc…”.

Hiện nay sách không được tìm thấy ở các thư viện nhưng theo Nguyễn Hải Triều trên báo Đà Nẵng số ngày 25/9/2015 thì tộc Lương ở Đại Lộc vẫn còn lưu giữ. Đây là một điều may mắn. Rất mong tộc Lương phối hợp với ngành văn hóa của Quảng Nam cho tái bản và phổ biến rộng rãi để trước là giữ một quyển sách quý, sau nữa là góp phần giáo dục đạo đức xã hội, đang có những biểu hiện xuống cấp cũng như tri ân một nhà Nho, nhà duy tân cải cách, nhà nghiên cứu của quê hương Quảng Nam.

Ngoài sách Quốc ngạn, cũng theo Nguyễn Hải Triều trong tài liệu đã dẫn cho rằng Lương Thúc Kỳ còn viết cuốn Quốc ngạn phân ban. Do không có tiền để xuất bản nên đã nhường bản quyền lại cho Nguyễn Bá Trác. Nhưng rồi ông này cũng không xuất bản được và bản thảo đã bị thất lạc.

Tác giả sách Quốc ngạn

Lương Thúc Kỳ tự là Tử Khôi, hiệu Đài Nam, sinh ngày 13/6/1873 tại làng Hà Tân, huyện Đại Lộc (nay là thôn 9 xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc). Lúc nhỏ ông học ở quê sau đó học ở trường Đốc Quảng Nam (tại Thanh Chiêm, Điện Bàn) do Tiến sĩ Trần Đình Phong làm Đốc giáo.

Năm 27 tuổi ông thi đỗ cử nhân (khoa Canh Tý 1900), tại trường thi Thừa Thiên. Đây là khoa thi đặc biệt của học trò xứ Quảng với 4 người được tôn vinh là “tứ tuyệt Quảng Nam”. Ông là người đỗ Cử nhân đầu tiên của vùng B Đại Lộc và của huyện Đại Lộc sau khi được thành lập (1899). Sau 3 năm bồi dưỡng kiến thức về hành chánh mới ở trường Hậu bổ – trường dành cho các vị sắp được bổ dụng làm quan, năm 1905 ông được bổ làm Hậu bổ tỉnh Bình Thuận, sau đó là quyền Tri huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Mộ Lương Thúc Kỳ.

Mặc dù làm quan cho Nhà nước phong kiến nhưng Lương Thúc Kỳ là một người yêu nước, luôn ủng hộ đường lối Duy tân tự cường do các bạn đồng môn, đồng khoa Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp chủ trương. Lương Thúc Kỳ cũng từng tham gia giảng dạy ở trường Dục Thanh, Phan Thiết, một cơ sở giáo dục hoạt động theo mục đích và tôn chỉ của phong trào Duy tân ở Bình Thuận do các nhà Duy tân yêu nước như Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh (con trai nhà yêu nước Nguyễn Thông), Hồ Tá Bang thành lập.

Nhân vụ kháng thuế cự sưu năm 1908, Lương Thúc Kỳ bị bãi chức và bắt giam 2 năm. Năm 1910, ông được trả tự do, sau một thời gian được khôi phục công việc. Từ Hậu bổ tỉnh Quảng Nam chuyển sang Huấn đạo huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình, rồi Cam Lộ tỉnh Quảng Trị. Năm 1917 được thăng Giáo thọ phủ Tuy An (Phú Yên). Năm 1919, khi khoa cử Nho học cáo chung ông về Huế làm ở Viện Cổ học, một cơ quan của Bộ Học do Nguyễn Bá Trác quản lý. Năm 1923, ông xin nghỉ hưu, mặc dù chỉ mới 50 tuổi. Ông lui về ở ẩn tại quê nhà Đại Lộc và mất ngày 23/9/1947, thọ 75 tuổi, được an táng ở Hà Nha. Mộ ông đã được tu bổ lại và được công nhận là Di tích văn hóa – lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 1693 QD/UBND ngày 10.6.2019). Từ năm 1985 tên Lương Thúc Kỳ được nhân dân Đại Lộc khắc trên bia tưởng niệm Trường An của huyện.

Ngoài 2 quyển Quốc ngạn và Quốc ngạn phân ban, Lương Thúc Kỳ khi làm việc ở Viện Cổ học Huế cũng là đồng tác giả của Địa chí Thừa Thiên, Thừa Thiên đăng khoa lục, Hán Việt Tự điển.

Lương Thúc Kỳ cũng là con rể của nhà yêu nước Nguyễn Thông (1827 – 1884, đỗ Cử nhân năm 1849, bỏ quê hương Nam Kỳ là đất thuộc địa của Pháp, ra sinh sống ở vùng “tỵ địa” Bình Thuận) và là cha vợ của nhà báo tài danh Phan Khôi (1887 – 1959).

Lê Thí

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/nhan-vat/nha-nho-suu-tam-ngan-ngu-88849.html

Cùng chuyên mục