Nguồn gốc câu ‘mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy’

Câu “mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” gợi nhắc đến truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Tết cổ truyền của người Việt mang đậm tính chất cầu tài lộc, bình an, may mắn. Trong những dịp lễ, công lao sinh thành của cha mẹ, tâm sức dạy bảo của thầy cô luôn được các thế hệ sau khắc ghi và gìn giữ.

Từ xưa ông cha ta đã có quan niệm rằng, ngày mùng 1 là ngày thiêng liêng nhất trong 1 năm, nên “mùng 1 Tết cha”. Đó là ngày vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ tập trung bên nội để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ, bày tỏ lòng hiếu đạo. Mùng 2 Tết nhà ngoại (Tết mẹ) gọi là biếu, khấn vái, quà tết cho họ nội và họ ngoại.

Và sau đó “mùng 3 tết thầy”, là ngày để người Việt bày tỏ sự biết ơn đến thầy cô, những người đã dạy dỗ, truyền thụ kiến thức.

nguon-goc-cau-mung-1-tet-cha-mung-2-tet-mung-3-tet-thay
Tết cổ truyền của người Việt mang đậm tính chất cầu tài lộc, bình an, may mắn. Ảnh: Minh Hoàng

Theo, PGS.TS Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói rằng câu “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” ra đời khi có nền giáo dục, có chữ viết.

“Mùng 3 Tết thầy” trong câu ca dao này là để nói về công cha nghĩa mẹ ơn thầy. Qua đó, học trò tỏ lòng biết ơn đến người thầy đã truyền dạy tri thức. Đây là thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Bên cạnh đó, có thể hiểu, trong quan niệm Tết xưa, chúc Tết thầy không chỉ là tình cảm mà còn là vật chất. Ở đó, học trò đóng góp và trả công, trả lương cho thầy. Bởi trong xã hội xưa, thầy giáo không có lương. Khi dạy học, các gia đình trong làng đóng góp thóc gạo để nuôi thầy.

Cứ vào ngày mùng 3 tháng Giêng, nhà thầy đồ luôn đông vui nhộn nhịp học trò đến chúc Tết, biếu quà. Người học trò được tín nhiệm nhất sẽ đứng lên thưa với thầy về sự có mặt của các đồng môn và chúc thầy những điều tốt lành.

“Tết thầy” được coi trọng không thua kém “Tết cha”, “Tết mẹ” bởi đạo lý thầy trò ngày xưa rất trọng, thầy được coi trọng như cha.

Vì thế, dù người có chức quan to đến cỡ nào, đường xa cách trở đến đâu, vào ngày mùng 3 Tết, học trò cũng lặn lội đến tỏ lòng kính trọng với người thầy từng dạy dỗ mình.

nguon-goc-cau-mung-1-tet-cha-mung-2-tet-mung-3-tet-thay
“Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” để thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Ảnh: Việt Linh

Hiện, đời sống vật chất ngày càng tốt hơn, con người nên sống với nhau tình cảm hơn. Dù ở thời nào, đạo lý kính thầy cần củng cố, lưu truyền và khẳng định là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm của người Việt. Đây là dịp để con cháu làm ăn xa trở về sum vầy bên gia đình. Khi đó, mọi người cùng trao đi những lời chúc may mắn, an khang đến người thân và tỏ lòng thành kính đến những thầy cô đã dạy dỗ.

Kiều Trang

Theo Zing.vn

Link nguồn: https://zingnews.vn/nguon-goc-cau-mung-1-tet-cha-mung-2-tet-me-mung-3-tet-thay-post1182463.html

Cùng chuyên mục