Người viết thư pháp thơ Bùi Giáng
Nhiều chục năm qua, nhà thư pháp Bùi Hiến (sinh 1957, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam) được biết đến là “ông đồ” của thơ Bùi Giáng. Bởi, qua những nét thư pháp điêu luyện của mình, ông khắc họa được hồn cốt thơ của “trung niên thi sĩ.
Nhà thư pháp Bùi Hiến chia sẻ, mặc dù vai vế trong dòng họ mình là anh chú bác của nhà thơ Bùi Giáng, nhưng ông biết đến Bùi Giáng với vai trò là nhà thơ khá trễ. Một trong những người đưa ông đến cõi thơ Bùi Giáng là nhờ nhà thơ Phạm Thư Cưu – một người rất yêu và mến mộ nhà thơ Bùi Giáng.
“Nhưng ban đầu mình chỉ ngâm thơ Bùi Giáng chứ chưa viết thư pháp, lúc ấy mình chưa cảm hết được ý thơ do ông làm, nên viết thư pháp sợ sẽ không đạt được cái thần thái” – Bùi Hiến chia sẻ.
Nhà thư pháp này cũng cho biết ông viết thư pháp thơ Bùi Giáng vài năm trước khi Bùi Giáng mất. Sau khi Bùi Giáng mất, mỗi năm vào dịp giỗ, ông đều viết và triển lãm thư pháp thơ Bùi Giáng. Ông coi đó như là bày tỏ mến mộ của mình đối với tài năng thi ca của người em họ.
Ông cũng cho biết, cuối những năm 1990, ông hay bày biện để viết thư pháp ở mấy ngã đường Sài Gòn. Nhưng rồi cuộc chơi không còn vui như trước nữa, nên ông thôi viết ngoài đường mà chỉ viết ở chùa chiền hoặc ở nhà.
“Hồi đó cuộc chơi vui, người đến xin chữ họ cũng hiểu chữ, am hiểu thơ nên mình vừa viết cho họ, vừa nói chuyện rất hay. Rồi những điều ấy vơi dần đi, nên mình không thích nữa” – Bùi Hiến lý giải.
Tuy vậy, trong căn nhà nhỏ ở khu Bảy Hiền (quận Tân Bình), ông vẫn còn giữ mực, bút để viết thư pháp. Ông bảo bây giờ chủ yếu là viết tặng bạn bè, người am tường chữ nghĩa hoặc yêu thơ Bùi Giáng. Hoặc những vị khách cũ tìm đến nhờ ông viết đôi chữ để treo trong nhà.
Hôm đến thăm nhà, thấy ông đang bày biện giấy mực để viết, ông bảo một bức là để tặng, còn lại là ông hứng lên nên viết, rồi để đấy. Ông cũng cho biếtmình sẽ chuẩn bị vài bức thư pháp thơ Bùi Giáng nhân đêm thơ Nguyên Tiêu tại Đà Nẵng dịp đầu năm mới.
An Vĩnh (bài & ảnh)