Người Quảng hiệu đính sách cho tác giả nước ngoài

Hà Đình Nguyễn Thuật (1842 – 1912) đã hai lần đi sứ sang Trung Hoa vào các năm 1880 và 1883. Với lần đi sứ thứ 2 (1883) Nguyễn Thuật đã trở thành một trong rất ít người Việt Nam làm công việc “biên tập” sách cho một tác giả nước ngoài! 

Hai lần đi sứ của Nguyễn Thuật!

Nguyễn Thuật hiệu Hà Đình, tự Hiếu Sinh, tước An Trường tử, sinh tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình). Ông là nhân vật đặc biệt của đất Quảng, một đại thần từng làm quan suốt 8/13 đời vua triều Nguyễn, trải qua cả lục bộ ở triều, lên đến tột đỉnh danh vọng: được phong hàm Thái tử Thiếu bảo, Hiệp biện Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lại sung Cơ mật đại thần, Kinh Diên giảng quan, Tổng tài Quốc sử quán, Chánh nhất phẩm, Đông các điện đại học sĩ. Ông cũng là tác gia với khối lượng tác phẩm đồ sộ để lại cho hậu thế mà phần lớn đã được khắc in và lưu trữ.

Trong đời làm quan, Nguyễn Thuật hai lần phụng mệnh đi sứ Trung Hoa trên cương vị Phó và Chánh sứ. Lần thứ nhất làm Chánh sứ tới Yên Kinh vào năm 1880 – 1881, lần thứ hai với cương vị Phó sứ đến Thiên Tân vào năm 1883 – 1884.

nguoi-quang-hieu-dinh-sach
Bìa sách Việt Pháp giao binh ký và tác giả Sone Toshitora.

Về chuyến đi sứ năm 1880, sách Đại Nam thực lục viết: “Hữu Thị lang Bộ Lại sung làm việc Nội các là Nguyễn Thuật được đổi bổ hàm Bộ Lễ sung chức Chánh sứ, Thị độc Học sĩ sung chức Sử quán Toản tu là Trần Khánh Tiến được đổi thụ hàm Hồng lô Tự khanh; Lang trung Bộ Binh là Nguyễn Hoan được đổi thụ hàm Thị độc Học sĩ sung chức Phó sứ thứ nhất, thứ nhì. Thuật ra đi, vua làm thơ và bài ca đi xa tự tay viết để ban cho. Khi ấy, vì giặc người nước Thanh chưa yên, mới làm tờ sớ nói cả tình hình biên giới, sai Thuật mang đến Quảng Tây yêu cầu để tâu giúp, xin phái cho quân ở dinh để chặn dẹp” (Tập 8, trang 486).

Còn sử gia Trần Trọng Kim cho rằng: “Từ năm Giáp Tuất 1874 trở đi, triều đình Huế đã ký tờ Hòa ước với nước Pháp công nhận nước Nam độc lập, không thần phục nước nào nữa, nhưng lúc bấy giờ vì thế bất đắc dĩ mà ký tờ hòa ước, nhưng trong bụng vẫn không phục nên vua Tự Đức vẫn theo lệ cũ mà triều cống Tàu, có ý mong khi hữu sự nước Tàu sang giúp mình. Bởi vậy năm 1880 sai Nguyễn Thuật, Trần Khánh Tiến, Nguyễn Hoan đi sứ sang Yên Kinh…”.

Về chuyến đi sứ năm 1883, cũng với mục đích tương tự là muốn được nhà Thanh giúp sức để chống lại người Pháp, nhất là sau khi họ đánh chiếm thành Hà Nội, Hoàng Diệu hy sinh và triều đình phải ký Hòa ước Quý Mùi (1883). Nhưng lúc này Trung Hoa cũng không thể “tự cứu” được mình trước cuộc xâm lăng của phương Tây lấy đâu nguồn lực để giúp triều Nguyễn. Hai chuyến đi sứ của Nguyễn Thuật vì thế bị thất bại và đây cũng là hai lần đi sứ cuối cùng của triều đình phong kiến nước ta đến Trung Hoa. Tuy nhiên trong lần đi sứ thứ hai, vị sứ thần cuối cùng của triều Nguyễn đã ghi “dấu ấn” cá nhân với hai bài thơ viết về lầu Hoàng Hạc và “biên tập” cho tác phẩm sử học của một tác giả người Nhật!

“Hiệu duyệt” cho sách Pháp Việt giao binh ký

Trong tác phẩm Vãng tân nhật ký (nhật ký ghi lại chuyến đi sứ năm 1883) Hà Đình Nguyễn Thuật có viết: “Ngày 6 tháng 12 năm 1883, Tăng Căn Khiếu Vân đến thăm, tôi và ông ấy ngồi ở đình Vọng Sơn, trò chuyện hồi lâu. Khiếu Vân có lấy ra hai cuốn sách cho tôi xem, một cuốn là Nam phiêu ký sự, trong sách đề năm Khoan Chính thứ sáu (năm thứ 59 niên hiệu Càn Long triều Thanh, năm thứ 56 niên hiệu Cảnh Hưng triều Lê nước ta, tức là năm 1794)… Một cuốn nữa là Pháp Việt giao binh ký, ghi chép rất nhiều câu chuyện, bài viết được đăng trên nhật báo, quá nửa là sai lầm, không chính xác. Nên ông ấy có nhờ tôi nhuận chính lại, tôi có rút bỏ khoảng hơn mười bài, giản lược bớt và sửa chữa…”.

Như vậy, trong chuyến đi sứ này Nguyễn Thuật đã “nhuận chính” sách cho một tác giả nước ngoài. Vậy nội dung sách ấy như thế nào và tác giả của nó là ai?

Pháp Việt giao binh ký là tác phẩm viết về cuộc chiến tranh giữa nước Việt Nam và nước Pháp dưới thời nhà Nguyễn, từ đầu (1847) cho đến năm 1880. Theo Nguyễn Mạnh Sơn trong bài Người Việt Nam thế kỷ 19 qua lăng kính một sử gia Nhật Bản, đăng trên Nghiên cứu Lịch sử số ngày 2.1.2018 thì: “Cuốn sách bao gồm 5 quyển, với rất nhiều lời đề tựa của các nhân vật nổi tiếng của Nhật và Trung Quốc như Taruhito; Yokoi Tadanao; Akamatsu Toriyoshi; Kawada Oukou; Kurimoto Joun, Vương Thao; Ngũ Diên Phương, Sone Toshitora… Nội dung cuốn sách chủ yếu là tổng hợp thông tin về tình hình chính trị Pháp – Việt trên nhật báo Hồng Kông, Trung Hoa. Tuy nhiên trong quyển đầu, Sone Toshitora cũng dành một vài trang để viết về tính cách, phong tục, ăn ở… của người Việt”.

Mục đích sâu xa của quyển sách là để vận động cho chủ trương Đại Đông Á của Nhật sau này. Nhưng tác giả lại cho biết: “Thấy các cường quốc Âu châu đang xâm chiếm các nước Đông phương, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam là những nước đồng văn đồng chủng, cùng chung giáo hóa, thì lấy làm lo nên viết sách để chỉ ra cách thức bóc lột của Pháp từ đó kêu gọi hô hào các chí sĩ châu Á ra tay cứu giúp một nước đang trong cảnh nguy vong là nước Việt Nam” (Nguyễn Mạnh Sơn, bài đã dẫn).

Về tác giả: Tăng Căn Khiếu Vân là biệt hiệu của Sone Toshitora (1847 – 1910), một sĩ quan Hải quân Nhật từng là học trò của những nhân vật nổi tiếng của Nhật như Watanabe Hiromoto (1848 – 1901), Fukuzawa Yukichi (1835 – 1901) và Yoshida Kensuke (1838 – 1893).

Sone Toshitora được coi là nhân vật quan trọng nhất của thuyết Liên Á trong lịch sử cận đại Nhật Bản và là một trong những người sáng lập Hưng Á hội. Ông có mối quan hệ thân thiết với Vương Thao, một nhà báo nổi danh ở Hồng Kông. Vương Thao cũng là người nhiều lần có thư từ trao đổi với các nhà cải cách nước ta như Nguyễn Tư Giản, Phạm Phú Thứ… Chính vì vậy khi Nguyễn Thuật đi sứ sang Trung Hoa, Vương Thao liền giới thiệu ông với Sone Toshitora.

Sau khi được Nguyễn Thuật hiệu đính, sách Pháp Việt giao binh ký được xuất bản bằng chữ Hán ở Đông Kinh (Tokyo), Nhật Bản năm 1886. Năm 1966, sách được Nhà xuất bản Văn Hải in lại ở Đài Bắc (Đài Loan). Trên sách ngoài tên tác giả (Sone Toshitora) còn có ghi đầy đủ người “hiệu duyệt” (Nguyễn Thuật) và “san toản” (Vương Thao). Trong sách có ghi lại đầy đủ những nội dung “biên tập” của Nguyễn Thuật, chỉnh sửa những hiểu biết, nhận định không chính xác của tác giả về đất nước và con người Việt Nam.

Chỉ cần với hai bài thơ viết về lầu Hoàng Hạc và việc biên tập sách Pháp Việt giao binh ký trong một lần đi sứ, Nguyễn Thuật đã xứng đáng với lời ca ngợi của Phó bảng Nguyễn Đình Hiến: “Sương nghiêm lưỡng độ hoàng hoa. Nguyễn Thiếu phó triều vỹ lược”. (Hai độ sứ trình Nguyễn Thiếu phó Nguyễn Thuật tài ba lỗi lạc – Hồ Ngận dịch).

Lê Thí

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/nhan-vat/nguoi-quang-hieu-dinh-sach-cho-tac-gia-nuoc-ngoai-94714.html

Cùng chuyên mục