Người lao động, DN du lịch Đà Nẵng ngóng ‘phao cứu sinh’ chống chọi Covid-19

Lao động và doanh nghiệp ngành du lịch tiếp tục gặp khó kéo dài chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, rất cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Liên tiếp các đợt dịch Covid-19 bùng phát khiến ngành du lịch Đà Nẵng rơi vào khó khăn với tổng số lao động ngừng việc, nghỉ việc đến thời điểm này khoảng hơn 31.800 người và hơn 90% doanh nghiệp phải dừng hoạt động.

Lao động mòn mỏi, bế tắc

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, có đến 1/10 doanh nghiệp là hội viên của hiệp hội (tương ứng 1.000 doanh nghiệp) đã giải thể, số còn lại tiếp tục đóng cửa vì dịch Covid-19. Tình trạng này khiến người lao động lâm cảnh thất nghiệp kéo dài, chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.

nguoi-lao-dong-dn-du-lich-da-nang
Tuyến đường du lịch ven biển Đà Nẵng vắng lặng trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát.

Hơn 1 năm nghỉ làm vì dịch, chị Nhung, hướng dẫn viên tiếng Hàn đã phải trải qua đủ nghề để kiếm sống, mòn mỏi chờ du lịch hồi sinh. Ban đầu chị Nhung dùng tiền tích góp, vay mượn để học nghề cấp tốc, mở tiệm làm nail tại nhà.

Ban đầu cũng có khách nên mình mừng lắm vì có thêm thu nhập. Nhưng chả mấy chốc, các đợt dịch lại nối tiếp bùng phát nên thời gian tiệm phải đóng nhiều hơn mở. Tiền lãi ngân hàng đều phải trả hàng tháng trong khi nguồn thu không có nên cuộc sống rất túng bấn. Mỗi lần đến kỳ trả lãi ngân hàng là vợ chồng lại căng thẳng với nhau, rất mệt mỏi. Quan trọng nhất bây giờ là phải có việc làm để trả nợ và giải tỏa tâm lý chứ cứ kéo dài mãi chắc sinh trầm cảm mất”, chị Nhung buồn bã nói.

May mắn hơn chị Nhung, chị Minh – nhân viên phòng kinh doanh của 1 khách sạn 5 sao trên đường Võ Nguyên Giáp – vẫn được trả lương, dù thu nhập giảm hơn một nửa, theo chị là “không đủ tiêu”. Đợt dịch Covid-19 bùng phát những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021 làm hàng loạt khách hủy tour, hủy phòng đúng mùa cao điểm, khiến khách sạn của chị trở tay không kịp.

Nếu không có dịch, thu nhập bình quân gồm lương, phụ cấp… của chị khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng nhưng nay chỉ còn chưa đầy 4 triệu đồng vì không có khách, chủ doanh nghiệp phải chia ca để các lao động có việc làm, duy trì phần nào thu nhập.

Thu nhập quá thấp, vợ chồng chị phải trả phòng trọ trên đường Nguyễn Văn Linh, chấp nhận về quê Nam Phước, Quảng Nam ở cùng bố mẹ để tiết kiệm chi phí.

Hằng ngày phải di chuyển hơn 30km từ Nam Phước ra Đà Nẵng làm, nhẩm tính trừ chi phí xăng xe, thu nhập thực sự chỉ còn ngót nghét 3 triệu đồng. Trong khi tôi phải giãn công thì chồng là tài xế xe du lịch cho khách sạn bị mất việc làm, đành chuyển sang nghề shipper. Tuy vậy, trong hoàn cảnh khó khăn chung này, còn việc để làm là may mắn lắm rồi”, chị Minh nói.

Chị Trương Thị B. (trú Hòa Vang, Đà Nẵng) là hướng dẫn viên tiếng Nhật tự do thất nghiệp gần 2 năm nay. Một mình nuôi con nhỏ, quá khó khăn, chị B. đăng ký chạy shipper, phụ đám cưới kiếm sống. Khi dịch vụ shipper bị tạm dừng hoạt động, chị B. lại xin theo nhóm thợ xây dựng ở địa phương làm chân phụ hồ.

Làm phụ hồ là công việc rất nặng nhọc nhưng cũng phải cố để kiếm tiền nuôi con. Bây giờ dịch vụ shipper được hoạt động nên tôi tính chạy lại chứ nếu ngồi chờ du lịch hồi sinh thì không biết đến bao giờ”, chị B. than thở.

nguoi-lao-dong-dn-du-lich-da-nang
Các khách sạn ở Đà Nẵng vắng lặng vì không có khách, hàng nghìn nhân viên ngành du lịch thất nghiệp.

Vốn cạn, doanh nghiệp cần “phao cứu sinh”

Trải qua các đợt dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng dường như không còn nguồn lực để cầm cự. Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh nhưng không tìm được đường ra vì cạn kiệt vốn. Khó khăn lớn nhất là số doanh nghiệp này phần lớn đều đã có khoản nợ ngân hàng, gần như mất khả năng chi trả trong giai đoạn hiện tại nên muốn vay thêm cũng khó.

Chị Anh, chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở quận Sơn Trà cho biết, chị muốn chuyển đổi ngành nghề kinh doanh nhưng không thể tìm được đường ra vì nợ ngân hàng chưa trả xong.

Muốn chuyển đổi ngành nghề thì cần vốn. Tuy nhiên, tôi đã thế chấp chính những tài sản của doanh nghiệp để vay ngân hàng, giờ muốn vay thêm cũng không được. Nhìn doanh nghiệp đóng cửa mà não lòng, chẳng biết làm thế nào”, chị Anh buồn bã.

Tương tự, anh Lịch, chủ khách sạn tại quận Sơn Trà cũng đang đau đầu với khoản vay ngân hàng. Mong muốn lớn nhất của anh Lịch là có được nguồn vốn để cải hoán công năng phòng khách sạn thành phòng trọ cho thuê nhằm duy trì hoạt động.

Nếu cải hoán công năng thành phòng trọ cho hộ gia đình thuê thì sẽ hoạt động được vì nhu cầu này rất thực tế và khá ổn định. Tuy nhiên bây giờ vốn đã cạn, không có nguồn để đầu tư nữa. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách của thành phố để vượt qua thời điểm khó khăn này”, anh Lịch chia sẻ.

Ông Huỳnh Tấn Pháp, Giám đốc khu du lịch sinh thái Suối Hoa (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) cho biết đã vay mượn, tái đầu tư nhiều hạng mục trước để đón khách dịp lễ 30/4 và 1/5. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát khiến mọi hoạt động ngưng lại, nguồn vốn đầu tư chưa kịp thu về.

Tạm thời khu du lịch vẫn giữ nhân viên nòng cốt làm việc để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, chúng tôi rất cần Nhà nước hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn để cầm cự và phát triển”, ông Pháp cho biết.

nguoi-lao-dong-dn-du-lich-da-nang
Hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại Đà Nẵng ngừng hoạt động.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp ngành du lịch, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, Hiệp hội đã đề xuất nhiều giải pháp với thành phố nhằm hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Cụ thể, đề xuất thành phố triển khai những gói hỗ trợ mới dễ tiếp cận cho người lao động. Giải cứu doanh nghiệp bằng các chính sách tài chính như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay. Có các chính sách khuyến khích thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát và du lịch phục hồi.

Trong đó, UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương, giao cho các sở, ngành nghiên cứu cho người lao động ngành du lịch vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, mỗi lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng trong thời gian 3-5 năm, lãi suất 7,92%/năm theo hình thức vay vốn không thế chấp.

Theo ông Dũng, hiện có khoảng 2.000 người làm việc trong ngành du lịch đăng ký vay vốn từ nguồn này. “Hy vọng người lao động ngành du lịch sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay này ngay trong tháng 6/2021”, ông Dũng nói.

Xuân Tiến

Theo vtc.vn

 

Link nguồn: https://vtc.vn/nguoi-lao-dong-dn-du-lich-da-nang-ngong-phao-cuu-sinh-chong-choi-covid-19-ar617654.html

Cùng chuyên mục