Người đi một nửa hồn phố mất

Đã có thời những thị dân dùng dằng giữa cuộc đi hay ở. Hầu hết những giềng mối từng tối lửa tắt đèn trong phố cổ giờ tản mát mỗi nhà một nơi với cuộc sống khấm khá hơn mà không phải nặng trĩu gánh mưu sinh cuộc sống. Nhưng phố xưa của họ thì ngày qua ngày hằn thêm những nỗi lo.

Số di tích chỉ thuần để ở trong khu vực phố cổ ngày càng giảm mạnh. Ảnh: Q.T
Số di tích chỉ thuần để ở trong khu vực phố cổ ngày càng giảm mạnh. Ảnh: Q.T

1. Tại một hội thảo về bảo tồn đô thị cổ Hội An diễn ra cách đây không lâu, có con số thống kê có thể khiến nhiều người giật mình khi có khoảng 30% số người trẻ là cư dân ở khu vực phố cổ Hội An không có nhu cầu làm việc.

Thực ra, họ nhàn rỗi nhưng không thất nghiệp. Nói không quá, du lịch đã làm đổi đời một bộ phận cư dân trong vùng lõi phố cổ khi giúp giá trị bất động sản khu vực này tăng đến chóng mặt chỉ sau khoảng một thập kỷ. Với việc cho thuê một căn nhà nhỏ nguyên căn ở các con đường như Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Nguyễn Thị Minh Khai…, các chủ nhân của nó đã dư dả tiền để sống một cách thư thả. Ngày qua ngày, dần dần lại có thêm những căn nhà rêu phong vắng bóng nếp sinh hoạt thường nhật của thị dân phố cổ.

Ông Võ Đăng Phong – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết: “Qua thống kê của đơn vị, nếu năm 1999 có 411 di tích (trên tổng số 784) sử dụng để ở thì đến năm 2017 con số này sụt giảm chỉ còn 31 di tích”. Do hai năm gần nhất chưa có số liệu cụ thể, tuy nhiên nhìn vào thực tế thống kê nguy cơ “trắng” người ở trong di tích hoàn toàn có thể xảy đến trong tương lai gần. Số di tích dùng làm nhà ở giảm xuống, ở đây chẳng mất đi đâu cả chỉ là rất nhiều trong số này đã chuyển qua kinh doanh để đón đầu làn khách tăng trưởng mạnh mẽ đến Hội An mà thôi. Nếu năm 1999 chỉ có 7 ngôi nhà trong khu vực này hoàn toàn không có người ở thì đến năm 2017 con số này đã nâng lên tới 196.

“Những hàng xóm của tôi hồi trước vẫn mở tiệm kinh doanh nhưng ban đêm thì cả gia đình đều nghỉ ngơi ở nơi khác hoặc cho người tứ xứ đến thuê hoạt động buôn bán chứ họ không sống ở đấy nữa”, một cụ bà sống trên đường Trần Phú tâm sự. Chợt nghĩ, có lúc nào trong suy nghĩ của du khách khi đặt chân đến phố cố họ ngỡ là đang “lọt thỏm” giữa những khu phố thương mại chứ không phải là một di sản sống chứa đựng những con người bản địa chân chất.

2. Có một lần, người viết đang loay hoay tìm nhà văn hóa của một khối phố ở phường Cẩm Phô nhưng lần mò hỏi đường mấy người và đều nhận được cái lắc đầu bởi họ đều chỉ thuê lại các ngôi nhà này để làm ăn còn chuyện sinh hoạt cộng đồng có lẽ quá xa lạ với họ. Giữa những chuyển động lặng lẽ, văn hóa ngoại lai đang âm thầm bào mòn chất “nhân tình thuần hậu” của người dân phố Hội.

Ông Võ Đăng Phong bộc bạch, khá nhiều cửa hiệu trên đường Trần Phú cố gắng bài trí bắt mắt để tạo sắc thái riêng nhưng vô hình trung lại phá vỡ cảnh quan phố cổ bởi những vật dụng này hoàn toàn xa lạ với văn hóa, cảnh quan bản địa. “Lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều lần nhưng chưa triệt để, họ tháo ra rồi lại lén lút lắp lên lại khi vắng bóng trật tự đô thị” – ông Phong nói.

Bà Nguyễn Thị Điền (trú phường Tân An) hơn chục năm trước từng cùng gia đình cư ngụ trong khu vực phố cổ và mưu sinh với nghề làm bánh ít lá gai. Vì nhiều lý do, gia đình đã chuyển ra vùng ngoại ô sinh sống rồi cũng lãng quên cái nghề gói bánh dân dã của quê xứ. Ngõ nhỏ vắng đi một nếp nhà, phố cổ mất đi một mảnh hồn. Cứ thế, cả con ngõ ngày càng xôn xao, dập dìu lữ khách nhưng chẳng còn ai thân thuộc, quen biết nữa.

Mấy hôm rồi, chuyện đôi co giữa một chủ quán cà phê địa phương với du khách chưa hạ hồi phân giải thì nay lại lùm xùm vụ việc người phụ nữ dọa dẫm khách nước ngoài mà theo tường trình từ người gây hấn là bởi… hiểu lầm từ chiếc xe đạp. Du khách sẽ có ấn tượng xấu về di sản. Còn đất, người phố Hội phải mang trong mình tổn thương âm ỉ một khi cái “chất” nhân tình, thuần hậu bị phai phôi.

Hà Sấu

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục