Người dệt chiếu cuối cùng của làng chiếu Cẩm Nê

Làng chiếu Cẩm Nê, cùng với làng chiếu Bàn Thạch, là hai làng chiếu nức tiếng xứ Quảng-Đà. Sau hàng trăm năm, nếu như làng chiếu Bàn Thạch vẫn còn sản xuất khá đều đặn thì làng chiếu Cẩm Nê đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn.

Làng chiếu Cẩm Nê ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 14 km. Giao thông rất thuận tiện để đến làng. nhưng khi đến nơi rồi, tôi cứ phải hỏi thăm tới lui để tin chắc rằng mình không đi lạc hướng.

Thật khác xa với hình dung của tôi về một làng dệt chiếu. Tôi cứ nghĩ mình sẽ gặp cảnh phơi lác, nhuộm lác trên khắp thôn, những khung cửi chậm rãi dệt quen thuộc… Cẩm Nê bây giờ không còn đặc điểm nhận diện đặc trưng của một làng dệt chiếu. Cả làng bỏ nghề này từ lâu rồi, cứ lần lượt lần lượt, nên tôi đi giữa làng chiếu mà bói không ra một sợi lác phơi trên sân như ngày xưa.

Hỏi ai cũng cười, chừ còn ai dệt chiếu nữa đâu, bỏ nghề hết từ lâu rồi. Cả làng bây giờ chỉ còn duy nhất một hộ, hay nói đúng hơn, là một người dệt chiếu. Đó là bà cụ Phan Thị Đào.

Đây là ngôi nhà của cụ Đào. Căn nhà cũ kỹ bên trái là “xưởng dệt chiếu” của bà từ bao nhiêu năm qua.
Một góc căn nhà dệt chiếu cuối cùng của làng Cẩm Nê.
Những sợi lác đủ màu sau khi nhuộm phơi đang chờ bàn tay già nua khỏi bệnh trở về.
Bó đay treo chơ vơ một góc nhà, nếu không phải bà Đào thì cũng chẳng ai biết phải sử dụng nó vào việc gì trong chuyện dệt chiếu.

Dường như vì cả làng chỉ còn một người theo nghề, nên những người bỏ nghề của làng cảm thấy “bổn phận” phải chỉ dẫn rõ ràng cho khách ở xa đến tìm nhà bà cụ Đào. Chỉ cần hỏi thăm đường đến nhà bà Đào dệt chiếu là bất kỳ người làng nào cũng có thể chỉ dẫn rành rọt.

Nếu không nói, nhìn cảnh, chẳng ai biết Cẩm Nê từng là làng dệt chiếu nổi tiếng nhất nhì xứ Quảng.

Tôi không may, hôm tìm đến, thì người cuối cùng dệt chiếu của cái làng này vừa đi bệnh viện, chỉ có anh con trai út bà ở nhà tiếp chuyện. Anh cho biết bà Đào nằm viện cũng khoảng một tuần, để điều trị những bệnh của người già. Ngôi nhà mái tranh vách đất, nền cũng đất, xiêu vẹo cũ kỹ, nơi bà dệt chiếu mỗi ngày càng trống trơ hơn. Khoảnh sân nhiều cây dại phía trước là nơi bà phơi cói, sợi chiếu. Đây là nơi hay được giới truyền thông, công ty du lịch bày quang cảnh dệt chiếu ra để ghi hình cho xôm tụ, chứ thực tế, chỉ mình bà. Anh con trai bảo nhà không ai theo nghề cả, chỉ có bà lụi cụi dệt chiếu mỗi ngày từ bao nhiêu năm nay. Anh cho biết: “Đi làm thợ nề hay thợ đụng thợ hồ chi cũng khá hơn là ngồi dệt chiếu”. Khách tới, con cháu bà chỉ biết phụ mỗi việc là lấy chiếu ra cho khách xem. Phụ việc cụ Đào, là hai người giúp việc khác trong làng. Bà thuê để giúp làm một số công đoạn, vì bà già rồi, không thể làm hết. Bà Đào sẽ hoàn tất những khâu quan trọng cuối cùng như bẻ biên và thắt nút chiếu cho chắc. Không  giống như chiếu nhiều vùng khác chỉ dùng vải may đùm, biên chiếu Cẩm Nê được làm rất công phu và cẩn thận tới từng sợi lác. Và cũng như chiếu Bàn Thạch, sợi lác được nhuộm màu kỹ càng rồi mới đem vào dệt, phối màu trực tiếp trên khung dệt.

Khi tôi quan tâm tới chuyện bà Đào nằm viện, anh con trai bảo không sao đâu, bệnh người già đó mà. Lâu lâu người già đi bệnh viện cũng là lẽ thường thôi! Chắc anh không để ý đến chuyện mẹ mình là người dệt chiếu cuối cùng của làng đâu nhỉ.  Bà Đào đã trên 80 tuổi rồi, không biết sống được bao lâu nữa. Mà nếu lỡ bà có chuyện gì, thì coi như làng chiếu Cẩm Nê xóa sổ. Chuyện phục dựng lại làng nghề là chuyện đâu đó xa vời chưa nghe nói đến ở đây. Nếu có, thì chẳng qua đó là mô hình phục dựng của mấy công ty du lịch thực hiện để có sản phẩm du lịch mà bán tour! Thực tế, một chiếc chiếu dệt ra bao công sức, bán khoảng trên dưới 200 ngàn đồng, giờ không mấy ai mặn mà nữa. Làng quê đã vậy, huống gì chốn thị tứ. Cẩm Nê chỉ cách Đà Nẵng 14 cây số, thanh niên trai tráng trong làng lớn lên về phố chọn lấy những công việc khác có thu nhập tốt hơn. Những người ở làng cũng làm các công việc đỡ phập phồng phụ thuộc nhu cầu của thị trường, nhất là khi thị trường ấy càng lúc càng bị thu hẹp tới mức chực chờ biến mất. Điệp khúc buồn của làng dệt chiếu Cẩm Nê cũng là điệp khúc chung cho nhiều làng nghề xứ Quảng. Biết sao được khi thời thế đổi thay, nhu cầu tiêu dùng cũng biến chuyển, chỉ có những công việc của làng nghề truyền thống là cứ ở lại, dần trôi vào ký ức. Cũng đã từng có một số chương trình, dự án cho làng nghề truyền thống nói chung và làng dệt chiếu Cẩm Nê nói riêng, nhưng thực tế là, sau tất cả, Cẩm Nê cũng chỉ còn có một người và không có ai để tiếp nối!

Chiếc chiếu thành phẩm của bà Đào. Mấy đứa cháu nội chỉ biết mang ra cho khách xem khi có người đến hỏi thăm.

Những chiếc chiếu cứ vơi dần theo gánh người bán chiếu cũng ngày một hiếm hẳn đi! Nhắc đến, người làng chỉ còn cách bồi hồi kể lại chuyện xưa. Còn đâu thời vàng son chiếu được đem dùng tận trong cung nội triều Nguyễn. Còn đâu những trai làng đi thành hội thành đoàn mang theo cơm nắm cơm đùm vượt đèo ra Phú Lộc, Huế để mua cả ruộng lác cắt về làm chiếu. Còn đâu từng bó lác đủ sắc màu được đem ra phơi nắng tạo nên một khung cảnh sống động và đặc điểm nhận dạng cho làng chiếu Cẩm Nê. Nếu bây giờ bạn đọc thấy lại cảnh đó, thì chắc là hình cũ, hoặc là hình dàn dựng để các công ty du lịch bán tour!

Lê Minh Hạ

Cùng chuyên mục