Người cháu ngoại tài danh của đất Quảng

Hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1620 – 1687) trước khi lên ngôi chúa (1648 – 1687), từng làm Tổng trấn Quảng Nam từ năm 1635 đến năm 1648. Cố học giả Nguyễn Văn Xuân đã nói về ông: “Ông là nhân vật đặc biệt của lịch sử Việt Nam, lừng lẫy vì những thành tích chưa hề có trong lịch sử”.

Lăng mộ của Nguyễn Phúc Tần ở Huế.
Lăng mộ của Nguyễn Phúc Tần ở Huế.

Nhà quân sự kỳ tài

Khi còn là Dũng Lễ hầu, giữ chức Tổng trấn Quảng Nam, Nguyễn Phúc Tần đã lập một chiến công hiển hách vào năm 1644: phá tan đội tàu chiến của Hà Lan, một siêu cường hàng hải của thế giới vào lúc đó. Trận chiến đã được sử gia Phan Khoang mô tả trong Việt sử xứ Đàng Trong như sau: “Đầu năm 1644, ba chiếc tàu của Hà Lan gồm chiếc Kievit, Nachtegels và Woeckende do Pieter Back chỉ huy vào hải phận Đàng Trong. Được tin, thế tử Dũng Lễ Hầu đem 60 ghe chiến ra vây đánh. Chiếc tàu lớn của Hà Lan bị ghe Việt xông vào đánh phá, Pieter Back phải cho nổ kho thuốc súng để tự tử, hai chiếc kia bỏ chạy, bị đuổi theo, một chiếc va vào đá, chìm, còn chiếc kia chạy thoát ra Bắc…” (Nxb Khai Trí, 1967, trang 549). Đây là chiến công chống phương Tây đầu tiên ở Đông Nam Á, khiến người châu Âu phải nể phục xứ Đàng Trong: “Thế là ở khắp nơi, trên đất liền cũng như trên mặt biển vang dội uy danh vị chúa xứ Nam và binh đội tài giỏi của ông” (Theo Christoforo Borris. Dẫn lại Phạm Đình Khiêm trong Việt Nam Khảo cổ đặc san, số 2, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1960, trang 38).

Bốn năm sau, năm 1648, được chúa Nguyễn Phúc Lan cử làm Tiết chế chủ quân, Nguyễn Phúc Tần sử dụng một trăm thớt voi và dùng hỏa hổ tấn công đại phá quân Trịnh ở sông Gianh, sau đó tấn công ra lấy 7 huyện của Nghệ An. Ông là người đầu tiên sử dụng voi và hỏa hổ trong chiến sự, sau này được thiên tài quân sự Nguyễn Huệ phát huy và đem lại những chiến thắng lẫy lừng cho Đại Việt trong chiến dịch giải phóng Thăng Long xuân Kỷ Dậu 1789.

Thời của Nguyễn Phúc Tần, nhờ tài quân sự lỗi lạc của ông mà quân đội chúa Nguyễn hùng mạnh lên, đặc biệt là về thủy quân. Quân Nguyễn đã nhiều lần tấn công làm cho quân Trịnh điêu đứng, hao binh tổn tướng, phải chấp nhận dừng cuộc chiến lấy sông Gianh làm ranh giới hưu chiến. Ông đã mở ra kỷ nguyên hòa bình cho đất nước (kéo dài hơn 100 năm), tránh bớt xương máu của nhân dân do sự tranh giành của các thế lực cát cứ. Nhờ giai đoạn hòa bình ngắn ngủi này mà hai xứ mới yên tâm lo chấn hưng kinh tế, văn hóa, đặc biệt là ở Đàng Trong có điều kiện mở rộng bờ cõi về phía Nam.

Nhà chính trị có tầm nhìn xa rộng

Nguyễn Phúc Tần là người mở rộng cương thổ của xứ Đàng Trong đến tận Nam Trung Bộ và đặt nền móng cho việc mở rộng lãnh thổ Đại Việt trên vùng đất Thủy Chân Lạp, tạo nên vùng đồng bằng châu thổ màu mỡ nhất nước ta hiện nay.

Năm 1653, khi người Chăm nổi loạn lấn chiếm Phú Yên, ông cho quân đánh đuổi, lập dinh Thái Khương và Diên Ninh (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa). Bờ cõi xứ Đàng Trong được củng cố ở khu vực này cũng nhờ sự nhìn xa trông rộng của ông. Hàng vạn tù binh Trịnh được ông đưa vào vùng đất mới từ năm 1648 đã trở thành lực lượng đáng kể cho công cuộc bình định vùng đất mới chiếm này.

Năm 1679, sau khi nhà Thanh làm chủ Trung Hoa, các tướng nhà Minh không chịu quy phục đã dẫn 3.000 quân và 50 chiến thuyền do Dương Ngạn Địch cầm đầu đến xin làm tôi cho chúa Nguyễn. Với con mắt nhìn xa trông rộng, nếu để họ sinh sống ở vùng Quảng Nam e bất lợi, ông đã khéo léo điều đình để cho bọn họ vào khai thác vùng đất hoang vu ở Thủy Chân Lạp (Biên Hòa, Mỹ Tho ngày nay). Chính nhờ thế lực của nhóm người Hoa tỵ nạn này mà vùng Nam kỳ dần dần về tay Đại Việt và trở thành bộ phận quan trọng nhất về kinh tế, thương mại của xứ Đàng Trong và của nước ta sau này.

Việc mở rộng lãnh thổ nước ta về phía nam có ý nghĩa rất lớn đối với việc chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược của phương bắc thời đó. Họ không dám phiêu lưu mạo hiểm tiến quá sâu về phương nam dù bằng đường bộ hay đường biển. Nhiều tướng lĩnh đã can không cho Tôn Sỹ Nghị tiến quân vào Phú Xuân vào năm 1878 là một bằng chứng đầy thuyết phục cho nhận định này.

Tuy có tầm nhìn xa trông rộng, cứng rắn, quyết đoán là thế, nhưng trong cuộc sống đời thường ông luôn giữ lễ, cần cù, bao dung và đức độ. Năm 1657, khi Trịnh Tráng mất, các tướng bàn nên nhân dịp này đem quân tiến ra bắc, nhưng ông không đồng ý vì cho rằng không nên đánh người đang lúc có tang, đã thế ông lại còn cho rút quân và sai sứ đi viếng.

Nói về thời kỳ trị vì của Nguyễn Phúc Tần, sách Đại Nam Thực lục tiền biên viết: “Bấy giờ trong cõi vô sự, thóc lúa được mùa, chúa càng sửa sang chính trị, không xây đài tạ, không gần thanh sắc, giảm nhẹ giao dịch, thuế má, trăm họ vui vẻ, đều khen là đời thái bình” (Nxb Giáo dục, 2007).

Người cháu ngoại của đất Quảng

Nguyễn Phúc Tần về sau được nhà Nguyễn truy tôn là Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế. Ông là con thứ hai của Thần Tông Nguyễn Phúc Lan và Hiếu Chiêu Hoàng hậu (nhũ danh là Đoàn Thị Ngọc, người con gái làng nghề dâu tằm Đông Yên của Duy Xuyên, Quảng Nam). Ông chính là người cháu ngoại tài danh của xứ Quảng vậy.

Chuyện tình của cha mẹ ông đã để lại một giai thoại đặc biệt mang tính huyền thoại cho vùng đất Quảng Nam. Nguyễn Phúc Lan – cha Nguyễn Phúc Tần – là Thế tử, Tổng trấn Quảng Nam dưới thời Nguyễn Phúc Nguyên. Một lần sau thất bại của một trận thủy chiến, ông phải đóng quân qua đêm tại Bến Đền bên sông Thu Bồn (nay thuộc xã Điện Quang, Điện Bàn). Sáng hôm sau thức dậy bỗng nghe tiếng hát vẳng ra từ bãi dâu mênh mông:

“Tai nghe chúa ngự thuyền rồng,
Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa”.

Thế tử đi tìm và khi ngước nhìn lên trời thì thấy một đám mây ngũ sắc hình cánh sen đang che bóng râm cho một đám dâu. Thế tử tiến về phía ấy và thấy một thôn nữ đang say sưa hát chẳng để ý gì đến người khách lạ. Thiếu nữ đó tên là Đoàn Thị Ngọc, sau này trở thành Đoàn Quý phi và rồi Hiếu Chiêu Hoàng hậu – vợ Nguyễn Phúc Lan và mẹ Nguyễn Phúc Tần. Bà đã làm cho nghề dâu tằm của Quảng Nam và xứ Đàng Trong phát triển. Năm 1661, Hiếu Chiêu Hoàng hậu mất. Nguyễn Phúc Tần đã đưa mẹ về an táng trên đồi Cốc Hùng, xây lăng Vĩnh Diên tại làng Chiêm Sơn, Quảng Nam (nay là xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên), để mẹ được nhìn xuống những triền dâu xanh ngát hai bên bờ sông Thu Bồn. Người Quảng Nam vẫn luôn tự hào về một khu lăng mộ xưa nhất của nhà Nguyễn ở phía Nam, một làng nghề truyền thống 400 năm. Trong tâm tưởng của người dân xứ Quảng hình ảnh bà chúa Tằm Tang dịu dàng hiền thục, với tiếng hát trong veo trên biền dâu hay bên khung cửi luôn gần gũi và được tôn kính. Và đặc biệt họ rất tự hào về người “cháu ngoại” tài danh Nguyễn Phúc Tần của mình.

Lê Thí

Theo nguoiquangxaque

Cùng chuyên mục