Ngủ rừng, lội suối ở Đưng Iar Giêng nhiều cái hay
Nhân một ngày tự dưng “chán tiếng người”, bèn lên Facebook hỏi bâng quơ xem có chốn nào đi trốn được mà có hoa thơm bướm lượn hay không, thế là 99% bảo đi Tà Năng – Phan Dũng (Đức Trọng, Lâm Đồng).
Cuối cùng mình chốt lại với nhóm 1% ở cái tên lạ hoắc Đưng Iar Giêng. Đưng Iar Giêng nằm giữa lõi rừng quốc gia Bidoup Núi Bà, H.Lạc Dương, Lâm Đồng. Hiện muốn đi thì thông qua các đơn vị lữ hành để sắp xếp và đăng ký với lực lượng kiểm lâm.
Trải nghiệm cuộc sống ở rừng
Vào được đến Đưng Iar Giêng là có cơ hội trải nghiệm cuộc sống không điện lưới, không điện thoại, không internet. Tối đến được đồng bào chiêu đãi cơm gạo mới giã, thịt heo rừng nướng, gà nướng, rau rừng luộc và salad trái cây ngon tuyệt luôn! Ăn tối xong kéo nhau ngồi quây quần bên đống lửa nghe đồng bào kể chuyện thần rừng, chuyện thầy cúng, chuyện già làng, ngửa mặt lên trời đếm sao, tìm sao… Rồi kéo nhau đi ngủ trong sự khoan khoái của đôi chân và sự an lành của tâm trí…
Sáng sớm thức giấc, nghe tiếng đồng bào rù rì rổn rảng ở nhà sau, vươn vai thức dậy ra trước hiên ngồi hít thở không khí đầy mùi hơi nước trong lành buổi mai, lười nhác chẳng muốn làm gì, chỉ muốn ngồi ngắm mãi cái màu xanh hiền hòa quanh mình…
Nhưng ăn xong thì bắt đầu lao động nhé! Một cối thóc nương, mỗi người giã một phút, thay phiên nhau vài lượt thì đổ ra sàng để sàng sảy thóc ra thóc gạo ra gạo.Dân thành phố ôm chày giã cũng ngon lành phết, sàng sảy cũng trấu bay gạo ở lại không kém gì đồng bào, nhưng bảo nhặt cho rõ ràng thóc ra thóc, gạo ra gạo để có thể nấu cơm ăn được thì thua!
Giã gạo xong là cả đoàn rồng rắn kéo nhau đi hái rau rừng. Thật ra là các anh đồng bào đi cùng hái, chứ bọn ở phố như mình biết gì mà hái! Rau nào thấy cũng tươi ngon, lá tốt bời bời xanh mơn mởn, chả phân biệt được đâu là rau ăn được đâu là lá ngón, hái bậy bạ về ăn chết tươi thì phí công đi vào rừng…
Xong đi tiếp ra suối, suối đẹp, nước lạnh ngắt, mà thò chân xuống một lát quen rồi thì thích mê! Mùa này đang là mùa bướm, đi ngược lên nguồn mà bướm bay ngược chiều rợp cả suối, cứ như chuyện thần tiên. Qua cơn cảm động thì bọn mình về lại làng Con Cá (thật ra là có tên bằng tiếng K’ho nhưng khó nhớ quá, đành nói theo nghĩa dịch ra cho tiện) để lấy hành lý tư trang đi sang làng Con Gà ngủ lại một đêm trong lều bên bờ suối.
Trải nghiệm nên đi
Tóm tắt, thì chỉ là đi bộ tầm 17 km trong ngày đầu tiên, chủ yếu là xuống dốc để vào được làng Đưng Iar Giêng ở thung lũng giữa rừng, ngủ một đêm ở nhà sàn.
Sáng hôm sau trải nghiệm giã thóc thành gạo để trưa có cơm ăn, rồi rồng rắn dắt nhau đi hái rau rừng và đi bắt cá suối để trưa nấu dã chiến bên bờ suối, tắm suối và đi ngược nguồn ngắm con suối đẹp với nhiều đoạn thác nhỏ xinh xinh ngập trong hàng trăm con bướm rừng bay rập rờn.
Tổng đoạn đường của ngày thứ hai tầm 12 km, đêm ngủ lều bên bờ suối, nghe nước rì rào cả đêm, sáng sớm nghe chim hót dập dìu. Ngày thứ ba leo dốc toàn tập cỡ 15 km để ra lại Đạ Blah (xã Đa Nhim, H.Lạc Dương), từ đó dễ về Đà Lạt hoặc TP.HCM.
Tóm tắt thì ngắn gọn, mà trải nghiệm thì rất sâu, về người “đồng bào” K’ho (họ không muốn dùng từ “người dân tộc”), về cuộc soi rọi lại chính mình, và về những minh triết đơn giản mà sâu sắc từ những người đồng bào đồng hành cùng mình trong hai hoặc ba ngày ở rừng.
Tóm lại là, nên đi, nếu đủ thể lực, không có bệnh gì về tim mạch và hô hấp. Đi để biết rừng núi của mình bao la và đẹp đẽ, để biết văn hóa của người đồng bào thú vị không kém gì đi tìm hiểu văn hóa Âu – Á – Mỹ ở các nước khác, để biết giới hạn của con người thật ra là do chính mình đặt ra, và cũng chính mình sẽ phá vỡ được nó khi ở tình thế bắt buộc phải vận động, để yêu thêm chính bản thân mình và biết trân quý những gì mình đang may mắn được có.
Đinh Thanh Phương
Theo Thanh Niên Online