Ngôi nhà ký ức

Một đời người không khó lắm để đếm mình đã bao nhiêu lần chuyển nhà. Từng căn nhà lần lượt lùi vào dĩ vãng, hoàn thành nhiệm vụ một chặng đường đã qua để rồi nhường cho căn nhà mới đón đợi gia đình. Chỉ một điểm chung của mọi căn nhà cũ, đó là đầy ắp kỷ niệm.

Căn nhà đầu tiên của gia đình chúng tôi đứng một mình cheo leo trên gò đất rộng mênh mông trắng xóa cát bụi. Ấy là căn nhà trong tuổi thơ tôi, mờ ảo lay lắt như những mảnh ghép, vì tôi còn quá nhỏ không nhớ trọn. Ngày mẹ sinh tôi ra, ba tôi tự đóng cọc dựng lều, vác lá về đan tranh, trộn đất sét làm vữa. Mẹ tôi làm y tá bệnh viện đa khoa Quảng Nam, tôi hai tháng tuổi mẹ đã đi làm, bỏ tôi lăn lóc nằm trong cũi gỗ. Đến sáu tháng tuổi tôi đã chập chững biết đi, tay lần mò theo bức vách bằng đất sét, lột những tờ báo cũ dán tường cho vào miệng nhai ngon lành.

Khi mẹ sinh em tôi thì chúng tôi dọn về khu tập thể 40 căn, còn gọi là khu vật tư, ngày nay nằm sát chợ Thương mại Tam Kỳ. Những năm tháng tuổi thơ tôi gắn liền với nơi này. Dạo đó nhà tôi có một khoảnh vườn nho nhỏ phía trước. Ở đó mẹ trồng một giàn đậu que, mấy cây ớt, mấy luống hành ngò, mấy cây cà tím… Lúc đó tôi bảy tuổi, mỗi sáng vẫn được ông dắt tay đến trường Tiểu học Kim Đồng trên con đường đất đỏ lầy lội. Đến đoạn ngập nước lầy quá không đi được, ông lại cõng tôi trên lưng “nhong nhong ngựa phi đường xa”.

Khu tập thể 40 căn lít nhít trẻ con, đêm nào cũng nghe tiếng hò hét inh ỏi. Chúng tôi chơi trốn tìm, ném lon, đi hái táo, ngồi kể chuyện ma buổi tối. Ban ngày thì ra đồng mò cua bắt cá, nhổ rau má, mót đậu… Tôi nhớ nhất xóm có cái giếng to ơi là to án ngữ con đường chung, nơi các mẹ các chị đến gánh nước, giặt giũ, tám chuyện rôm rả. Tôi thường ngắm hai con cá tràu to thiệt là to bơi lội dưới đáy. Mấy anh lớp lớn bảo đó là cá thiêng của xóm, cá mà chết là xóm mình gặp nạn.

Lên cấp hai, chúng tôi dọn đến căn nhà gần trường học để tiện cho ba mẹ buôn bán cải thiện cuộc sống. Quầy hàng nhỏ xíu với tủ bán văn phòng phẩm, kệ sách truyện cho thuê, tủ kem tủ đá, các lọ bánh kẹo, và đủ thứ hàng hóa linh tinh khác. Chúng tôi thường không được đi chơi như các bạn đồng trang lứa mà ngoài giờ học phải phụ ba mẹ bán hàng. Cảm ơn ba mẹ tôi đã dạy tôi biết quý trọng công sức lao động từ đó, cũng như tinh thần vượt khó để vươn lên.

Nhà là tổ ấm, luôn dang tay đón đứa con thất bại trở về với tấm lòng đầy bao dung. Ngôi nhà tiếp theo của ba mẹ tôi trong con hẻm đường Hùng Vương chính là nơi tôi thất nghiệp không xu dính túi, quay về với hai đứa con nhỏ đều dưới 18 tháng tuổi trên tay. Ngôi nhà có cây bàng tỏa bóng mát rượi, có cây vú sữa và cây khế ngọt sai trái sau hè, có khu vườn đầy rau xanh mướt, có võng nằm hóng mát trưa hè… chính là nơi hai đứa con bé bỏng của tôi khôn lớn những năm đầu đời. Trong những tháng năm gian khó nhất, ngôi nhà của cha mẹ đã cưu mang cả ba mẹ con chúng tôi.

Ôi những ngôi nhà ký ức mà bước chân ra đi, ta không biết bao nhiêu lần nhìn lại, nhìn lại để có động lực bước tiếp về tương lai. Đường mưu sinh không ai giống ai, với người này thoáng rộng nhưng với người kia thì gập ghềnh trắc trở. Bốn mùa xuân hạ thu đông trôi qua theo từng mùa trăng. Mỗi người một kỷ niệm để nhớ, để buồn, để thương… Riêng tôi có quá nhiều kỷ niệm ở rất nhiều căn nhà yêu thương trong vòng tay cha mẹ.

Như Mây

Theo báo Quảng Nam

 

Cùng chuyên mục