Nghệ sĩ Thành Hội tâm sự về “những người không bình thường”

Nghệ sĩ Thành Hội, giám đốc nghệ thuật của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã gọi mình và đồng nghiệp là những kẻ “không bình thường” khi tự nguyện gắn bó với sân khấu kịch.

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vừa kỷ niệm tuổi lên 9 của mình, với vở mới Bên kia nửa đời ngơ ngác. Thành Hội và Ái Như, những người cầm trịch sận khấu này đã không giấu được niềm xúc động trước sự gắn bó của khán giả với một sân khấu kịch rất cá tính, nói không với tất cả những gì dễ dãi, kiên trì theo đuổi dòng kịch tình yêu và thân phận con người.

Thành Hội và Ái Như, hai nghệ sĩ cầm trịch của sân khấu Hoàng Thái Thanh, nổi tiếng khó tính trong việc làm kịch.

Thành Hội kể, nghệ sĩ Anh Ngà, một diễn viên hay đóng vai phụ của đoàn kịch nói Bông Hồng (một đoàn kịch nổi tiếng của Sài Gòn những năm 80, nơi nghệ sĩ Thành Hội từng đầu quân – PV) đã ở tình cảnh khi mẹ anh đang lâm bệnh nặng, hấp hối. Đêm đó anh có suất diễn của đoàn Bông Hồng ở quận 1. Anh phải đấu tranh, suy nghĩ giữa việc ở bên mẹ đến giờ phút cuối hay phải đến sân khấu diễn đúng hẹn. Thế rồi anh đã đi bộ từ nhà ở Gò Vấp đến sân khấu ở quận 1 và đi bộ trở về nhà khi mẹ anh cũng vừa mất. Anh không bình thường!

Má tôi nói lấy tiền gửi ngân hàng đi con, lời ít lời nhiều tháng nào cũng có, chứ mở sân khấu chi cho hồi hộp buồn vui theo bữa vắng bữa đông. Tháng nào cũng canh cánh lo trả lương cho mọi người. Cực lắm. Tôi và nghệ sĩ Ái Như cũng không bình thường!

Có nghệ sĩ của sân khấu chúng tôi, nhận lịch diễn ở sân khấu xong, có việc phải bay qua Pháp, đến ngày diễn, từ bên Pháp bay về diễn rồi mua vé bay trở lại bên Pháp. Ông chồng cổ nói tôi không hiểu nổi bà. Cô này cũng… không bình thường. Mà thù lao với nghệ sĩ kịch đâu phải đêm nào cũng có cả nén vàng đâu, khiêm tốn.

Anh Văn Ngà đêm đó không đi diễn, báo hiếu cho mẹ, nắm tay mẹ đến phút cuối cùng, thế giới này không tan rã. Đêm đó anh không diễn, đoàn Bông Hồng không tan rã, tuồng đó vẫn diễn. Vậy thì vì sao?

Vậy thì vì điều gì khiến người ta phải làm “chuyện ghê gớm” đến như vậy? Cái gì đã khiến chúng tôi làm những điều không bình thường như vậy?

Nghệ sĩ Thành Hội trong Bên kia nửa đời ngơ ngác

Vì chúng tôi là một que diêm mà không biết trong hộp diêm của mình có bao nhiêu diêm. Chúng tôi được trao cho sứ mệnh và  trách nhiệm của một người nghệ sĩ, buộc chúng tôi phải quẹt từng chiếc que diêm để bừng sáng, soi rọi từng góc khuất cảm xúc của tâm hồn. Chúng tôi không làm gì cả, chỉ việc quẹt lên. Quẹt hoài đến khi không còn diêm nữa thì thiên chức của mình đã xong. Quẹt một que diêm lên để hiểu thêm nhiều phận người, biết đến nhiều cuộc sống, cứu được một tâm hồn nào đó, thậm chí cứu cả thế giới, thông qua các tác phẩm. Chúng tôi tự cho mình một thiên chức là làm đẹp cho đời. Chúng tôi làm hết sức mình có, để đem đến cuộc đời màu sắc đẹp nhất.  Quẹt mãi như thế, như tôi, từ khi tốt nghiệp ra trường làm nghề, tạm gọi là ở tuổi 21, cho đến khi hơi tàn sức kiệt, hết diêm.

Thành Hội là người gắn bó với sân khấu kịch. Anh nói không với tất cả thể loại chạy show.

Chúng tôi đã làm hết sức mình đang có. Và chỉ hy vọng là, rồi cứ dịp 14.2 hàng năm, khán giả lại tề tựu về đây, chung niềm vui với Hoàng Thái Thanh sống được thêm một tuổi!

Hẳn những ai quan tâm theo dõi tình hình sân khấu kịch Sài Gòn nói chung và sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh nói riêng đều hiếu rằng những người làm sân khấu đã và đang vấp phải những khó khăn chung trong tình trạng khán giả thưa vắng, chất lượng các vở diễn trồi sụt, bị động diễn viên khi các nghệ sĩ sàn gỗ đều chạy show các lĩnh vực khác để kiếm sống.

Nghệ sĩ Thành Hội cho biết sẽ gắng gồng gánh cùng Hoàng Thái Thanh đi đến năm thứ 11 rồi…  tính tiếp. Nhân dịp sinh nhật Hoàng Thái Thanh lần thứ 9, chúc cho sân khấu kịch cá tính và nghiêm túc nhất nhì của Sài Gòn này sẽ tiếp tục sáng đèn, gặp nhiều khán giả tri âm.

Sơn Trà

Cùng chuyên mục