Nghề rèn Hồng Lư

Nghề rèn thường là nghề cha truyền con nối, bởi nghề có bí quyết chỉ được truyền lại cho người trong nhà. Vì thế thợ rèn thường sống quy tụ trong những xóm nhỏ có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ xóm giềng gần gũi. Xóm Hồng Lư thuộc làng Tứ Bàn, nằm dọc bờ sông Bàn Thạch, là địa danh nổi tiếng về nghề rèn của vùng đất Tam Kỳ xưa.

Mỗi gia đình thợ rèn dựng một trại rèn bên góc vườn, thường là nấp dưới tán cây lớn như vú sữa, sưa, mù u. Trang bị chính của nghề gồm: bể thổi lửa, đe, búa lớn, búa nhỏ, kìm giữ phôi rèn, bể nước làm nguội. Thợ gồm thợ chính và thợ phụ. Thợ chính cầm kìm giữ phôi, điều khiển thợ phụ đập búa bằng cách lật, trở, dịch chuyển miếng phôi đặt trên đe để thợ phụ đập đúng chỗ; thợ phụ gồm thợ cầm búa lớn và thợ thổi bể. Thợ chính còn gọi thợ trong, tức là ngồi bên trong gần đe, cầm kìm giữ phôi; thợ phụ là thợ đứng xa đe hơn với cán búa dài độ 0,5 – 0,6 mét còn gọi thợ ngoài.

nghe-ren-hong-lu
Giữ lửa nghề rèn Hồng Lư. Ảnh: H.TÂN

Bể thổi gồm hai ống gỗ cao độ 1,2 mét, trong lòng ống có cây thụt bể thổi lửa. Cây thụt bể dài tương đương ống bể, phía dưới cùng có gắn miếng tán vừa khuôn ống bể, miếng tán kết bằng sợi xác tơ tằm (loại thứ phẩm của tơ), rất bền. Hai ống bể được nối với lò than bằng hai ống tre thông mắt dẫn hơi đến lò. Ống tre dài gần 1 mét, hai ống đấu chung lại trên miệng máng bằng sắt thổi hơi vào lò. Ống bể đứng cách lò than 1 mét, người thụt bể có tầm thước cao vẫn còn phải đứng trên ghế để kéo cây thụt bể.

Hành nghề bắt đầu từ khâu chọn sắt, cắt phôi, kích cỡ phôi tùy theo kích cỡ dụng cụ muốn rèn. Đổ than vào lò thổi lửa. Người thổi lửa kéo hai cây thụt bể nhịp nhàng, lửa đỏ đều, không vung than ra ngoài. Thợ chính gắp phôi đặt nung trên lửa, phôi đỏ đưa lên đe, thợ phụ đập. Thợ chính dịch chuyển miếng phôi theo các thế để thợ phụ đập. Thợ chính dịch chuyển miếng phôi theo các vị trí khác nhau, hai, ba thợ phụ đập búa chính xác tạo hình vật dụng rèn đúng ý đồ.

Thợ chính khéo tay, nhanh mắt, có kinh nghiệm nhìn độ đỏ của phôi, biết đến độ nào là làm nguội, độ nào là tôi sắt. Làm nguội là khâu hoàn chỉnh hình dáng dụng cụ muốn rèn. Làm nguội xong đến khâu tôi sắt. Tôi sắt là nung miếng sắt đến khi thợ chính nhìn độ đỏ đúng mức lấy ra nhúng vào bể nước, tôi bao nhiêu lần là tùy chất sắt và yêu cầu độ bền của dụng cụ được rèn. Nếu tôi già lửa sẽ giòn, non lửa sẽ không đủ độ cứng, nghĩa là phải tạo ra dụng cụ vừa cứng vừa bền thông qua khâu tôi.

Khi hành nghề, các loại thợ đều thao tác rất điêu luyện, thợ thổi hai tay kéo lò nhịp nhàng, thợ cầm búa lớn đập theo quán tính đều đặn, thợ chính điều khiển miếng sắt trên đe theo bản năng đã hình thành trong từng cử chỉ. Người bên ngoài nhìn tưởng kíp thợ thao tác rất vất vả. Nhưng không, tất cả phối hợp nhịp nhàng như một guồng máy tự nhiên, không căng thẳng, không lên gân, vì thế họ có thể ngồi, có thể đứng bên lò cả tiếng, cả buổi mà không mệt.

Dụng cụ rèn được ra lò tại Hồng Lư gồm đủ loại: dao, rựa, cày, cuốc, xẻng, ngày xưa có cả binh khí thô sơ… Ngày ấy sắt làm phôi ít, có thể nói là hiếm, vì thế lượng hàng ra lò rất hạn chế. Mặt khác thợ rèn thường chỉ nhận hàng khi có người đến đặt, không sản xuất theo phương thức cung cấp hàng hóa hàng loạt cho thị trường. Sản phẩm lưu thông chủ yếu theo phương thức bán lẻ, thợ rèn sản xuất một ít dao, rựa… tự gánh đi bán dạo hoặc nhận lời đặt hàng của người buôn lẻ cũng đưa đi bán dạo ở các làng quê. Với phương thức hành nghề như thế nên thợ rèn không giàu. Họ thường ngồi chờ có người đặt hàng mới làm, không kết hợp công thương liên hoàn thì khó giàu lên nổi như ông bà đã có câu “phi thương bất phú”.

Nghề rèn làm ra vật dụng thiết yếu cho xã hội, đồng thời là kế sinh nhai của một bộ phận dân cư, vì thế nó luôn cố gắng tìm cách thích nghi để tồn tại tùy thuộc vào nhu cầu xã hội.

Ngày nay ngành cơ khí phát triển nhanh, nghề rèn trở thành nghề sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Trong hoàn cảnh mới, ở Hồng Lư vẫn tồn tại đôi lò làm theo lời đặt hàng của khách ưa thích dụng cụ bền, sản xuất theo lối truyền thống. Theo đó nghề rèn truyền thống vẫn còn cơ duyên để tồn tại theo nhu cầu của khách hàng quen biết, song rất khó phát triển trong thị trường hiện đại. Sản phẩm của nghề rèn Hồng Lư không thể cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ được sản xuất nhanh, lưu thông rộng của các phân xưởng, nhà máy hiện đại. Vì thế nghề rèn Hồng Lư dần bị mai một.

Nhưng, thế giới con người có tiến bộ đến đâu, nghề rèn Hồng Lư vẫn luôn là dấu ấn văn hóa nghề nghiệp đã từng tồn tại. Trong ký ức người Tam Kỳ, nghề rèn Hồng Lư là thương hiệu nổi tiếng qua bao đời người xứ sở. Người Hồng Lư sẽ luôn ghi nhớ và tự hào về một nghề truyền thống đặc biệt của bao thế hệ cha ông.

Phạm Thông

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/xa-hoi/nghe-ren-hong-lu-109356.html

Cùng chuyên mục