Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực văn hóa phi vật thể: Cần sự hỗ trợ bài bản

Những người lưu giữ các vốn liếng văn hóa, tri thức dân gian ở các vùng, đang rất cần hỗ trợ để có thể trao truyền những vốn quý đang nắm giữ.

Sở VH-TT&DL đã thống nhất gửi đến Bộ VH-TT&DL 13 bộ hồ sơ công nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Đây là các cá nhân đã có nhiều cống hiến trong việc gìn giữ nghề truyền thống, thực hành di sản… từ đồng bằng cho đến miền núi.

van-hoa-phi-vat-the
Cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn để các nghệ nhân thực hiện việc trao truyền di sản. Ảnh: TRỌNG KHANG

Khó tìm truyền nhân

Nhận thức sự mất mát khá lớn các loại hình văn hóa phi vật thể ở các địa phương ngày càng tăng, những người nắm giữ tri thức dân gian luôn tìm mọi cách để có thể trao truyền các giá trị quý báu này.

Cụ ông Nguyễn Lành – nghệ nhân làng gốm Thanh Hà, người được đề cử danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” của Quảng Nam lần này cho biết, để lưu giữ nghề cha ông, từ rất nhiều năm trước, ông đã truyền dạy những kỹ năng cơ bản cho nhiều thế hệ người làng. Làm gốm phải nắm vững các kỹ năng về chế tác, cách chọn, ủ đất, chuốt sành, kỹ năng làm nguội, phơi phôi… Tưởng đơn giản, nhưng hành trình nghề nghiệp này, hơn 53 năm qua, ông vẫn phải nỗ lực mỗi ngày để vừa làm nghề, vừa giữ nghề.

Việc trao truyền di sản là quá trình kết nối giữa nghệ nhân và lớp thế hệ sau. Tìm kiếm phương án để dung hòa được tri thức dân gian trong thời đại mới, phù hợp với xu thế là một việc khó.

Ông Nguyễn Chí Trung – nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, dù rất nhiều lợi thế trong việc bảo tồn, nhưng tìm kiếm lớp người kế cận vẫn là câu chuyện khó tại đô thị này. Bởi lẽ, dù gọi là mối quan hệ hữu cơ giữa ngành bảo tồn văn hóa và du lịch, nhưng chưa hẳn hai lĩnh vực này có sự gắn bó. Đơn giản ở câu chuyện nhân lực, rất nhiều lao động tập trung cho việc phát triển du lịch, nhưng lại rất ít người trong độ tuổi thanh niên chịu làm nghề truyền thống. Đặc biệt, ở một giai đoạn khá khó khăn sau dịch Covid-19, việc phục hồi tất cả ngành nghề đều cần thời gian, do đó tìm kiếm người kế cận cũng phải cần một độ lùi nhất định. Ở nhiều vùng miền, việc kiếm tìm truyền nhân cho các loại hình khác gần như là con số không. “Nghiên cứu bảo tồn phải từ người già. Thanh niên ở địa phương gặp vấn đề về tiếp cận, bản thân nghệ nhân muốn truyền lại cũng gặp nhiều khó khăn” – nghệ nhân Hồ Văn Ly (xã Phước Mỹ, Phước Sơn) nói.

Bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian không phải là việc đơn giản. Một phần vì người trẻ ngày nay không có nhiều người dành thời gian để tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống. Các hình thức diễn xướng được truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng, hướng dẫn trực tiếp, ít có các văn bản ghi lại cụ thể nên gây khó khăn trong việc truyền dạy…

Hỗ trợ để trao truyền di sản

Các lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức tại nhiều địa phương, nhưng số lượng thành viên đi sâu theo bộ môn gần như rất hiếm. Ngay cả với các địa phương miền núi, khi các giá trị văn hóa truyền thống cùng bản sắc định danh cho mỗi tộc người, cũng đứng trước nguy cơ mai một hoặc biến dạng vì nhiều lẽ. Đây là điều đã được cảnh báo từ rất nhiều năm nay. Sự tương tác, quan tâm sẽ tạo nên những sân chơi lớn cho các câu lạc bộ dân ca, kịch, tuồng… ở mỗi địa phương, thiết thực góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên hiện nay, các câu lạc bộ đều tự “sống” bằng niềm đam mê của mỗi thành viên, chưa có sự hỗ trợ, đầu tư bài bản.

van-hoa-phi-vat-the
Ảnh: TRỌNG KHANG

Dù Quảng Nam được đánh giá khá cao trong bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tuy nhiên khó khăn trong việc tìm kiếm người kế thừa là điều phải đối diện. “Nhận diện được hiện trạng, sức sống của di sản để triển khai kịp thời các đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã ngăn chặn được nguy cơ mai một, thất truyền của rất nhiều loại hình văn hóa dân gian truyền thống. Thêm nữa, các di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế – xã hội cộng đồng. Điều này cho thấy được sự quan tâm đúng hướng về bảo tồn của Quảng Nam” – PGS-TS.Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết.

Chính phủ đã có Nghị định 109/2015/NĐ-CP hỗ trợ nghệ nhân có thu nhập thấp, nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời Quảng Nam cũng đã có một số chính sách hỗ trợ nghệ nhân duy trì các lớp bồi dưỡng, trao truyền di sản. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ này đang trong tình trạng nơi có, nơi không, tùy thuộc vào sự quan tâm và điều kiện kinh tế của từng địa phương. Điều này sẽ rất khó cho nghệ nhân trao truyền lại những tinh túy cho thế hệ mai sau, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả quảng bá, tôn vinh giá trị di sản văn hóa. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có chính sách bảo đảm an sinh cho nghệ nhân cũng như hỗ trợ họ nhiều hơn trong việc thực hành di sản, biểu diễn, sáng tạo văn hóa… Qua đó giúp họ nhẹ gánh mưu sinh, tiếp sức nghệ nhân gìn giữ, phát huy và bảo tồn vốn quý đang nắm giữ.

Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa hiểu hết giá trị của danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, có triển khai nhưng còn qua loa, đại khái nên một số nghệ nhân, dù đã đủ tiêu chuẩn vẫn không làm hồ sơ đề nghị xét tặng. So với đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai – năm 2018 có 50 hồ sơ đề nghị trình Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh thì tại đợt này giảm hồ sơ rất nhiều, chỉ có 14 hồ sơ.

Lê Quân

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa/nghe-nhan-uu-tu-linh-vuc-van-hoa-phi-vat-the-can-su-ho-tro-bai-ban-94388.html

Cùng chuyên mục