Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Văn Ba: Đèn lồng là linh hồn Hội An…
Bây giờ, tuổi đã cao để đôi tay không còn lanh lẹ chẻ những nan tre, nuột lạt. Như cả vốn liếng đời mình, ông “nhượng” hết thảy cho con trai, con dâu, và tôi nghĩ, hình như, còn cho rất nhiều người Hội An…
Ông lão ấy, giờ như chiếc đèn lồng treo cao trong gió, để mỗi bận gió chướng hui hút tạt qua, lại khiến người nhà nơm nớp. Nhưng mỗi lúc ai cơi lên chuyện đèn lồng, lại hình như biết mình đã bày biện trở lại một quá khứ, một đoạn son vàng – từ chính cái mắt hấp háy vui, cái giọng đầy hứng khởi của người già này. Ông là Huỳnh Văn Ba – Nghệ nhân ưu tú (NNƯT), người khởi lên câu chuyện đèn lồng của đất Hội An.
1. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng mỗi ngày, ông vẫn dành thời giờ chạy đến xưởng làm của con trai. Cũng chẳng để làm gì nặng nhọc, hay kiếm một vai trò quan trọng trong cả mắt xích của một ngôi xưởng làm nghề tiểu thủ công nghiệp. Chỉ để coi những đứa con, những đứa học trò mình làm gì với đèn lồng. NNƯT Huỳnh Văn Ba nói, ông may mắn hơn rất nhiều nghệ nhân làm nghề truyền thống khác, vì có người trong gia đình kế nghiệp, lại có mấy lớp học trò thành tài thành danh, và vì nghề này ở ngay trong lòng phố Hội. “Đã làm nghề truyền thống thì phải chấp nhận là thu nhập thấp, thậm chí nhiều anh phải làm cái khác để nuôi nghề. Nhưng nghề làm đèn lồng ở Hội An thì khác, tôi không nghĩ một món đồ chơi, đồ trang trí mà nó giữ sức hút với thị trường lâu như vậy” – ông Ba nói. Hẳn, sự lâu dài mà ông lão này nhận thấy, phần nhiều nhờ sức ảnh hưởng từ vùng du lịch Hội An. Không ai phủ nhận điều may mắn khi được sinh ra ở một vùng đất lành, nhưng để biến những di sản quá khứ thành cơ hội sống tốt của người dân hiện tại, nhìn đi nhìn lại, Hội An đã tận dụng quá tốt.
Ông Ba kể, năm 1990, khi đô thị này mở cửa, những vốn liếng nghề nghiệp hồi ông làm Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan chuyên về làm mành trúc được mang ra ứng dụng, thử nghiệm với rất nhiều dòng sản phẩm. Nếu ở giai đoạn 1975 – 1985, những dụng cụ nông nghiệp từ rổ rá, thúng mủng, nong nia, giần sàng… đến mành trúc xuất khẩu được thị trường đón nhận, ăn nên làm ra, ông Ba lúc này tự tin với thu nhập đủ để nuôi con, thì từ những năm đầu thập niên 1990, HTX giải thể.
Vốn sinh ra và lớn lên ở Thăng Bình, nhưng từ những năm tuổi trẻ, ông Huỳnh Văn Ba đã mưu sinh và ở hẳn lại đất Hội An. Như một cư dân của phố Hội. Từ cả quá khứ lẫn hiện tại. Người đàn ông này đủ hiểu một khi đất này mở ra, thì cơ hội sẽ đến, đặc biệt, với những dòng sản phẩm mang tính chất lưu niệm. Từ một anh thợ làm mành trúc, nong nia giần sàng…, ông mày mò để làm… đèn lồng. Và những chiếc đèn lồng đầu tiên giăng trên đường phố cổ, tạo dấu ấn với đất di sản Hội An những ngày đầu đón khách du lịch. Khi ấy, những chiếc đèn lồng không phải bọc vải lụa hay điều như hiện tại, mà làm bằng giấy dó. Thuở ấy ông lão này đã nghĩ đến chuyện tạo kiểu cho đèn lồng, tuy chỉ mới là những hình thù đơn giản như tròn, bầu dục, hình thoi. Tiếp tục sáng tạo thêm bằng cách vẽ hình trên giấy dó, để khi bọc vào đèn lồng, thắp sáng lên, những hình ảnh tự họa về phố cổ, về cảnh vật… lại hiện lên đầy sống động.
Khách du lịch bấy giờ, vô cùng thích thú với hình ảnh đèn lồng treo cao trên những ngôi nhà cổ. Họ tìm đến ông Ba, từ người làm nhà hàng khách sạn Hội An, đến cả du khách. “Một người khách Úc muốn mua lồng đèn về làm quà lưu niệm, hỏi tôi có cách gì để bỏ được chiếc đèn lồng này vào túi? Tôi mày mò nghĩ mãi, rồi thử tìm cách làm… đèn lồng xếp” – NNƯT Huỳnh Văn Ba nói. Chiếc lồng đèn có thể xếp lại, như cách vận hành của một chiếc dù, được ông nghệ nhân già này ứng dụng. “Lúc đầu thử làm ra những cái quạt xòe ra xếp lại, nhưng nó không được. Sau đó, tôi mới nghĩ ra cách mình làm cái dù, chống lên chống xuống. Cứ làm như thế suốt 5 – 6 tháng mới hình thành được cái đèn xếp lại được” – ông Ba cho biết.
2. Ngay sau khi làm được lồng đèn xếp, ông Ba liền mang nó ra bày cho thợ mình. Rồi lại tiếp tục dạy thêm rất nhiều lứa học trò – phần lớn bây giờ đã là ông bà chủ xưởng hoặc shop kinh doanh đèn lồng ở phố cổ Hội An. Thường người ta có được một bí quyết nghề nghiệp, sẽ “giấu” để trên thương trường mình chiếm vị trí “độc tôn”. Nhưng ông lão này lại nghĩ khác. Đèn lồng với ông không đơn thuần là sản phẩm kinh doanh, mà là sản phẩm văn hóa, là dấu ấn của Hội An. “Có đoàn nhà báo Mỹ đến hỏi tôi, ông nghĩ đèn lồng giữ vai trò gì ở Hội An, tôi trả lời: “đèn lồng là linh hồn của Hội An” – ông Ba kể.
Vậy nên có kiểu gì mới, sáng tạo được điều gì hay ho để cải tiến, làm đẹp thêm cho sản phẩm này, ông đem bày lại cho hết thảy những bạn bè đang làm nghề như mình. Khi còn đứng xưởng, khoảng 2 năm, ông lại cho ra đời một mẫu mã mới, trên các loại chất liệu khác nhau. Nhưng cái tính hào sảng của một người dân Quảng, không để ông giữ lấy điều gì cho riêng mình. Chính quyền Hội An từ rất nhiều năm trước đã nhờ ông Ba đứng lớp cho khoảng 4 khóa học, chuyên dạy về làm đèn lồng cho người dân phố cổ. Chưa kể, năm 2011, ông lão làm đèn lồng này là nghệ nhân đầu tiên được Chính phủ Nhật mời sang để giới thiệu những ý tưởng mới để tăng năng suất sử dụng và tạo độ bền của đèn lồng Hội An đến với bạn bè thế giới.
Xưởng lồng đèn Huỳnh Văn Ba khá khiêm tốn, nhưng lúc nào cũng đông người. Họ có thể là khách đến đặt hàng, và trong số đó cũng khá đông khách du lịch. Họ muốn tận mắt được nhìn thấy ông già nghệ nhân đầu tiên chế tác được chiếc đèn lồng giờ treo khắp phố Hội, giờ cũng đã có khá nhiều trên các vùng đất du lịch khắp cả Việt Nam. Họ cũng muốn được ông già này tận tay chỉ cách làm đèn lồng. Hay nhiều khi, họ muốn nhìn chứng nhân của một giai đoạn thời kỳ đầu Hội An trở mình đón khách. Nhiều lý do lắm. Nhưng hẳn ông lão nghệ nhân này cũng lấy điều đó làm vui, của tuổi già đã bắt đầu se sắt mỗi ngày hiện diện. Có nhiều học trò là người khuyết tật ông tìm về dạy nghề, giờ mở ra riêng, đôi ba tháng ghé thăm “ông giáo già”, khoe mình vừa sắm được chiếc xe, vừa mua được căn nhà nhỏ. Nhưng ông Ba nói mình vui nhất, như bất cứ người già nào khác, là có đứa con trai chịu trở về, để làm nghề của mình, để giữ lại cái say mê đã nối thành nghiệp. Ông nói, tâm nguyện giữ được cái nghề liên quan đến mây tre, đã coi như toại nguyện.
Nhưng ông lão đã tròn tuổi 85 này vẫn canh cánh câu chuyện về một không gian để sản phẩm đèn lồng mình làm ra tung tẩy với nhiều câu chuyện, nhiều hình ảnh hơn. Thật khó, bởi Hội An bây giờ, hình như đã bắt đầu trưng bày đèn lồng quá thừa thãi, chưa kể những gian hàng kinh doanh đèn lồng bên sông Hoài về đêm. Biết vậy mà phố đâu có chật để không rộng lòng mở cho ông lão một không gian? Ông muốn mình trở thành người coi sóc Khổng Miếu, rồi ở đó, làm đèn lồng, kể chuyện về chiếc đèn lồng xếp đầu tiên, cho người muốn nghe…
Song Anh
Theo Báo Quảng Nam