Nghệ nhân làm chiêng đồng lớn nhất Việt Nam

Bốn người ở làng đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam) làm việc liên tục 45 ngày để hoàn thành chiêng đồng đường kính 4 m, nặng gần một tấn. 

Ông Lê Minh Hiệp chia tỷ lệ trên chiêng nhỏ để làm chiêng lớn. Ảnh: Đắc Thành.
Ông Lê Minh Hiệp chia tỷ lệ trên chiêng nhỏ để làm chiêng lớn. Ảnh: Đắc Thành.

Ngày mai (29/1), ông Lê Minh Hiệp, nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều, xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) sẽ bàn giao chiếc chuông đồng lớn nhất Việt Nam cho một khách hàng ở Tây Nguyên. Chiêng nặng gần một tấn, đường kính 4 m, cao 69 cm, dày 2 mm.

Ông Hiệp làm nghề đúc đồng từ 17 tuổi, đến nay đã 32 năm kinh nghiệm. Tháng 11/2018, ông nhận lời làm chiêng đồng. Tham khảo chiếc chiêng người Tây Nguyên thường dùng, ông tính toán tỷ lệ, hình dáng các mảnh ghép để sau đó ghép liền nhau, tạo mô hình giống chiêng đúc nguyên khối.

Các miếng đồng được hàn nối. Ảnh: Đắc Thành.
Các miếng đồng được hàn nối. Ảnh: Đắc Thành.

Ông Hiệp cùng ba nghệ nhân khác hàn một khung sắt đúng khuôn khổ, sau đó dùng bảy tạ đồng nguyên chất loại lá cắt ghép vào. Các mối hàn được gia công khéo léo để che đi những đường nối. Mặt chiêng lồi lõm nên nghệ nhân phải gò rất nhiều ngày mới xong.

Cách làm này rất dễ so với đúc nguyên khối, tuy nhiên đòi hỏi kỹ thuật cắt ghép, gò đúng khuôn khổ nên cần rất nhiều thời gian. Người thợ phải khéo léo từng chi tiết, sai một tý thì ghép miếng đồng không khít”, nghệ nhân chia sẻ.

Sau gần 40 ngày làm việc không ngừng nghỉ, chiêng đồng đã ra hình dáng, khách đến nghiệm thu và hài lòng với cách làm. Ông Hiệp cùng các nghệ nhân tiếp tục đánh bóng, tẩy rửa vết bẩn trên mặt chiêng.

Các nghệ nhân đánh bóng chiêng đồng trước lúc bàn giao cho khách. Ảnh: Đắc Thành.
Các nghệ nhân đánh bóng chiêng đồng trước lúc bàn giao cho khách. Ảnh: Đắc Thành.

Quá trình làm hoàn toàn thủ công, chiêng được làm mới nhưng khách yêu cầu mặt chiêng phải chế tác như chiêng cũ. Khi làm xong, chúng tôi phải dùng thủ thuật để tạo màu cho chiêng đồng“, ông cho hay.

Chiêng không sử dụng để đánh mà trưng bày, vì quá cao và nặng. “Tôi hài lòng với sản phẩm, khi khách đưa về trưng bày sẽ quảng bá hình ảnh làng nghề đúc đồng Phước Kiều 400 tuổi đến với mọi người“, ông Hiệp chia sẻ.

Ngoài đúc chiêng, chuông đồng, ông Hiệp còn là thợ đồng mỹ nghệ với nhiều tác phẩm độc đáo. Gần đây nhất, ông thực hiện bộ đèn chum bằng đồng kích thước lớn cho một đơn vị ở Phú Quốc (Kiên Giang).

Đắc Thành

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục