Ngày xưa biển xanh…

Hội nghị triển khai Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ TN&MT phối hợp với tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào cuối tháng 5 năm nay đã đưa ra thông tin biển Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về ô nhiễm rác thải!

Ô nhiễm biển đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống ngư dân. Ảnh: Xuân Thọ
Ô nhiễm biển đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống ngư dân. Ảnh: Xuân Thọ

1. Chính sự ô nhiễm này trở thành mối thách thức trong triển khai chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, bởi nó đe dọa đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản, từ đó tác động đến sự mưu sinh của hàng triệu ngư dân.

Hôm đó, PGS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT), còn nhấn mạnh rằng môi trường biển tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu và tiếp tục bị đầu độc do liên quan tới những vấn đề phát triển kinh tế xã hội. Đó là điều đáng báo động! Khoảng 10 năm trước, điều chúng ta thường thấy biển bị đầu độc đó là đổ rác thải xuống biển. Nhưng vài năm trở lại đây, những tầm nhìn quy hoạch ngắn hạn, thậm chí là nặng tính ăn xổi, đã đầu độc biển theo cách khác mà để đến khi biển lên cơn nôn ói, chúng ta mới giật mình nhận ra. Dễ hình dung nhất, là những đường ống dẫn nước thải chưa qua xử lý, chạy trực tiếp ra biển. Để rồi khi cơn mưa lớn ập đến, bãi biển ngập tràn dòng nước đen kịt, hôi thối. Chỉ cần bạn không lười đọc tin tức, thì tôi tin chắc rằng bạn đã nhiều lần đọc các bài viết về vấn đề này.

Một góc bãi biển Cửa Đại - Hội An bị sạt lở. Ảnh: Xuân Thọ
Một góc bãi biển Cửa Đại – Hội An bị sạt lở. Ảnh: Xuân Thọ

PGS Nguyễn Chu Hồi cũng lưu ý rằng nhu cầu nhận chìm vật, chất ra biển ngày càng tăng, trong khi chúng ta chỉ dự kiến đổ trong vùng lãnh hải, gần bờ. Gần đây nhất, là câu chuyện nhận chìm cát nạo vét ở cảng Dung Quất, hay bùn – cát trong quá trình làm nhà máy thép Hòa Phát ở Quảng Ngãi. Theo thống kê mà vị PGS này có được, thì hiện lượng chất thải rắn, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển nước ta vào khoảng 14,03 triệu tấn/năm (khoảng 38.500 tấn/ngày). Đó là chưa nói, lượng chất thải rắn tại các tỉnh kinh tế trọng điểm ven biển đang có xu hướng tăng dần, đặc biệt là các chất thải nguy hại từ ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất, luyện kim.

2. Nhưng đó là trong bờ, còn ngoài khơi thì sao? Trong công cuộc kêu gọi giảm ô nhiễm biển, thì những “vấn đề ngoài khơi” luôn là điều nan giải nhất. Bởi đa phần nó đến từ những sự cố, mà những sự cố này phần lớn đến từ việc con người đang làm những việc để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hiện tại và sự bức thiết của công cuộc hiện đại hóa. Một trong số đó liên quan đến dầu, dầu khí. Theo thống kê, trong vòng 10 năm trở lại đây có khoảng 100 vụ tràn dầu. Thật không may cho Việt Nam, với đặc thù về vị trí, những dòng hải lưu sau sự cố tràn dầu phần lớn di chuyển về phía bờ biển Việt Nam. Đó là chưa tính đến việc vùng biển nước ta có khoảng 340 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí.

Việc bảo vệ hệ sinh thái biển đang là vấn đề cấp bách. Ảnh: Xuân Thọ
Việc bảo vệ hệ sinh thái biển đang là vấn đề cấp bách. Ảnh: Xuân Thọ

Theo tính toán, bên cạnh nước thải lẫn dầu với khối lượng lớn trong quá trình khai thác, việc làm này còn phát sinh thêm khoảng 5.600 tấn chất thải rắn, trong số này có 20 – 30% là chất thải rắn chưa có nơi xử lý. Từ đó, kéo theo sự rệu rã về sức khỏe của biển. Ô nhiễm đã làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và đang vào mức báo động, khi có khoảng 80% rạn san hô trong vùng biển nước ta đang ở “tình trạng rủi ro”, trong đó, có khoảng 50% là ở mức cao. Tình trạng tồi tệ này cũng đang xảy ra tương tự đối với thảm cỏ biển. Chưa hết, ở vùng ven bờ, mỗi năm, chúng ta mất khoảng 15.000ha diện tích rừng ngập mặn. Một con số hết sức đáng báo động.

Sự tăng trưởng về chỉ số ô nhiễm, kéo theo sự sụt giảm về chỉ số nguồn lợi thủy hải sản. Hiện nay, nước ta có khoảng 100 loài hải sản đang ở ngưỡng nguy cấp, đáng chú ý là chúng ta đang có trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Trữ lượng về nguồn lợi hải sản giảm, kéo theo sản lượng khai thác giảm. Từ đó, là bức tranh không mấy sáng sủa về đời sống ngư dân. Cách đây khoảng một tháng, khi tôi lang thang ở làng chài Nghĩa An của thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), không ngờ rằng nơi này thay đổi rất nhiều sau vài năm không trở lại. Nghĩa An từng được mệnh danh là “làng chài tỷ phú” bởi mỗi năm, mỗi cặp tàu nơi này mang về tiền tỷ. Nhưng vài năm trở lại đây, khi nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt, thì những chuyến biển của họ chỉ có… lỗ trở lên. Và những ngư phủ tý phú ấy, đang là những con nợ tiền tỷ.

Nhóm người ở miền Trung rủ nhau dọn rác ven biển để cứu bãi biển. Ảnh: Huỳnh Thương.
Nhóm người ở miền Trung rủ nhau dọn rác ven biển để cứu bãi biển. Ảnh: Huỳnh Thương

3. Còn có một dạng tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển ngày nay rất rõ nét, là hoạt động du lịch. Minh chứng gần đây nhất là hiện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang, hàng loạt khu du lịch cao cấp chạy dọc ven biển, nhưng hệ thống thoát nước không đáp ứng theo, trở thành điểm chặn nước thoát từ trong ra biển. Và hệ quả là Phú Quốc bị ngập, ngập trong sự bàng hoàng của nhiều người. Khi nước rút đi, vùng bãi biển Phú Quốc bắt đầu có dấu hiệu sạt lở.

Câu chuyện bãi biển sạt lở, ngó về Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) là kinh khủng nhất. Nó xuất phát từ việc các ông chủ các resort, khách sạn quá tham lam, xây lấn ra bãi biển làm “tức” dòng chảy thông thường và gây nên sạt lở. Để bây giờ, chính xác là nhiều năm qua, mỗi năm, Quảng Nam phải chi vài chục tỷ để bảo vệ bãi biển từng được mệnh danh là “bãi biển đẹp nhất hành tinh”. Nhưng thực tế cho thấy, việc đó chẳng khác chi “ném tiền ra bãi biển”, bởi tiền vẫn chi mà biển vẫn sạt lở.

Và tình trạng trên không chỉ có ở Phú Quốc hay Cửa Đại. Chính lòng tham của con người đang dần giết chết biển. Có một chút… may mắn, là gần như chúng ta đang thấy được điều đó, mà chính xác là đang nếm trải điều đó, nên đang có nhiều hơn những lời kêu gọi cứu lấy bãi biển. Phải hành động  ngay, chớ chẳng lẽ rồi ngày nào đó, nghe bài Biển cạn của nhạc sĩ Kim Tuấn, đến đoạn “ngày xưa biển xanh, không như bây giờ biển là hoang vắng” mà giật mình… hoang hoải hay sao?

Thách thức từ phát triển du lịch

Theo các nghiên cứu, điều tra trong những năm gần đây của Viện Hải dương học Việt Nam, thì tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo ngoài khai thác, sử dụng không hợp lý vùng đất cát ven biển, còn có phần nguyên nhân đến từ hoạt động du lịch, tạo nên thách thức không hề nhỏ. Chẳng hạn, năm 2009, khi Cù Lao Chàm (TP. Hội An, Quảng Nam) được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, chỉ có hơn 27.000 du khách tham quan đảo. Nhưng đến năm 2017 con số này đã tăng gấp 15 lần, đạt hơn 400.000 lượt khách. Sự bùng nổ này đưa Cù Lao Chàm phải đối mặt với nhiều áp lực liên quan đến môi trường: lượng rác thải tăng lên khiến cho quá trình xử lý gặp khó; nguồn nước ngọt trên đảo trở nên cạn kiệt hơn.

Hay như Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng) với 5.400 ha mặt nước, môi trường ở đây đã bị biến đổi theo chiều hướng xấu đi kể từ khi được đưa vào khai thác du lịch, bên cạnh nuôi trồng thủy sản. Các cơ quan chức năng ước tính, mỗi ngày có đến hàng tấn rác thải được đổ trực tiếp ra biển. Sự việc tương tự cũng đang xảy ra ở vịnh Cát Bà. Theo Ban quản lý vịnh Cát Bà, vùng biển ở đây đang bị đe dọa do nhiều người dân và du khách xả rác bừa bãi, nước thải từ các nhà hàng, khách sạn “rò rỉ” ra vịnh….

Tại Hội thảo Khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế biển vùng Nam Trung Bộ do Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức hồi giữa tháng 6/2019, các chuyên gia nhận định, nguồn tài nguyên biển tại khu vực Nam Trung bộ đang bị khai thác cạn kiệt mà không có kế hoạch phục hồi, tái tạo, vấn đề ô nhiễm đang dần trở nên “đau đầu” hơn. Phần lớn nguyên nhất đến từ hoạt động du lịch.

Xuân Thọ

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục