Ngày lễ truyền thống về cái chết ở Napoli

Tất cả mọi người, không kể lạ quen đều cùng nhau tổ chức lễ hội “Giorno dei morti” ở những ngôi mộ cổ – nơi phơi bày sự chết chóc hàng thế kỷ này.

“Chỉ hai Euro! Chúng rất tươi tắn! Chúng tôi có bán những bông hoa tươi nhất nơi đây!”

Những hàng hoa bên ngoài bờ tường nghĩa trang Poggioreale, đang rao bán bằng tiếng địa phương Napoli để thu hút sự chú ý của du khách. Dòng người từ từ đi vào bên trong, mỗi người cầm một bó hoa với nhiều màu sắc khác nhau, đỏ, trắng, vàng… tương phản với màu xám nơi nghĩa trang.  

Tại đây, những ngôi mộ bằng đá có nhiều kích cỡ khác nhau – một số chỉ nhỏ bằng một cái bàn, một số to như những căn nhà trong khu dân cư xung quanh – nằm dọc theo con đường chính xuyên qua nghĩa trang. Đây là nơi mà người chết đã nằm lại trong hơn 500 năm.

Rất nhiều sọ người được đặt trên thành tường trong nghĩa trang Fontanelle ở thành phố Napoli, Ý. Trong suốt tháng mười một dành để tưởng niệm “ngày của người chết”, người thân viếng thăm phần còn lại của người thân yêu của họ.
Rất nhiều sọ người được đặt trên thành tường trong nghĩa trang Fontanelle ở thành phố Napoli, Ý.

Nghi thức chôn cất độc đáo

Cũng như bao người theo Công giáo khác, cứ đến ngày 2 tháng 11 hàng năm, người Ý lại tưởng nhớ người đã mất bằng cách đặt hoa lên những ngôi mộ và thăm hỏi người thân của họ. Ngày này được gọi là Giorno dei morti, hay còn gọi là Ngày của người chết.

Ở Napoli, những ngày này kéo dài khoảng một tuần rưỡi. Rất nhiều nghi lễ, phong tục được trộn lẫn giữa Kito giáo và truyền thống địa phương, một sự kết hợp đã có từ thời kỳ La Mã.  

Khi một người qua đời, họ đươc người thân tổ chức một đám tang theo truyền thống của Công giáo. Sau lễ tang, cơ thể người chết được đặt trong một chiếc quan tài bằng gỗ và chôn xuống đất, ở tầng hầm của những tòa nhà tang lễ. 5 năm sau tang lễ, gia đình và người thân sẽ quay trở lại đây nhận hài cốt người thân của mình. Những người đào mộ – được trân trọng gọi bằng tiếng Napoli là “Schiattamuorto”, dịch theo nghĩa đen là “Những người nắm giữ cái chết” – sẽ vệ sinh thi thể và tiến hành ướp xác bằng một loại vải màu trắng. Xác đã ướp xong sẽ được đem đến hầm mộ của gia đình, nơi an nghỉ cuối cùng, cũng là nơi người thân sẽ đến viếng thăm vào ngày 2 tháng 11 hàng năm.

Như một cách tiết kiệm không gian, các thành viên trong một gia đình khi mất sẽ được đặt cùng nhau trong một ngôi mộ. Phần lớn các ngôi mộ chứa được ba thi thể. Còn những ngôi mộ lớn hơn, sẽ giữ được đến năm thi thể. Ở buổi lễ Giorno dei morti, bất kỳ ai vào khu lăng mộ đều cảm nhận ngay mùi hôi của xác chết.

Một người đàn ông đã hít một hơi thật sâu, lấy những bông hoa vàng rực rỡ ra khỏi lớp bao nhựa, rồi đặt vào những bình hoa bằng kim loại ở hai đầu ngôi mộ bằng đá cẩm thạch. Anh ta tựa lưng vào lan can, khoanh tay và bắt đầu thì thầm những câu chuyện với phần còn lại của người thân đã mất .

Cuộc sống và cái chết

Ngoài việc đến thăm viếng những người thân, một số người còn đến để bày tỏ sự thương tiếc những người đã khuất nhưng không có gia đình. Ở khu phố Sanitá, nghĩa trang Fontanelle là khung cảnh của nửa tá giáo phái trong thành phố. Những thành viên trong cộng đồng của các giáo phái thu nhận những cái xác không rõ danh tính người thân trong hàng thế kỷ. Họ cúng tế những cái xác này bằng tiền hoặc trang sức, như một cách để làm dịu nỗi đau và cầu xin những ân huệ, giúp đỡ tâm linh.

Đây sẽ là dịp để mọi người thưởng thức món ăn địa phương, torrone dei morti. Ngọt như kẹo, torrone dei morti được dùng như một món quà cho người chết trên hành trình đến với thế giới bên kia, và có thể được tìm thấy tại bất kỳ cửa hàng bánh ngọt nào trong thành phố.

Aldo Colucciello, nhà nhân chủng học xã hội và điều phối viên khoa học tại một hiệp hội đa văn hóa cho rằng mặc dù cả hai nghĩa trang Poggioreale và Fontanelle đều được mở cửa tham quan miễn phí cho công chúng cũng như khách du lịch, nhưng mọi người hãy ghi nhớ tính nhạy cảm của những địa điểm này và nên đi qua cùng với sự trịnh trọng khiêm nhường. Những năm gần đây, nghĩa trang Fontanelle trở thành địa điểm thu hút du lịch vượt trội. Du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Các tour du lịch được phục vụ sẵn sàng bằng tiếng Anh, Ý và Pháp.

Ông Colucciello cho biết lý do người dân Napoli cởi mở với cái chết là bởi mối đe dọa nơi đây. Núi lửa Vesuvius lờ mờ bao quanh thành phố.    

“Chúng tôi không sợ chết, vì nếu vậy chúng tôi sẽ phải đóng cửa và ở yên trong nhà, mà điều đó là không thể” – Một người Napoli nói. Anh ta hướng lên bầu trời trong xanh bằng cả hai tay, và “Đó là cách để chiến thắng được sự sợ hãi.”

Hoàng Trí (theo nationalgeographic.com)

Cùng chuyên mục