Ngành gỗ trước sức ép thay đổi của chuỗi sản xuất

Doanh nghiệp sản xuất gỗ Việt đang phải đối mặt với bài toán số hóa nhằm tối ưu nguồn lực, ứng dụng các hệ thống sản xuất tiên tiến để tăng năng lực trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng và ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Ngành gỗ dự kiến mang về kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỉ đô-la Mỹ trong năm nay. Ảnh: Charles Mostoller/Bloomberg
Ngành gỗ dự kiến mang về kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỉ đô – la Mỹ trong năm nay. Ảnh: Charles Mostoller/Bloomberg

Chiến tranh thương mại kéo dài và ngày càng phức tạp đang khiến chuỗi cung toàn cầu ngày càng bất ổn. Ngành gỗ Việt được xem may mắn hưởng lợi khi thuế quan mà Mỹ áp lên Trung Quốc tạo cơ hội cho sản phẩm gỗ Việt Nam cạnh tranh xuất khẩu, mặt khác khiến các doanh nghiệp gỗ nước ngoài tìm chỗ trú ẩn khỏi thương chiến, mà Việt Nam là điểm đến đặt nơi sản xuất.

Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản 8 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 7,08 tỉ USD – tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 6,66 tỉ USD. Với đà tiến này, ngành gỗ được kỳ vọng sẽ sớm đưa kim ngạch năm 2019 lên khoảng 11 tỉ USD, ước tăng hơn 18% so với năm 2018 và hướng đến kim ngạch xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2025

Nhưng các nhà xuất khẩu lại cho rằng không có nghĩa tất cả đều thuận lợi. Thách thức đầu tiên là mức giá ngày càng cạnh tranh khi số lượng đơn hàng từ khách hàng nước ngoài tăng cao. “Gần đây tôi đã giật mình khi nhận được các đơn hàng gỗ cabinet với mức giá thấp tới vô lý, nhưng đây là mức giá áp từ thị trường Trung Quốc qua. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tối thể ưu hóa hết dây chuyền và nguyên vật liệu sản xuất để có thể cạnh tranh”, ông Cao Duy Tâm, giám đốc công ty Vetta chia sẻ.

Cạnh tranh nhân sự là áp lực lớn trong doanh nghiệp ngành gỗ khi số liệu sáu tháng đầu năm cho thấy số dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ gần 50, bằng 73% con số của cả năm 2018 và có đến 32 công ty chế biến gỗ. Làn sóng FDI vào Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng đang đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng lên, đẩy giá nhân công ở các khu công nghiệp lên 10 – 20%.

Một thách thức lớn nữa xuất phát từ sự thay đổi của thị trường tiêu dùng cũng là cảnh báo quan trọng với nhà sản xuất. Thay vì mua đồ nội thất được sản xuất hàng loạt, khách hàng ngày nay sẵn sàng chi tiền để mua nội thất được cá nhân hóa theo nhu cầu. “Trong khi chi phí sản xuất của những sản phẩm nội thất tùy biến nay phải có giá tương đương hàng sản xuất đồng loạt thì mới có thể cạnh tranh”, ông Leslie Lye, giám đốc kinh doanh của công ty Weinig chỉ ra.

Các nhà sản xuất, nhà cung ứng máy móc thiết bị tọa đàm “Tư duy lại quy trình sản xuất chế biến gỗ” sáng ngày 10.9 tại TP.HCM.
Các nhà sản xuất, nhà cung ứng máy móc thiết bị tọa đàm Tư duy lại quy trình sản xuất chế biến gỗ sáng ngày 10/9 tại TP.HCM.

Các chuyên gia tại hội thảo Tư duy lại quy trình sản xuất chế biến gỗ sáng 10/9 cho rằng hai vấn đề trên chỉ có thể giải quyết khi các doanh nghiệp đầu tư vào các hệ thống sản xuất thông minh, linh hoạt để tối ưu công suất và hệ thống có thể “nói chuyện” với nhau thông qua công nghệ. “Hệ thống đó không chỉ có khả năng sản xuất các sản phẩm đại trà mà còn xử lý được các đơn hàng nhỏ lẻ cách linh hoạt”, ông Leslie Lye nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch hội Thủ công mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) khuyến nghị, cần nghiên cứu thị trường dài hạn, chiến lược sản phẩm trong 5 – 10 năm tới để đầu tư phù hợp là vô cùng quan trọng. “Cần đầu tư như thế nào để thiết bị mới phù hợp với tổng thể, thay vì chỉ một vài đơn vị máy rất tiên tiến nhưng lại không được khai thác tốt công suất”, ông Khanh nói.

Chưa kể việc số hóa dây chuyền sản xuất gỗ cũng ẩn chứa trở ngại, dù đầu tư máy móc hiện đại, tiết kiệm nhân lực tới đâu thì năng suất cũng như khả năng thích ứng công nghệ của nhân công vẫn là bài toán hóc búa của doanh nghiệp. Điều này áp lực doanh nghiệp phải số hóa quy trình sản xuất, đào tạo lại lực lượng lao động để những người thợ lành nghề cũng có thể sử dụng và vận hành các hệ thống sản xuất tiên tiến.

Bài toán chỉ có thể được giải khi chính các nhà sản xuất với một chiến lược nhân lực dài hạn, bắt tay cùng các cơ sở giáo dục hoặc tự mở trường, để đào tạo và trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết cho người lao động. “Hiện các trường đại học tại Việt Nam cũng đã mở khoa chế biến gỗ, nhưng cần sự phát triển hơn nữa mới có thể tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành”, ông Nguyễn Chánh Phương, phó chủ tịch HAWA nhận định.

Giang Lê

Theo forbesvietnam.com.vn

 

Cùng chuyên mục