Ngã ba làng

Người tôi quen nói rằng đang làm cố vấn cho một dự án rau sạch định triển khai ở Duy Thành – Duy Xuyên, chờ huyện  có ý kiến. Tất nhiên là huyện ủng hộ, còn việc làm ra sao, phải chờ. Nơi làm là cánh đồng khá lớn gần chợ, ngay chỗ trường cấp 2 cũ. Làm rau sạch thì khép kín, diện tích lớn, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, có kiểm định thì mới được chứng nhận. Bây giờ mà làm rau sạch thì sẽ bán chạy.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Làm rau sạch, hay cái chi liên quan đến nông nghiệp sạch thì là làm công nghiệp trong nông nghiệp, buộc phải thay đổi cái nhìn trong tư duy làm nông, không phải ai cũng làm được. Và tất nhiên đã thế thì không thể làm phong trào, tự phát. Ý nghĩ này theo tôi khi về làng, từ ngã ba trước hội quán, ngó ra, chỗ đó, nếu làm sẽ là cánh đồng rau sạch đầu tiên ở quê tôi.

1. Ngó và nói thiệt, tôi nghi. Không phải tôi không tin người ta làm rau sạch theo cái dự án kia, bởi họ định bỏ ra mấy chục tỷ đồng, đâu dám tào lao với chính mình. Tôi nghi là nghi hội chứng… ăn theo ở mình. Mấy chục năm rồi, dù nông thôn đã thay đổi rất nhiều, nhưng bịnh “thấy thiên hạ ăn khoai mình cũng vác mai đi đào”, đâu có hết. Tôi nói với một đứa em ở xóm: “Chuẩn bị có dự án…”. Hắn trố mắt “thiệt không?”. “Mi định xin vô làm hả?”. “Dạ, nhưng không biết răng, đi xin ở đâu họ cũng đòi có lớp 12”.

Hắn nói, làm tôi nhớ. Năm đó, không hiểu ai bày ai xúi, mà lứa như thằng em tôi đang học lớp 8 lớp 9, đồng loạt nghỉ học. Lý do: Đi chùa. Hồi đó, sinh hoạt Phật tử ở chùa mạnh mẽ, cứ tối rằm, ba mươi, mùng một là đèn đuốc tưng bừng hát hò vang xóm. Cả xóm có mười mấy đứa đang đi học, bèn… sang ngang, áo lam, mũ nón rộn ràng, coi bộ như trúng số. Tôi nhớ ba má tôi la ầm lên, rồi mấy nhà hàng xóm cũng vậy, nhưng bó tay. Tụi nó đi, đút vở bụi tre, tới giờ là về, chịu thua chứ làm chi được. Cha mẹ cắn răng đành sắm thêm cái cuốc.

Hẳn lúc đó không ai trong số tụi nó nghĩ rằng sẽ đến lúc ân hận. Chừ thì đó, nộp đơn đâu người ta cũng lắc. Thằng kia ngẩn ngơ một chặp, bỗng mạnh giọng: “Để coi họ làm răng…”. “Mi định bắt chước hả, còn khuya nghe con, tiền to, kỹ thuật sâu rộng, quy trình khép kín, diện tích lớn, không có kỹ năng và khả năng, đố ai làm được, đừng có ẩu”. Hắn ngồi thừ ra.

2. Chuyện đứa em xin hay làm, được hay không, phải chờ. Nhưng nhói lên trong tôi chuyện cũ không dứt, đó là hội chứng… bắt chước. Đây, cách đây chừng 5 năm, không biết ai… phát động, đầu trên xóm dưới, không riêng chi ở làng tôi đâu, cả tỉnh chứ không phải chơi, và khi tôi đi Quảng Ngãi, Bình Định, ra Huế, cũng thấy thế, người người làng làng, lên cả phố, rùng rùng đi tìm cây sanh, si. Gốc càng lạ càng có giá, càng oai; cây già cổ quái, là như trúng vàng. Mấy thằng trong làng lên tới Hòn Kẽm Đá Dừng, rúc vô rừng sâu, tìm cho bằng được. Chở về, hì hục tạo dáng; mua xi măng đúc chậu. Chưa hết, xuống Duy Hải, Duy Nghĩa, mò ra tới Cù Lao Chàm tìm san hô về để trồng cây lên đó. Vườn tược đủ gieo đám khoai, rau lâu nay, đành nhường chỗ cho mấy cái  gốc to đùng, dây rễ lòng thòng như tóc ma chết đuối. Bỏ hết việc khác, chỉ lao vô uốn éo cho ra đủ thứ hình thù, xén cành, rồi hít hà tự sướng.

Sanh, si một thời giờ bị ruồng rẫy.Ảnh: T.V
Sanh, si một thời giờ bị ruồng rẫy.Ảnh: T.V

Xong, đi rao giá bán. Hình như có vài đứa bán được ít đồng. Giờ thì đó, về nhà đứa nào, cũng thấy nằm chình ình, cái trong sân cái ngoài ngõ, cây lỳ thì xanh um cây yếu thì như con thằn lằn, bị ruồng bỏ thấy mà tội. Lần đó, có người cảnh báo, là coi chừng mắc mưu với câu hỏi: “Bây có biết ai bày ra cái nạn ni không? Tau hỏi bây, nếu mai ni họ không mua nữa, bây có ăn hết không?”. Giữa cao trào sung sướng, mọi lời khuyên bị bỏ ngoài tai… Ai mua làm chi, mấy quán cà phê là may lắm rồi. Um tùm, thành chỗ cho muỗi ở; công sức tiền bạc đổ vào đó; bỏ chặt làm củi thì tiếc, để đó thì không gặm được. Tôi hỏi thằng em: “Có hội thi cây cảnh mô thi ba cái cây tào lao ni không, hay họ chỉ thi cây mai kiểng?”. Hắn im, đi một hơi. Một ông cao niên nói với tôi: “Chú để ý đi, cây si mà rễ dài ra như tóc đàn bà, để lâu ngày là chỗ ngụ tà khí. Sợ!”.

Hội chứng thứ hai, là sắm xe hơi. Tôi lấy làm lạ, đền bù giải tỏa được mấy đồng, là sắm xe; làm chủ công ty xây dựng toàn nhà cấp 4, một năm lẹt phẹt được mấy cái nhà, cũng sắm xe. Có một người biết lái xe, không có bằng, bởi học hành đâu chừng lớp 3, ký hiệu giao thông đọc không được, óc thì toàn thấy lúa, rơm, bỏ mấy chục năm không ngó tới chữ, thì làm sao lấy bằng được? Biết lái là do mấy ông máy cày bày. Hắn cứ bu theo họ cày ruộng, họ chỉ cho mấy chiêu, ruộng bát ngát, cứ thế mà phang, riết thành quen. Tôi hỏi: “Mi sắm xe làm chi?”. Hắn cười bí hiểm. Rượu vào, có thằng kể: “Chú biết hắn sắm xe làm chi không? Để chở mấy ông đi đánh bạc”. “Giỡn hả mi?”. “Láo, con chết liền. Ông nớ liều bà cố. Không có bằng mà chở đi Tam Kỳ, Hiệp Đức, nói chở đi rồi chờ chở về, kiếm ngày mấy trăm khỏe re. Đó, bữa bà mô kể hè, ổng chở bả ra Đà Nẵng, đi đường Phan Chu Trinh, không biết đó là một chiều bởi có biết đọc biển báo đâu, nên cứ đi ngược. Có người chạy xe máy chặn lại, nói ưng chết hả, công an mà gặp, bán nhà nộp nghe chưa? Ổng nghe, mặt xanh như tàu lá, đi thụt lùi miết. Bà ngồi trên xe mà tháo mồ hôi hột”. Ổng về cười hề hề, tau có biết chi, hồi mô tới chừ có chạy xe ra Đà Nẵng mô”.

3. Thấy lợi trước mắt, là làm; nghe nói là cái nớ hay lắm, sẽ có tiền nhiều, là làm; cái ni ở chỗ nớ làm ngon, mắc chi mình không làm… Đại khái vô vàn lý do, như thể thấy họ nhảy xuống bơi mình cũng ùm cái chơi, còn sức mình tới đâu, chưa biết. Ngán nhất là cái vụ… nghe đồn. Một bữa tôi đi Điện Bàn, ghé nhà người quen, nghe anh đang cự bà già. Có ông mô đó bắt loa chạy xe máy rao bán nấm lim xanh chánh hiệu ở Tiên Phước, rồi sâm Ngọc Linh, lim thì 200 ngàn/kg; sâm 300 ngàn/kg, chữa bách bệnh, nhất là suy nhược, khó ngủ, đau khớp, đại tràng. Xe chạy cùng làng cuối xóm. Bà bèn mua mỗi thứ 1kg, để trên bàn chờ thằng con về khoe, ai ngờ nó… la: “Bà biết đây là sâm hay khoai lang? Nấm lim hay nấm rơm? Cái thứ đại gia mới có tiền mua má biết không?”. “Mấy bà cũng mua chứ mình tau hả, nghe đồn tốt lắm”. “Chừ má ngâm, tui uống lỡ chết thì răng”. Bà hoảng.

Chẳng trách, những trò lừa liên tiếp xảy ra ở làng quê, mà nhất là bể hụi. Tin đồn, nước mình là chúa sống với tin đồn. Tin thật ít quá nên đồn miết, thành thật. Đó cũng là lý do. Nhưng đây mới  là căn nguyên: Người Việt vốn cảm tính, chẳng cần biết ra sao, vả lại mình nghe đồn hay, độc, lạ, mình là người biết đầu tiên, khi mở miệng nói ra, làm theo, mình bỗng dưng thấy mình sáng giá. Nhất là mấy bà mấy chị, cứ gặp nhau mắt nhìn ngang dọc rồi ghé tai nói nhỏ: Mi biết cái chi chưa? Điệu bộ vừa nguy hiểm vừa lén lút như đám buôn ma túy, lấy chuyện lạ của thiên hạ để làm quà.

Toét mắt là tại hướng đình/ Cả làng toét mắt chứ mình em đâu”. Một cách chiêu tuyết, vỗ về cho cái không hay của mình. Làng nào cũng có ngã ba, nơi đó là nguồn cơn của mọi chuyện. Biết bao giờ trong tư duy của một số người ở quê, có được ngã ba, nghĩa là họ phải biết phân vân, chọn lựa trước những cơn sóng chẳng biết đâu xấu tốt, bởi đặt cược niềm tin, nhất là tiền bạc vốn với người nhà quê là quá khó khăn, nhiều khi đánh đổi tất cả với họ. Nói thẳng, xã hội, chính quyền, lắm khi thiếu trách nhiệm trong chuyện này, đến khi… bể ra lúc đó mới khuyến cáo này nọ, còn lại cứ như chuyện không phải của mình. Có nhiều nguyên nhân để làng trở thành cái rốn của nạn bắt chước, copy, thành nạn nhân của những trò lừa, nhưng không lẽ mỗi lần đứng ở ngã ba làng, cứ hỏi: Không lẽ cứ mãi thế này ư?

Trung Việt

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/xa-hoi/nga-ba-lang-83314.html

Cùng chuyên mục