Nét đẹp văn hóa làng

Hầu như dòng họ nào cũng có hương ước, quy ước riêng. Có thể ví hương ước, quy ước như “thước đo chuẩn mực” cho đạo đức, nhân cách, vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với gia đình, dòng họ, cộng đồng.

Gìn giữ truyền thống bằng hương ước

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, cụ Đặng Khôi (làng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đã lui về “hậu trường”, nhường chỗ cho lớp trung niên kế cận đứng ra lo liệu việc cúng kiếng, giỗ chạp của làng. Dù vậy, bất cứ khi nào con cháu trong tộc thắc mắc về lịch sử vùng đất, gia phả…, ông đều sẵn lòng trả lời, bởi ông chính là người dịch và hiệu đính những bài cúng, sắc phong, bia đá, lịch sử các dòng họ, chi phái tộc trong làng. Hỏi về hương ước của làng, ông nói chậm rãi nhưng rõ ràng: “Làm người sống ở đời phải tự lập, lấy lẽ công chính mà truyền dụ cho mọi người đoàn kết nhau lại để sống… Bà con ta trong làng để giữ truyền thống của tổ tiên được lưu truyền mãi mãi, chúng ta đời đời phải noi gương tổ tiên thực hiện đại đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp…”. Bản hương ước đầu tiên được lập vào ngày 8-7 năm Duy Tân cửu niên (1915), đến nay còn nguyên giá trị đối với người dân làng Túy Loan, kể từ lúc lập làng vào cuối đời Hồng Đức – năm 1473 đến nay.

gin-giu-net-xua-net-dep-van-hoa-lang
Một hoạt động tại Lễ hội đình làng Túy Loan năm 2018. Ảnh: Q.T

Hương ước xưa còn gọi là “lệ làng”, vốn gắn chặt với cái thế giới bên trong lũy tre đã sản sinh ra nó và cho nó sức mạnh to lớn trong việc điều chỉnh cả nhận thức lẫn hành vi con người. Theo ông Ngô Văn Nghĩa, nguyên Trưởng làng Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), khoan bàn chuyện đúng – sai, cũ – mới của hương ước bởi giá trị sâu xa của hương ước ý nghĩa hơn nhiều; những quy định trong đó đã trở thành khuôn mẫu, nếp sống và là cơ sở gắn kết giữa người với người, giữa người với quê hương, bản quán. “Tôi may mắn từng làm thư ký của ông Ngô Viêm – một người nổi tiếng giỏi Hán – Nôm, lịch sử làng Phong Lệ và được ông Viêm tin tưởng truyền lại toàn bộ tư liệu, văn tự cổ về làng. Hầu hết những tư liệu do tiền bối để lại đều căn dặn con cháu sống nghĩa tình, kính trên nhường dưới, tuân thủ “phép vua, lệ làng”… Những luật tục ấy đã trở thành một chuẩn mực đạo đức, thành nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người, để củng cố sự bền vững của cơ cấu làng”, ông Nghĩa nói.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đến ngày nay, gia đình, tộc họ ở huyện Hòa Vang vẫn còn rất nhiều yếu tố giống với các làng quê khác. Cơ cấu xã hội cơ bản ở Hòa Vang vẫn là nhà – làng – nước. Một trong những hương ước xuất hiện sớm nhất trên mảnh đất Hòa Vang là Hương ước làng Phước Thuận (xã Hòa Nhơn). Hương ước này ghi: “Từ nay, những nam, phụ, lão, ấu trong xã và những người ngụ cư, nhóm họp tại đình, tưởng niệm các bậc tiền hiền đều phải giữ đúng phép tắc với thuần phong, trên dưới thuận hòa…”. Ông Trần Phước Hoàng (82 tuổi), Trưởng ban Tổ chức lễ hội đình làng Phước Thuận cho hay, Hương ước làng Phước Sơn (tên gọi cũ của làng Phước Thuận) có tuổi đời ngót nghét 200 năm nhưng đến nay nhiều nội dung không lạc hậu; trong đó có việc gìn giữ di sản cha ông để lại, tôn trọng các mối quan hệ phụ mẫu, huynh đệ, láng giềng. Bao lâu nay, người dân thôn Phước Thuận đã quen thuộc với hình ảnh cụ ông Trần Phước Hoàng ngày ngày ghé đến đình hương khói, trông nom. Trong suốt cuộc đời, ông còn dày công nghiên cứu, viết đến 3 cuốn sách về đình làng Phước Thuận quê mình. Với ông Hoàng, đình làng không chỉ là nơi để tri ân các thế hệ tiền nhân có công lập đất, dựng làng mà còn là nơi thờ phụng những người đã hy sinh trong kháng chiến.

Với người Cơ tu ở hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú, luật tục làng quy định: “Bảo vệ cây rừng là bảo vệ rẫy nương/Bảo vệ cây rừng là bảo vệ bến nước/Bảo vệ cuộc sống của làng…”. Bên ấm chè dây (một loại chè mọc hoang trong rừng, nay được người Cơ tu đem về trồng ở bản làng – PV), anh Đinh Văn Như – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) nói với chúng tôi: “Rừng là mái nhà thứ hai của người Cơ tu, bảo vệ rừng là một trong những quy ước nằm trong luật tục bao đời của làng. Hơn 20 năm trước, khi bắt đầu thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chính quyền địa phương đã hướng dẫn làng đưa những điều hay lẽ phải từ luật tục vào hương ước. Bản hương ước của làng nêu rõ, người Cơ tu phải biết dệt vải, đánh chiêng, phải cùng nhau chăm chỉ lên nương rẫy và cùng đoàn kết, biết nghe Đảng, nghe chính quyền và rời xa bọn xấu. Những khuôn phép ấy đã tạo nên lề thói, nếp sống quen thuộc của cộng đồng làng nên không ai phản đối.

Công cụ đắc lực xây dựng nếp sống mới

Một bản hương ước là căn cứ để con cháu các dòng họ đời đời noi theo. Vài năm trở lại đây, khi kinh tế phát triển, các làng khôi phục các hương ước, quy ước để tôn vinh họ tộc và giáo dục con cháu. Theo đó, nhiều dòng họ ở Hòa Vang lập lại hương ước của dòng họ trên cơ sở kế tục những quan điểm, lời dạy của cha ông, đưa thêm những quy định mới về văn hóa của Đảng, Nhà nước trong thời đại mới.
Theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hòa Vang, hương ước với các quy tắc, quy ước và chuẩn mực văn hóa mới, phù hợp với bối cảnh mới là “công cụ” đắc lực góp phần giáo dục đạo đức, định hình nhân cách và nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với gia đình, cộng đồng.

Đồng thời, việc triển khai hiệu quả hương ước góp phần thấm sâu các giá trị thuần phong, mỹ tục vào đời sống – trong từng người dân, từng gia đình và cộng đồng; từ đó hình thành lối sống, nếp sống văn hóa, văn minh, an toàn, lành mạnh, cũng như tăng sức “đề kháng” trước tệ nạn xã hội và các sản phẩm văn hóa độc hại. “Trong quá trình xây dựng quy ước thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trước đây (2006), Phòng Văn hóa và Thông tin Hòa Vang dựa vào hướng dẫn của Sở Văn hóa và Thể thao và kế thừa hợp lý các quy định ứng xử bất thành văn ở vùng nông thôn huyện Hòa Vang để soạn ra 7 điều quy ước mẫu của huyện. Dựa trên quy ước mẫu, các thôn có thể thêm, bớt nội dung sao cho phù hợp với tình hình ở mỗi địa phương rồi thông báo cho cả thôn thực hiện. Hoạt động nổi bật của các tổ dân phố, thôn văn hóa là công tác khuyến học, trợ tang, xóa đói giảm nghèo, xây dựng các tộc họ văn hóa, chăm lo tổ chức việc cưới, tang, lễ hội nhằm giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống và thực hiện nếp sống văn minh. Nhiều địa phương đã phát huy tốt vai trò tích cực của tộc họ trong việc tham gia xây dựng đời sống văn hóa và phong trào hiếu học. Kết quả thực hiện phong trào đã góp phần bài trừ tệ nạn xã hội, giữ ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân”, ông Tân nói.

Tại địa bàn xã Hòa Tiến, một số quy định của hương ước, quy ước được lồng ghép vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, trước đây khi nhà có người thân qua đời, đến 49 ngày, 100 ngày hoặc giỗ đầu… đều phải làm cỗ trả hiếu linh đình thì nay lễ trả hiếu được tổ chức gọn trong phạm vi gia đình, dòng họ. Khi gia đình có đám tang đều không để quá 72 giờ; ai nấy đều ý thức không mở nhạc quá lớn, quá thời gian quy định. Ông Ngô Ngọc Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Tiến cho hay, để phát huy vai trò của tộc họ trên các lĩnh vực giáo dục truyền thống đạo đức, phẩm chất nhân cách cho các thế hệ, giữ gìn nền nếp gia phong, phát huy hết khả năng, vai trò cá nhân – gia đình – dòng tộc cùng với làng xã xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Tiến đã ban hành bộ quy ước chung để các Hội đồng gia tộc vận dụng xây dựng tộc ước của gia tộc mình.

Theo ông Lê Viết Tân, cán bộ phụ trách Văn hóa xã Hòa Phước, văn hóa dòng họ là truyền thống lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang tính văn hóa cổ truyền, quy tụ con cháu trong dòng tộc truyền bá và giữ gìn lễ giáo gia phong, nhân – nghĩa – trí – tín, dù trải qua hàng ngàn năm lịch sử nhưng không làm mai một, mà chọn lọc tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Vì vậy, khi triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”), nhiều tộc họ hưởng ứng tích cực. Các phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan” được các hội đồng gia tộc quan tâm chú trọng, nhiều tấm gương sáng, điển hình được biểu dương trong cộng đồng và tộc họ để con cháu noi gương…

Quỳnh Trang

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202102/gin-giu-net-xua-net-dep-van-hoa-lang-3876985/

Cùng chuyên mục