Nát rượu: Có lối thoát?

Liên tiếp nhiều vụ thảm án có tác nhân từ rượu làm dư luận khiếp sợ. Nhưng khi vụ việc qua đi, người ta vẫn cứ lao đầu vào nó. Nát rượu, thực sự có lối thoát?

Từ môi trường lấy rượu làm vui

Phụ nữ ở làng Thanh quê tôi (Văn Lâm, Hưng Yên), đang bảo nhau tìm chồng nơi khác. Hoặc thậm chí nếu không tìm được người đàn ông tử tế ở Việt Nam, thì tìm ở Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mĩ,… Vậy tại sao phụ nữ làng tôi lại khó tìm được đàn ông tử tế làm chồng?

Đàn ông tử tế là gì? Nếu như những phụ nữ trí thức có một dãy tiêu chí, nào là kiếm nhiều tiền, ga – lăng, đẹp trai, lãng mạn, chăm lo vợ con, tặng hoa cho vợ ngày sinh nhật, tặng nhẫn kim cương đính hôn… thì phụ nữ làng Thanh chỉ đưa ra một tiêu chí nghe thật thương tâm: không bị ma men bắt!

Một buổi chiều, tôi đến thăm cô em họ, tên K.H, là giảng viên một trường đại học, nhưng lại sống ở làng Thanh và lấy chồng người làng. Chồng em cũng là một người thuộc hàng sáng giá trong làng, đã học cao học ở Trung Quốc về và sắp lấy bằng tiến sĩ. Khi đến nhà, tôi thấy V. cậu em rể đang bí tỉ trên chiếu, chén chú chén anh với ba người đàn ông khác trong xóm. K.H lắc đầu bảo, họ uống từ ban trưa, tới bây giờ là bốn giờ chiều…

Tôi rùng mình, V. – một gã trí thức sắp lên bậc tiến sĩ ngành kinh tế, giảng viên đại học đàng hoàng, mà cũng nát rượu, suốt ngày tháng dìm mình trong hơi men? K.H giải thích, rằng đàn ông dù học cao tài rộng đến mấy, mà sống trong làng, rồi sớm muộn cũng sẽ bị nàng “tiên tửu” lôi kéo và dìm chết chìm trong rượu, phá nát gia đình.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Putin nói, vodka đang phá hủy những bộ não Nga. Thì tại làng Thanh này, “quốc lủi” cũng đang vùi lấp nhiều gia đình. Chị Tìu ở làng Thanh, mỗi buổi chiều muộn thường tránh về nhà bởi sợ bị chồng đánh. Chồng chị là anh N. – hàng ngày làm thuê, cuối ngày lĩnh tiền công đút túi, lao thẳng đến quán rượu. Hôm nào cũng chừng 9 giờ tối, bét nhè, anh trở về nhà, “súc miệng” bằng một “trường ca” chửi vợ, hoặc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay nện vợ.

Đến hệ lụy tàn khốc

“Phá gia bại sản” là kết cục tất yếu của những người đàn ông bị ma men bắt vía ở làng Thanh. Tiền của tự nguyện dâng nộp hết cho “tiên tửu”, nhưng thói thường, càng uống càng nghiện, càng nghiện càng uống, và tiền tự kiếm không đủ, những gã say mất hết lòng tự trọng, tìm cách “xoáy” tiền của gia đình. Chị Tìu một buổi đi làm về, mở tủ lấy tiền để trả cho thợ lợp mái tôn, thì khoản tiền 12 triệu đồng chị cất trong tủ không cánh mà bay. Nhà vẫn khóa chặt và tủ cũng khóa mà tiền biến mất, chỉ có “tiên tửu” mới có phép lạ như thế. Chị Tìu giận chồng quá, chờ anh N. về nhà gặng hỏi, khóc lóc, thì lại bị anh đánh gãy tay, phải nhập viện.

Không chỉ tàn phá hạnh phúc, cơ nghiệp gia đình, những ma men ở làng Thanh còn sớm về với Diêm Vương bởi bệnh nan y: ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư phổi… Việc ma men “kết hôn” với ung thư khiến nhiều đàn ông làng Thanh ra đi sớm. Mà chưa cần đợi “bác ung thư” lẻn đến bất ngờ, họ còn đón cái chết từ trên trời rơi xuống. Một bữa, uống rượu say bí tỉ trong một đám cưới, anh H. đi xe máy về nhà, trên đường, anh lao thẳng vào một xe tải chở hàng và bất tỉnh mãi mãi. Người làng an ủi vợ anh H., rằng dù sao, H. chết khi vừa no say rượu thịt, xuống âm phủ làm con ma no chứ không bị đói!

Với những người nghiện rượu, thì lời khuyên nhủ của vợ, hay bác sĩ cảnh báo về cái chết, thậm chí là bị tẩy chay, như trường hợp các cô gái trẻ hiện nay ở làng Thanh không muốn lấy chồng làng, thì cũng chẳng mảy may khiến họ thay đổi.

Cần một môi trường tốt đủ mạnh

Vậy có cách nào cứu vớt cuộc đời của những gã nghiện rượu? Bởi ma men không chỉ tàn phá họ, mà còn làm hỏng tinh thần của vợ con họ, làm suy yếu quốc gia. Gia đình chỉ khuyên nhủ thì không hiệu quả, bởi kẻ nghiện vẫn sống trong môi trường nhiều người nghiện rượu như mình, đến giờ “nâng lên đặt xuống” là lại theo thói quen tìm đến rượu. Không tìm đến thì “đồng đội” cũng lôi đến, trốn đằng trời. Bạn bè sống chết có nhau!? Những người vợ có chồng nghiện rượu dường như đã tuyệt vọng và phó mặc số phận chồng mình, gia đình mình cho ma men quyết định. Họ chẳng tin rằng trên đời lại có phép thánh nào đó cứu được gia đình mình, tiệt nọc ma men.

Nhưng có một câu chuyện lạ đang xôn xao ở làng Thanh trong những ngày vừa qua, về người đàn ông nát rượu, phá nát gia đình, đã được đưa vào một trung tâm để thực hiện liệu trình giáo dục cải tạo. Đó là trường hợp của anh Vinh Nát (nát rượu) tại thôn Động Giã (xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Anh Vinh mới bốn hai tuổi, đã có cháu ngoại, mà vẫn bị dân làng gọi là “thằng” chỉ vì suốt ngày lè nhè, sống không ra sống, chết chẳng ra chết. Vô phương cứu chữa, người nhà buộc phải đưa anh vào Trung tâm giáo dục hòa nhập cộng đồng với một hy vọng mỏng manh. Thật bất ngờ, chỉ sau chưa đầy một tháng rèn luyện kỹ năng đặc biệt tại trung tâm, anh Vinh Nát đã bỏ được rượu, bỏ hút thuốc, và khi “tiên tửu” phải rời xa, anh trở lại là chính mình, với ước nguyện lành mạnh, là được trở thành một thầy giáo huấn luyện cho trẻ tự kỷ ở chính trung tâm này. Từ “thằng” chuyển hóa thành “thầy”, thực là một cuộc đổi đời ngoạn mục.

Tiến sĩ Phan Quốc Việt – người sáng lập trung tâm khẳng định có 2 điều kiện tiên quyết để cải tạo con người: “Chỉ có thói quen tốt đủ mạnh, mới đè bẹp được thói quen xấu, chỉ có cộng đồng tốt đủ mạnh mới lấn át được cộng đồng xấu.”

Những người lớn, dù đã là chủ gia đình, mà bị ma men cướp mất phần hồn, trở thành kẻ đọa đày chính những người thân của mình, cũng cần đến một liệu trình giáo dục cải tạo nghiêm túc. Trường hợp cai nghiện rượu thành công kỳ lạ của anh Vinh Nát vừa qua, lại nhen lên tia hy vọng cho những người vợ đã tuyệt vọng vì chồng nghiện rượu nặng. Vậy mới thấy, sống thì không khó, nhưng rèn luyện làm người mới khó biết bao nhiêu!

Kiều Bích Hậu

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

 

Cùng chuyên mục