Năng lượng là tương lai
Đã đến lúc người dân Việt Nam cân nhắc đầu tư cho các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.
“Khi cha mẹ tôi ở Đức xây nhà 3 năm trước, chỉ riêng hệ thống cửa đã chiếm 30% tổng đầu tư của căn nhà. Ở đây, chi phí này chưa đến 10%”, ông Kolja Schneider, Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Aluplast, so sánh về chi phí xây dựng ở Đức so với Việt Nam.
Sự khác biệt lớn đến từ vật liệu sử dụng ảnh hưởng đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả hay tiết kiệm năng lượng và một phần đến từ tâm lý. Tại Đức, một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về lối sống thân thiện với môi trường, luật pháp quy định những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về năng lượng đối với nhà ở và các tòa nhà. Bên cạnh đó, tâm lý xây nhà để truyền cho vài thế hệ đã khiến họ chi tiêu mạnh trong lúc đầu tư ban đầu, bao gồm cả những công nghệ tốt nhất, để rồi tận hưởng những hóa đơn điện thấp sau này và cả một môi trường xanh sạch. Hầu như trái ngược với tâm lý ở các nước Đông Nam Á đang phát triển như Việt Nam.
Các nước đang phát triển được dự báo chiếm 87% trong tổng nhu cầu điện tăng thêm của thế giới vào năm 2030. Nhiều quốc gia không thích khái niệm bảo tồn năng lượng và hiệu quả và đặt ưu tiên đảm bảo tăng trưởng kinh tế, sau đó mới đối phó với tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hiệp Quốc (UN-ESCAP) cho rằng: “Chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả không chỉ cho phép các quốc gia đang phát triển đạt được mục tiêu tiêu thụ năng lượng thấp hơn nhiều, mà còn cho phép họ cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời để dành nguồn nhân lực và tài chính cho các khía cạnh khác của phát triển xã hội như giáo dục và y tế”.
Ước tính việc sử dụng năng lượng hiệu quả có thể đóng góp đến một nửa lượng giảm tiêu thụ cần thiết để giảm mạnh phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Đối với quốc gia đang theo đuổi an ninh năng lượng và chuyển sang nền kinh tế carbon thấp, thì sử dụng năng lượng hiệu quả là cách dễ thực hiện nhất.
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) xác định một khoản đầu tư từ 1-4% của đầu tư toàn ngành năng lượng vào hiệu quả năng lượng có thể đáp ứng tới 25% mức tiêu thụ năng lượng dự kiến tại các nước châu Á đang phát triển vào năm 2030. Đổi lại, khoản đầu tư này có thể làm giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu như dầu, khí và than đá như trường hợp của Việt Nam. Tóm lại, việc triển khai mạnh mẽ hiệu quả năng lượng có thể giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng năng lượng hiện có, đồng thời giảm khí thải và các chất ô nhiễm khác gây hại cho chất lượng không khí và góp phần làm biến đổi khí hậu.
Tại một hội nghị bàn về các giải pháp năng lượng cho Việt Nam, ông Yoon Young Kim, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam, cho biết, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao về lâu dài, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần có phương án quản lý năng lượng hiệu quả. Quản lý năng lượng tốt cũng là cách để Việt Nam tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vì các nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn có nguồn năng lượng an toàn, hiệu quả, bền vững và ổn định tại Việt Nam để thực hiện các dự án của họ.
Cho đến năm 2015, Đài Loan nhập khẩu 98% nguồn năng lượng, trong đó 90% là năng lượng hóa thạch, vì vậy họ cho rằng cần phải lên kế hoạch cho một tương lai carbon thấp. Đài Loan đặt mục tiêu giảm 50% năng lượng tiêu thụ trên mỗi đồng USD thu được. Mục tiêu đó được hỗ trợ bởi quy định đặt ra giới hạn tiêu thụ năng lượng cho ngành công nghiệp và chỉ định rằng chỉ có thể sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, luật quy định các tòa nhà mới phải được cách nhiệt và đáp ứng tiêu chuẩn năng lượng cao hơn tiêu chuẩn tương đương ở Mỹ.
“Điều thú vị là khi luật pháp quan tâm đến môi trường, thì thứ đắt nhất sẽ trở nên rẻ nhất”, ông Kolja Schneider, thuộc Aluplast, nói. Trong điều kiện như Việt Nam, những sản phẩm đến từ các quốc gia EU như Aluplast có chi phí cao hơn so với các sản phẩm tương tự đến từ đại công xưởng của thế giới là Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Đài Loan ban hành các luật về tiết kiệm năng lượng trong đó quy định các tiêu chuẩn, họ trở thành lựa chọn khi các sản phẩm từ Trung Quốc để có chất lượng tương đương thì giá sẽ cao hơn rất nhiều.
Không chỉ Đài Loan nhận ra sự quan trọng của năng lượng hiệu quả cho cả môi trường và nền kinh tế. Tại quê hương của ông Kolja, các nhà lãnh đạo EU đã đồng thuận gia tăng sử dụng năng lượng hiệu quả ít nhất 27% vào năm 2030.
Là một quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu và phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm, phải chăng đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi?
Thanh Hằng
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư