Nâng cao vị thế nữ giới

Việc chú trọng nâng cao vị thế cán bộ, công nhân viên chức, người lao động là nữ giới không chỉ góp phần phát huy năng lực, hiệu suất lao động mà còn thiết thực hành động vì mục tiêu bình đẳng giới.

Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Ảnh: Hội LHPN phường Tân Thạnh

Bình đẳng trong tham chính

Để cải thiện các chỉ số về công tác cán bộ nữ trong nhiệm kỳ đến, bên cạnh sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, đòi hỏi nữ giới phải không ngừng cố gắng để xóa bỏ những rào cản và kịp thời đáp ứng những yêu cầu đặt ra.

Công tác cán bộ nữ cần sự quan tâm, nỗ lực từ nhiều phía. Ảnh: V.A

Chuyển biến

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ, nhất là Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, Nghị quyết 11 xác định “Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”.

Tại Quảng Nam, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch,… nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ, công tác cán bộ phụ nữ và bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X); ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 12.8.2016, trong đó có nội dung yêu cầu thực hiện việc bố trí ít nhất 1 lãnh đạo nữ trong các cơ quan, đơn vị có từ 30% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là nữ trở lên; bố trí tăng thêm 1 chức danh phó giám đốc sở và tương đương là cán bộ trẻ, ưu tiên nữ (ngoài số lượng theo quy định); thực hiện luân chuyển cán bộ nữ để đào tạo cán bộ trong thực tiễn; bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ không dưới 15% trong quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ban lãnh đạo chính quyền các cấp; trong cơ cấu cán bộ lãnh đạo phải quy hoạch có cán bộ nữ…

Theo số liệu thống kê đến gần cuối năm 2019, tổng số cán bộ, công chức, viên chức nữ toàn tỉnh là 15.350 người (chiếm tỷ lệ 56,3%). Nữ cán bộ tham gia cấp ủy 3 cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỷ lệ 12,8% (cấp tỉnh 7,14%, cấp huyện 13,4%, cấp xã 17,87%); nữ đại biểu HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, tỷ lệ 22,2% (cấp tỉnh 20%, cấp huyện 23,67%, cấp xã 23,04%)…

Bà Trương Thị Lộc – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, qua so sánh cho thấy tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý ở Quảng Nam có sự gia tăng hằng năm. Đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, hoạch định các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội và triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ Hội LHPN trẻ giữ các chức danh trưởng, phó phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành ở tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố hiện tại là nguồn để quy hoạch các chức danh chủ chốt của tỉnh…

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong chính trị, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã cụ thể một số mục tiêu như: phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt 25% trở lên, nữ đại biểu HĐND các cấp đạt 35 – 40%. Các cơ quan đơn vị có tỷ lệ nữ 30% trở lên nhất thiết phải có lãnh đạo chủ chốt là nữ…

So sánh với thực tế hiện nay ở Quảng Nam, để thực hiện đảm bảo những mục tiêu như trên là việc không hề đơn giản. Ở góc độ là cán bộ Hội LHPN, bà Vũ Thanh Loan – Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Ninh cho rằng, bên cạnh quyết tâm chính trị của các cấp ủy đảng cùng quan điểm chỉ đạo nhất quán trong tổ chức thực hiện, chính bản thân nữ công chức, viên chức cần có sự nỗ lực để hoàn thiện, khẳng định trình độ, năng lực của bản thân để đáp ứng các yêu cầu của tổ chức đặt ra về công tác cán bộ.

Theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh, những năm qua, các cấp hội đã làm tốt công tác tham mưu trong quy hoạch, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cho cán bộ hội. Nhờ đó, đến nay đội ngũ cán bộ hội chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở đã đạt chuẩn chức danh theo quy định. Từ năm 2016 đến nay, cán bộ hội các cấp luân chuyển điều động 26 người (cấp tỉnh 1; cấp huyện 7; cấp xã 18) tham gia vào các cơ quan Đảng, HĐND, UBND, Mặt trận, đoàn thể. Hiện nay, các địa phương từ cấp cơ sở đến cấp huyện đã tập trung chuẩn bị tốt cho công tác đại hội đảng các cấp. Trong đó, công tác nhân sự là một trong những khâu quan trọng quyết định đến thành công của đại hội cũng như việc thực hiện các mục tiêu phát triển trong 5 năm đến.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng khi làm việc về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng cũng luôn lưu ý Ban Thường vụ các huyện về cơ cấu nhân sự cho đại hội, đặc biệt là tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025. Theo đó, phải phấn đấu cơ cấu nữ trong cấp ủy không dưới 15%. Muốn vậy, Ban Thường vụ phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong quá trình thực hiện đề án nhân sự; tuyệt đối không được cơ cấu theo kiểu… “đưa vào cho có”.

Liên quan đến công tác cán bộ nữ, Chỉ thị số 45-CT/TU, ngày 31/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII” đã xác định về cơ cấu cán bộ nữ trong cấp ủy, ủy viên thường vụ nhiệm kỳ đến như sau: phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy khóa mới…

Áo dài với văn hóa công sở

Hưởng ứng hoạt động “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, các cấp Hội LHPN tỉnh, ban nữ công các cơ quan, đơn vị, ban ngành, các tổ chức – xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đồng loạt triển khai nhiều hoạt động nhằm tôn vinh áo dài truyền thống.

Cán bộ, hội viên phụ nữ Đại Lộc hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” gắn với văn hóa công sở. Ảnh: CTV

Cuộc thi ảnh “Nét đẹp áo dài Việt Nam” năm 2020 trong cán bộ hội cơ quan chuyên trách cấp tỉnh do Hội LHPN tỉnh tổ chức đã có sức lan tỏa sâu rộng. Cuộc thi được phát động từ đầu tháng 2/2020 và tổng kết trao giải vào đúng dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Song trên thực tế, Hội LHPN tỉnh quy định cán bộ hội đến công sở làm việc mặc đồng phục áo dài vào ngày thứ Hai hàng tuần và hoạt động này được duy trì từ năm 2019 đến nay, được các đồng chí lãnh đạo, sở ngành đánh giá cao và cán bộ cơ quan đồng tình hưởng ứng.

Theo lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, hưởng ứng Tuần lễ áo dài, Tỉnh hội đã đề nghị Hội LHPN 9 huyện, thị xã, thành phố vùng đồng bằng và các đơn vị phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, viên chức, lao động nữ trên địa bàn tỉnh mặc áo dài trong các hoạt động ở công sở, trường học, đơn vị, các sự kiện trong gia đình, xã hội.

Một trong những điểm nhấn dịp kỷ niệm 8/3 năm nay là Hội LHPN tỉnh tổ chức cuộc thi ảnh Nét đẹp áo dài Việt Nam, diễn ra trong toàn thể cán bộ, hội viên cấp tỉnh, huyện, các cơ quan, ban ngành. Cuộc thi góp phần khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa áo dài Việt Nam trong mỗi phụ nữ, người dân.

Tuần lễ áo dài ở Quảng Nam tạo được sự lan tỏa với gần 1.000 ảnh áo dài đẹp của phụ nữ trong tỉnh gửi lên trang Facebook Phụ nữ Quảng Nam. Tại Hội An, cuộc thi ảnh online với chủ đề “Áo dài phố Hội” do Hội LHPN TP.Hội An tổ chức (website phunu.hoian.gov.vn và fanpage Phụ nữ Hội An), đã nhận được gần 370 ảnh dự thi áo dài công sở, dự kiến sẽ tổng kết trao giải cuộc thi vào cuối tháng 3/2020.

Tại Đại Lộc, mặc áo dài không chỉ được nữ cán bộ các cơ quan, đơn vị, ban ngành hưởng ứng trong “Tuần lễ áo dài” chào mừng sự kiện 8.3. Trên thực tế, việc mặc áo dài trong các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần, các cuộc hội họp, lễ kỷ niệm, lễ tổng kết gần như đã trở thành nếp, thành lệ của phụ nữ công chức, viên chức.

Theo bà Nguyễn Thị Mừng – Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Lộc, Hội LHPN huyện đã khuyến khích 100% cán bộ nữ mặc trang phục áo dài đi làm vào ngày thứ Hai hàng tuần. Đặc biệt giờ chào cờ đầu tuần, 100% hội viên phụ nữ đều mặc áo dài dự lễ, tạo nét đẹp chốn văn hóa công sở. Chị Trần Thị Bích Liễu (Trung tâm Văn hóa – thể thao và truyền thanh – truyền hình huyện Đại Lộc) chia sẻ, không thể phủ nhận chiếc áo dài góp phần làm cho phụ nữ tự tin, tôn vinh nét đẹp dịu dàng, điều mà các trang phục khác không có được.

Được biết, nhiều cơ quan, đơn vị ở Đại Lộc yêu cầu mặc áo dài đồng phục, song cũng có những cơ quan không quá khắt khe, chỉ khuyến khích cán bộ, hội viên phụ nữ mặc áo dài truyền thống, trang trọng, nền nã. Áo dài cũng được nhiều chị em làm nghề tự do chọn mặc dịp này. Chị Trương Thị Mộc Lan (xã Đại Nghĩa) chia sẻ thêm: “Tôi làm kinh doanh, ít cơ hội mặc áo dài nhưng tôi rất thích và đam mê áo dài. Vì vậy, mỗi khi biểu diễn văn nghệ phong trào ở địa phương, tôi đều chọn áo dài”.

Việc tôn vinh áo dài truyền thống cũng được khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ, điển hình như VNPT Chi nhánh Quảng Nam, Bưu điện tỉnh, Điện lực Quảng Nam… Chị Nguyễn Thị Hoàng Phượng – Công đoàn Công ty Điện lực Quảng Nam chia sẻ: “Ban nữ công thường xuyên đề xuất công ty hỗ trợ nữ cán bộ may áo dài đồng phục. Dịp 8.3 này, mỗi nữ cán bộ công ty và các đơn vị trực thuộc được hỗ trợ may một áo dài đỏ mặc tại lễ kỷ niệm”.

Chăm lo đời sống lao động nữ

Thực hiện Nghị quyết số 6b của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nữ lao động (LĐ) của Quảng Nam đã được quan tâm nhiều mặt.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cùng LĐLĐ tỉnh tặng hoa chúc mừng đại diện chị em phụ nữ nhân ngày 8/3. Ảnh: D.L

Trình độ cán bộ nữ ngày càng cao

Trong 10 năm qua, Nghị quyết 6b ngày 29/1/2011 về “Công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của Tổng LĐLĐ Việt Nam được cụ thể hóa hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Trong 10 năm qua, cán bộ nữ đã được quan tâm nhiều mặt. Việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước và tham gia các lớp bồi dưỡng khác ngày càng tăng, trình độ, năng lực cán bộ nữ được nâng lên rõ rệt, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác chuẩn hóa theo chức danh”.

Công đoàn Viên chức tỉnh hiện nay có 2.151/4.923 CBCCVC là nữ (tỷ lệ 43,7%), sinh hoạt ở 73 công đoàn cơ sở (CĐCS). Bà Nguyễn Thị Thủy – Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh khẳng định đây là lực lượng LĐ quan trọng, tham gia tích cực vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đồng thời cũng là lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ toàn tỉnh.

Bà Thủy thông tin: “Số nữ CBCCVC giữ chức vụ chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị là 26 chị; giữ các chức vụ trưởng, phó phòng và tương đương là 315 chị; số đảng viên nữ là 1.070/2.712 chị (chiếm tỷ lệ 40%). Trong đó, nữ CBCCVC tham gia cấp ủy tỉnh là 3 chị, số nữ CBCCVC tham gia HĐND cấp tỉnh là 8 chị. Hiện nay, 10 chị có trình độ tiến sĩ, 435 chị có trình độ thạc sĩ, 1.552 chị có trình độ đại học và cao đẳng, 184 chị có trình độ trung cấp. Các chị luôn chủ động học hỏi nâng cao trình độ và chất lượng, hiệu quả công việc, thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, tích cực hưởng ứng cuộc vận động cán bộ công chức viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, góp phần xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh”.

Chăm lo LĐ nữ

Với nữ LĐ làm việc trong các doanh nghiệp (DN), chủ sử dụng LĐ đã quan tâm nhiều mặt. Số lượng DN đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị ngày càng nhiều, các chính sách cho LĐ, đặc biệt là LĐ nữ được quan tâm, giảm đáng kể yếu tố nguy hiểm, độc hại. Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào thi đua “LĐ giỏi, LĐ sáng tạo” được CĐCS vận động nữ LĐ đăng ký. Có nhiều đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng đóng góp cho sự phát triển của DN, làm lợi trên hàng trăm triệu đồng. Các đơn vị có nhiều sáng kiến do nữ CNLĐ đem lại có thể nói đến như CĐCS Công ty CP Đồng Tâm Miền Trung, giày Rieker Việt Nam, VBL Quảng Nam, CCI Việt Nam.

Theo LĐLĐ tỉnh, hiện nay 80% các DN có tổ chức công đoàn bảo đảm có buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế, có tổ chức cho LĐ nữ được khám sức khỏe định kỳ; 100% CĐCS có kế hoạch phối hợp với DN đưa ra các giải pháp để LĐ nữ có việc làm thường xuyên. Nhiều địa phương, ngành đã có những hình thức đa dạng hóa công tác đầu tư xây nhà trẻ, mẫu giáo, vận động DN hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho LĐ nữ…

Dự án Chăm sóc sức khỏe mắt cho công nhân LĐ do Quỹ Fred Hollows hỗ trợ với số tiền trên 2 tỷ đồng, thực hiện tại Công ty giày Rieker Việt Nam từ tháng 3.2017 đến tháng 12.2019, hơn 9.000 nữ LĐ được hưởng lợi từ dự án. Các quỹ “Mái ấm tình thương”, “Vì đồng nghiệp”, phong trào góp vốn quay vòng, nuôi heo đất có gần 2.000 tổ, với tổng số tiền trên 25 tỷ đồng. Quỹ “Vì nữ CNVCLĐ nghèo” của LĐLĐ tỉnh luôn được duy trì với tổng số tiền hiện nay là 830 triệu đồng để trợ giúp nữ CNVCLĐ. Chương trình “Mái ấm công đoàn” sau 10 năm thực hiện, các cấp công đoàn đã huy động gần 22 tỷ đồng, hỗ trợ gần 19 tỷ đồng để xây mới 574 nhà và sửa chữa 21 nhà cho gia đình công nhân LĐ, trong đó LĐ nữ được hưởng lợi từ chương trình chiếm tỷ lệ trên 55%.

Đến dự hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 6b và Chỉ thị số 03 ngày 18.8.2010 về “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng ghi nhận những kết quả mà các cấp công đoàn đã thực hiện cho LĐ nữ trong thời gian qua. Bên cạnh đó, đồng chí Lê Văn Dũng vẫn còn trăn trở khi cơ cấu cán bộ nữ còn ít so với yêu cầu đặt ra. Để khắc phục vấn đề này, đồng chí Lê Văn Dũng đề nghị các cấp công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nữ giới về vai trò, vị trí của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay, nâng chất lượng nguồn nhân lực nữ; tham gia tích cực vào các phần việc chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp tiến đến Đại hội Đảng bộ tỉnh; tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần giúp LĐ nữ yên tâm làm việc, công tác, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Diễm Lệ – Tâm Đan – Hoàng Liên

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/xa-hoi/nang-cao-vi-the-nu-gioi-85210.html

Cùng chuyên mục