Nam Trà My: Thoát nghèo nhờ cây dược liệu

Từ những cơ chế hỗ trợ đồng bộ cùng với nỗ lực của người dân, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Nam Trà My bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho nhiều hộ, nhóm hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ rừng.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh thăm trại sâm giống Ngọc Linh. Ảnh: C.N
Đoàn giám sát HĐND tỉnh thăm trại sâm giống Ngọc Linh. Ảnh: C.N

Khai thác tốt tiềm năng

Các nghị quyết của HĐND tỉnh ra đời liên quan đến quy hoạch, bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, cây quế Trà My cũng như phát triển các dược liệu trên địa bàn tỉnh đã tạo đòn bẩy quan trọng cho huyện Nam Trà My đẩy nhanh việc phát triển cây dược liệu, đảm bảo theo quy hoạch được duyệt. Các loại cây dược liệu sinh trưởng, phát triển khá tốt, cơ cấu cây trồng cũng có sự thay đổi theo hướng tăng quế Trà My, sâm Ngọc Linh và nhiều loại dược liệu khác: giảo cổ lam, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, đương quy, chè dây, sơn tra…

Theo thống kê, trong 3 năm (2016 – 2018), từ nguồn vốn Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh, đã có 570 hộ ở Nam Trà My được hỗ trợ với diện tích hơn 79ha trồng cây sa nhân tím và cây đẳng sâm với kinh phí hơn 2.100 tỷ đồng. Nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 cũng đã triển khai hỗ trợ cho nhân dân trên địa bàn Nam Trà My trồng các loại cây dược liệu với kinh phí 2.900 triệu đồng. Người dân cũng đã tự phát triển gần 15ha cây dược liệu mỗi năm, giúp diện tích cây dược liệu ngày càng được mở rộng.

Đặc biệt, theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh, đã có hơn 32.000 cây sâm giống Ngọc Linh được hỗ trợ cho nhân dân các xã vùng quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh gồm Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang, Trà Don, Trà Tập, Trà Dơn và Trà Leng. Đồng thời, có hơn 420ha quế Trà My được người dân trồng mới tại 9/10 xã của huyện, và dự kiến sẽ có 345ha với hơn 361.000 cây quế được trồng mới vào năm 2019.

Huyện Nam Trà My cũng phối hợp với trung tâm lâm sản ngoài gỗ triển khai lựa chọn 30 cây quế đầu dòng, xây dựng vườn giống quế chuyển hóa với 10ha để lấy hạt làm giống, đồng thời tiến hành xây dựng vườn giống quế gốc với quy mô 5ha nhằm duy trì, phát triển nguồn gen quế địa phương, bảo vệ thương hiệu cây quế Trà My.

Ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, ngoài nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trên địa bàn cũng đã tập trung phát triển diện tích trồng cây dược liệu. Theo thống kê, nhân dân tự trồng hơn 2.700ha quế, 250ha cây dược liệu khác. Riêng đối với cây sâm Ngọc Linh, năm 2014, từ chỗ số hộ trồng sâm chỉ khoảng hơn 100 hộ, đăng ký với diện tích 65ha thì nay đã phát triển tại 7 xã, hình thành 47 chốt trồng sâm với 1.200 hộ dân, hơn 1.600ha trồng sâm Ngọc Linh. Nhà nước chỉ hỗ trợ gần 41.000 cây với diện tích khoảng 2ha, diện tích còn lại nhân dân tự trồng, cho thấy sự quyết tâm của người dân trong việc phát triển cây dược liệu, phát huy tốt tiềm năng của địa phương.

Cần phát triển lâu dài, bền vững

Để bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn, huyện Nam Trà My vận động nhân dân theo hướng chọn mỗi thôn từ 5 – 7 hộ trồng thí điểm các cây dược liệu như đẳng sâm, đương quy, lan gấm, đinh lăng, sơn tra, giảo cổ lam…, nếu hiệu quả thì nhân rộng ra các hộ khác. Cấp xã tuyên truyền, vận động và lập danh sách các hộ đăng ký trồng cây dược liệu (ưu tiên cho các hộ đăng ký thoát nghèo) gửi ngành chuyên môn kiểm tra điều kiện. Sau đó, cán bộ của huyện sẽ kết hợp với các cơ quan, đơn vị được giao giám sát địa bàn để xuống hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Việc hỗ trợ kinh phí chỉ thực hiện sau khi tổ chức kiểm tra, nghiệm thu để tránh tình trạng hình thức, làm qua loa, “chạy chính sách”. Ngoài ra, địa phương cũng đã vận động các hộ dân vay vốn từ nguồn tín dụng ưu đãi để trồng cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh.

Theo ông Mẫn, qua đánh giá tình hình cây dược liệu theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh gồm đẳng sâm và sa nhân, cây có tỷ lệ sống từ 60 – 85%, tỷ lệ cao nhất ở các xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang. Hiện nay, có nhiều hộ thuộc diện hộ nghèo đã vươn lên thành hộ khá nhờ trồng cây dược liệu. Hàng tháng, phiên chợ sâm Ngọc Linh do UBND huyện tổ chức giúp người dân tiêu thụ bình quân 500kg sản phẩm dược liệu các loại. Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện cũng đã tổ chức thu mua sản phẩm thô của người dân, sau đó sơ chế, đóng gói cung cấp ra thị trường. Mỗi năm, người dân bán ra thị trường gần 6 tấn dược liệu các loại, góp phần quan trọng tăng thu nhập vì giá trị của các sản phẩm dược liệu ngày càng cao. Nam Trà My có 2 sản phẩm đăng ký dự thi OCOP cấp tỉnh và đều đạt 3 sao gồm trà giảo cổ lam và trà túi lọc khổ qua rừng. Riêng cây quế Trà My mỗi năm bán ra khoảng 300 tấn, gần đây đã có công ty đăng ký bao tiêu sản phẩm.

Đánh giá cao những nỗ lực của địa phương trong việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, thời gian tới, Nam Trà My cần tập trung cho các sản phẩm dược liệu đã có thị trường ổn định, bám sát quy hoạch được duyệt để tính toán chiến lược cho từng sản phẩm cụ thể.

Hiệu quả của chính sách hỗ trợ là đáng ghi nhận, tuy nhiên cần hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững, kích thích tinh thần vượt lên làm giàu từ cây dược liệu. Đồng thời, cũng cần rà soát lại quy hoạch, lấy ý kiến người dân để có những kiến nghị điều chỉnh thích hợp, để cây dược liệu thực sự trở thành một trong nhiều đòn bẩy giúp đồng bào miền núi Nam Trà My thoát nghèo” – ông Nguyễn Hoàng Minh nói.

Thành Công – A.Lăng Ngước

Theo Quảng Nam Online

 

Cùng chuyên mục