Nam Phước, một mùa sen gây thương nhớ

Tôi đã có dịp được ngắm nhiều hồ sen, ruộng sen, nhưng chưa khi nào được nhìn thấy sen nhiều và rộng mênh mông, kéo dài đến tận chân núi như thế này…

Nam Phước là một thị trấn nhỏ ven quốc lộ 1A đi qua miền Trung, thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Khách từ Đà Nẵng vào, từ TPHCM  ra đi ngang đây chủ yếu vì nằm trên  con đường dẫn đến một địa danh  du lịch nổi tiếng từ lâu : thánh địa Mỹ Sơn. Khách đi qua nhiều khi chỉ dừng chân ngắm nghía đôi chút cái thị trấn nhỏ xíu trên hành trình thăm di sản thế giới của người Chăm. Mấy ai để ý rằng  nơi đây, có một chốn thiên nhiên bao la hữu tình mà bây giờ, đang là chốn hẹn hò tìm đến của rất nhiều người.

Tờ mờ sáng dậy đi tìm sen

Tôi vào Nam Phước từ chiều ngủ nhờ nhà bạn cho sáng hôm sau có thể dậy thật sớm. Bạn bảo phải đi từ khi gà gáy để tranh thủ ngắm đồng sen khi mặt trời lên. Theo lời bạn, gã trai thường bình minh lúc 7 giờ sáng đã háo hức dậy từ 4 giờ dể chuẩn bị lên đường. Trong cái lạnh rất nhẹ của buổi sáng, tôi cùng nhóm bạn rồ máy xe len qua những con phố  nhỏ của thị trấn để vòng ra phía sau lưng khu vực nhà thờ Trà Kiệu, bắt đầu vào một con đường chạy  về hướng đồng sen. Con đường như trở mình thức giấc dần cùng những bánh xe chúng tôi đi qua, khi bóng tối đang tan dần theo những màn sương mỏng.  Tôi băng qua  mùi bạch đàn phảng  phất hai bên khi trời bắt đầu hưng hửng sáng, mọc dày qua những con dốc khi băng qua một cái hồ thủy điện đang lười biếng thức dậy vì lũ bò đi gặm cỏ sớm. Băng qua cái chợ quê  nhỏ xíu xiu chỉ họp từ tinh mơ đến tầm hơn 7 sáng là chợ tan. Băng qua những thửa ruộng nho nhỏ trên cánh đồng miền Trung đang mùa lúa lên xanh, mang theo hương lúa thơm thơm khiến gã trai phố thị cứ hít căng mãi lồng ngực, đến khi mặt trời ló dạng dần những tia nắng đầu ngày thì cũng vừa vặn đến những cánh đồng lúp xúp những màu xanh quen thuộc của lá sen. Không cần hỏi bạn, tôi cũng đã biết mình đã đến nơi mình cần đến.

Đồng Lớn là đây. Bởi giữa ba bề là núi non rừng già xanh um hoang vu, khoảng thung lũng  bằng phẳng ở giữa là không gian của những cánh đồng sen rộng ngút mắt. Màu xanh của lá, của đài, của nụ hoa làm nền cho những đóa sen đang mùa nở hồng , khi thì vươn thẳng cánh về hướng mắt trời, khi thì lấp ló ẩn hiện sau những chiếc lá sen dày to đang đọng sương khuya chưa tan, thành những điểm nhấn đẹp đẽ cho cánh đồng rộng lớn.

Tôi đã có dịp được ngắm nhiều hồ sen, ruộng sen, nhưng chưa khi nào được nhìn thấy sen nhiều và rộng mênh mông, kéo dài đến tận chân núi như thế này. Một cảm giác thật sáng khoái mà bình yên, trong lành của ban mai rừng núi cứ níu kéo tôi mãi với khung cảnh này. Có được những buổi sáng tinh khôi chỉ có nắng nhẹ, gió mát, những chiếc lá, cánh hoa cứ đung đưa vẫy vẫy theo gió,  hương  sen và mùi cỏ cây thức dậy sau giấc ngủ giữa những chú bò hiền lành mải mê gặm cỏ thì quả là quá xứng đáng “phần thưởng” xứng đáng cho những kẻ đã quen với “nhịp sống công sở” như tôi.

Tôi  cứ xuýt xoa, đi sớm như  vầy đem thêm một bịch  trà để bỏ vô sen bắt chước các nhà làm trà sen nhỉ. Mùi sen thơm nhè nhẹ. Tôi nhìn khách tham quan, rồi nghĩ, sao cả tiếng đồng hồ mà nhiều người vẫn cứ say sưa chụp với sen vậy. Rồi tự cười mình, ừ thì tôi cũng vậy mà. Không gian mênh mông ấy chỉ có tiếng chim hót ríu ran gần xa, tiếng rì rào của gió và tiếng lội bùn khỏa nước chậm rãi. Giữa những ruộng hoa bát ngát đó, là bóng dáng những chiếc nón lá của những người chủ ruộng đang đeo gùi trên lưng, lặng lẽ khỏa nước ruộng bước trên bùn để hái đài sen. Họ lặng lẽ nhấp nhô chiếc nón giữa muôn trùng lá và hoa, chỉ ngơi tay khi  chiếc gùi đã đầy. Sen và đài sen chỉ tranh thủ hái từ sáng sớm để kịp cho bạn hàng đem ra chợ. Một cánh đồng sen như vầy có thể cho chủ ruộng doanh thu trên dưới một trăm triệu đồng một năm. Một con số đáng kể giữa đời sống thôn quê…

Đi đồng sen thế nào?

Đồng Lớn cách thành phố Đà Nẵng khoảng 50km về hướng Tây Nam.  Từ Đà Nẵng, bạn đi theo quốc lộ 1 A  đến ngã 3 Nam Phước thì quẹo phải. Từ ngã ba Nam Phước rẽ lên đi chừng 5km sẽ thấy nhà thờ núi Trà Kiệu bên tay trái, qua khỏi nhà thờ, qua khỏi chợ Trà Kiệu rẽ trái sẽ theo con đường vào thôn Trà Lý, xã Duy Sơn. Từ Trà Kiệu vào  đến đồng lớn khoảng chừng 10km.

Ngoài ra, sau khi rời Đồng Sen, về lại thị trấn Nam Phước, bạn có thể tranh thủ ghé thăm nhà thờ Trà Kiệu, nhà thờ nổi tiếng nhất vùng này. Đây là nhà thờ có không gian và khung cảnh khá độc đáo, nằm trên một ngọn đồi nhỏ. Khi lên hết các bậc thang, sẽ có dịp ngắm nhìn khung cảnh thị xã Nam Phước chung quanh. Nếu còn thời gian, có thể tham quan thánh địa Mỹ Sơn cách đó khoảng gần 20 km.

Theo Phụ nữ TP.HCM

Cùng chuyên mục