Mùa Vu Lan, nghệ sĩ và những kỷ niệm yêu thương về mẹ

Mùa báo hiếu, mùa của những đứa con nghĩ về mẹ. Hãy nghe những chia sẻ, tâm sự của các nghệ sĩ với những kỷ niệm, dù nho nhỏ, dù buồn hay vui, nhưng đều là những nỗi nhớ lung linh về đấng sinh thành.

Nghệ sĩ Ái Như

Mẹ tôi mất đã lâu rồi. Nhưng kỷ niệm về mẹ thì một đứa con như tôi luôn nhớ. Và một trong những khoảnh khắc để nhớ nhất, là thời điểm tôi xa mẹ một thời gian dài. Đó là những năm 80, khi các anh chị tôi đều đã định cư ở Mỹ, gia đình tôi, theo dự tính, sẽ tiếp tục đi theo diện đoàn tụ cùng với mẹ. Lúc đó, tôi luôn đau đáu khi phải đứng trước sự chọn lựa, nếu ra đi, là bỏ lại tất cả, bỏ hết những ước mơ dự định của mình ở quê nhà. Tôi chọn ở lại. Mẹ tôi lúc ấy giận tôi lắm. Tôi nghĩ rằng bà sẽ không bao giờ tha thứ cho mình. Tôi không thể quên được mẹ tôi, mặc một chiếc áo dài nâu, một mình kéo va – li đi ở phi trường Tân Sơn Nhất.

May mắn thay, sau đó, mẹ tôi đã tha thứ cho tôi, cũng như cả gia đình tôi đã tha thứ, vẫn yêu thương, đùm bọc lấy tôi. Sau này, mẹ tôi về lại Việt Nam sống. Tôi biết vì nghiệp diễn của mình mà đã từng làm mẹ giận, nên khi bà nhận lời đồng ý đến sân khấu xem tôi diễn, đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của tôi. Xem xong về mẹ ân cần hỏi han tôi, đó là lúc tôi vui nhất. Niềm vui của một đứa con khi hiểu rằng, con có thể giận mẹ chứ mẹ thì chẳng bao giờ giận bỏ rơi con.

Nghệ sĩ Xuân Hương

Tuổi thơ Xuân Hương gắn liền với quê ngoại – một vùng quê giáp với Đồng Tháp Mười. Vừa học xong lớp Năm (tức lớp Một bây giờ), Xuân Hương đã phải xa má đi học ở nơi khác do chiến tranh, bom đạn. Cả năm chỉ được về với má hai lần: Tết và Hè nên lúc nào cũng nhớ má, cứ khóc hoài. Mỗi lần được về là Xuân Hương hạnh phúc lắm nhưng thời gian càng trôi đi, nỗi buồn cũng dâng theo vì biết lại sắp phải xa má. Đêm trước ngày đi học lại, Xuân Hương không ngủ được, nằm khóc len lén vì sợ má biết. Sáng sớm hôm sau, má dậy sớm, làm cho con gà luộc rồi kêu dậy ăn để chuẩn bị lên đường. Vừa thức dậy là tâm trạng tan nát hết rồi, nhai thịt gà tan lẫn với nước mắt. Xuống xuồng, má bơi ra bến xe để bà ngoại đưa đi học. Ra tới vàm, nghe tiếng súng bắn liên hồi mà lòng “mừng” khôn xiết. Mong sao cho trận đánh đừng tan để còn được ở lại thêm với má. Nhưng rồi tiếng súng cũng ngừng. Bước chân theo ngoại mà thắt ruột thắt gan, nước mắt nhạt nhòa nhìn lại hình ảnh má ngồi dưới xuồng cứ mờ dần theo nước mắt.

Đi học xa, lúc nào cũng nhớ má. Chỉ cần nghe ai đó nhắc tới chữ Má là nước mắt lại rơi. Từng chiều đi học về, nhớ tới má mà khóc, nước mắt rơi dài trên đường đi. Nhiều khi bước chân trên đường, nhìn hai bên có nhà ai đó dọn cơm trên bộ phản trước nhà, thấy người ta có cha có mẹ quây quần bên mâm cơm mà quặn lòng.

Diễn viên Võ Tấn Phát

Ở nhà, Phát thân với mẹ nhất. Người ta cũng hay nói con trai thân với mẹ mà. Lúc Phát mới tốt nghiệp cấp 3, lên Sài Gòn thi đại học, gia đình lại không có nhiều tiền nên mẹ Phát lấy sợi dây chuyền của hồi môn đi cầm để Phát có tiền đi thi. Phát còn nhớ là khi đó cầm được 3 triệu đồng. Cầm tiền trên tay mà Phát không dám xài gì nhiều, tiết kiệm dữ lắm vì biết sợi dây là kỷ niệm vô giá của mẹ nhưng mẹ đã hy sinh để mình có được số tiền đó. Đến bây giờ, tài chính cũng khá hơn nhưng lúc nào Phát cũng nhớ tới kỷ niệm đó để luôn nghĩ về tình thương của mẹ dành cho Phát.

Diễn viên Thế Hải

Kỷ niệm nhớ nhất về mẹ có lẽ là hồi năm Hải 7 tuổi, Hải với bà đưa mẹ đi sanh! Chiều hôm đó, Hải lên canh mẹ chuyển dạ ở Bảo Sanh Viện. Lúc mới vào phòng sanh, mẹ còn khỏe nhưng thai của mẹ lớn quá nên lả đi, bác sĩ phải chuyển viện gấp sang Từ Dũ. Hải phải cùng chú taxi ẵm mẹ lên xe rồi tất tả phóng sang bệnh viện. Ký ức hôm đó còn rất rõ: mẹ phải vật vã tới tận tối mới sanh được em trai Hải. Xưa còn nhỏ, cứ nghĩ đơn giản do sanh khó nên mẹ mệt thôi nhưng nếu chuyện đó xảy ra lúc bây giờ, chắc Hải sẽ hoảng dữ lắm. Nghĩ lại, thấy thiệt thương mẹ khi hình dung cảnh hồi xưa mẹ sanh mình cũng cực khổ như vậy.

 Diễn viên Bích Ngọc

Đối với Bích Ngọc, mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất. Ba Ngọc mất từ khi Ngọc chỉ mới có sáu tháng tuổi. Một mình mẹ tảo tần nuôi dạy sáu anh em Ngọc. Mẹ Bích Ngọc vốn là giáo viên nên luôn dạy con phải sống hiếu thảo, nhân nghĩa; anh em hòa thuận với nhau thì mới nên người.

Mẹ Bích Ngọc rất yêu nghệ thuật. Ngày xưa, mẹ còn mong muốn thành lập một ban nhạc anh em nên cho mỗi đứa trong nhà học một nhạc cụ như violin, sáo trúc, guitar, mandolin,… Lớn lên, cũng chính mẹ ủng hộ Bích Ngọc theo con đường nghệ thuật. Khi biết Bích Ngọc quay trở lại ánh đèn sân khấu, mẹ đã rất hạnh phúc. Mẹ cứ luôn hỏi “Con diễn vở gì? Con diễn ra sao?” rồi bảo Ngọc cho mẹ coi hình và báo viết về Ngọc. Bích Ngọc yêu mẹ mình rất rất nhiều!

Bài & ảnh: S.Trà

Theo 24hsongxanh.vn

Cùng chuyên mục