Mùa Vu Lan, đi xem Bông hồng cài áo phiên bản 2019
Sau bao năm làm “huyền thoại kinh điển” của sân khấu Sài Gòn, vở kịch Bông hồng cài áo gắn liền với tên tuổi đoàn kịch nói Kim Cương đã trở lại, trên sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh với nhiều xúc cảm khác nhau.
Bản dựng của năm 2019
So với bản dựng được biết đến nhiều nhất khi thu hình cho đài truyền hình TP. HCM của đoàn kịch nói Kim Cương năm 1991, cũng là lần hiếm hoi tác phẩm kịch này được thu hình trọn vở, thì chuyện phục trang trở lại thời hippy – thời điểm ra mắt lần đầu của vở này, là điểm khác biệt lớn nhất về mặt hình ảnh của Bông hồng cài áo năm 2019.
Hẳn nhiên, với một bản dựng lại, đạo diễn luôn có những sáng tạo so với kịch bản gốc nên Bông hồng cài áo 2019 trên sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng có những thay đổi nhất định, từ chi tiết nhỏ đến những ngụ ý, thông điệp mới. Thí dụ bà Tư, nhân vật chính bán chè bột khoai, ở phiên bản 2019 bà bán tàu hủ. Thảo, con bà Tư bị cô Út vu oan ăn cắp tiền của nội, Hiếu đứng ra nhận thay em gái lỗi này, nhưng trong bản dựng 2019 thì không. Bản dựng mới cho bà Phủ có thêm đất diễn, nhưng lại quá gấp khi chuyển đổi tâm lý từ một người bà yêu cháu hết mực chuyển sang mắng chửi cháu thậm tệ chỉ trong khoảnh khắc vì cho rằng mình bị lừa dối, dù đây là cái cớ để đẩy cao trào kịch…
Ngay cả bản nhạc nổi tiếng Bông hồng cài áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ thơ Thích Nhất Hạnh vốn luôn song hành cùng vở kịch, thì nay trong bản dựng mới, ca khúc chủ đề là một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Lời mẹ ru. Một ca khúc rất hay về mẹ, hợp nhưng hơi tiếc một chút khi giọng hát thể hiện ca khúc này không phải lúc nào cũng tạo sự đồng cảm với mạch cảm xúc của khán giả theo từng lớp kịch.
Bên cạnh đó, đạo diễn cũng đưa thêm ca khúc nổi tiếng của Joni Mitchell: Both sides now vốn được khán giả Việt yêu thích trong thập niên 70 qua chuyển ngữ của nhạc sĩ Phạm Duy với tựa Hai khía cạnh cuộc đời, thêm đất diễn cho cặp đôi diễn viên Thế Hải – Hoàng Vân Anh và cho Thế Hải phát huy thêm sở trường ca hát của mình.
Những chi tiết tình huống tưởng bình thường, nho nhỏ nhưng được đạo diễn tinh tế chọn lựa đưa vào để nêu bật chủ đề và ý đồ dàn dựng, thậm chí có phần trào lộng, như các lớp diễn về sự luân phiên ai là hột xoài và ai là con ruồi khá thâm thúy giữa cha con nhân vật Bình trong hai tình huống kịch chẳng hạn.
Xem Bông hồng cài áo có làm bạn khóc không?
Câu hỏi quan trọng nhất của khán giả khi xem vở kịch này, kể cả người từng xem hay từng nghe nói đến Bông hồng cài áo, đó là có… khóc khi xem không? Dễ hiểu thôi bởi đây là một vở diễn kinh điển của việc lấy nước mắt hàng triệu khán giả, đóng dấu ấn hết sức sâu đậm của NSND Kim Cương và đoàn kịch của mình. Có thay đổi thế nào thì nội dung kịch vẫn là câu chuyện mà công chúng đã thuộc nằm lòng về tình mẫu tử, nghĩa hiếu, đạo làm con.
Quan sát khán phòng đêm công diễn, tôi nghe có tiếng sụt sịt sau lưng nhiều lần. Nếu để khán giả khóc như thời vở diễn này làm mưa làm gió trên sân khấu kịch Kim Cương, thì e là chưa thể, nhưng vẫn có những cảm xúc rưng rưng. Và hơn hết, người ta có thể cảm nhận rõ đạo diễn Ái Như rất trau chuốt cho vở diễn này.
Cảm giác đạo diễn quá chỉn chu, tỉ mỉ chăm sóc từng chi tiết nhỏ nên đôi khi đó lại là cái khuôn mà các diễn viên luôn muốn làm tròn vai, phô diễn kỹ thuật thật tốt. Nét diễn tình cảm tự nhiên của Phương Trâm – vai cô giáo Nga còn là sự kết nối cảm xúc cần thiết giữa các nhân vật trong vở lại với nhau.
Khi dựng lại vở diễn này, hẳn đạo diễn Ái Như cũng phải đứng trước những áp lực rất lớn. Không chỉ áp lực của một đạo diễn vừa phải đảm nhận vai trò diễn viên cho vở của mình, mà lại là hai vai nặng ký nhất vở. Áp lực còn từ những người đã từng xem Bông hồng cài áo trên sân khấu và truyền hình, áp lực với những khán giả trẻ vốn hay được nghe cha mẹ, ông bà của họ nhắc đến.
Tuy nhiên, mới chỉ là suất đầu tiên, Bông hồng cài áo đến thứ 7 tuần này mới có suất diễn thứ 2 tiếp theo. Chính NSND Kim Cương khi xem phúc khảo vở diễn cũng bày tỏ, cần đo cảm xúc khán giả, nên còn phải đợi xem chính xác sự tương tác với người xem như thế nào. Nhưng bà khẳng định đây là một vở diễn được dàn dựng nghiêm túc, có tâm huyết của sân khấu Hoàng Thái Thanh.
ảm xúc có thể khác nhau, nhưng việc từng khán giả được chính diễn viên và ê kíp của sân khấu Hoàng Thái Thanh cài lên ngực áo những đóa hoa màu hồng và màu trắng, thì thông điệp của vở kịch đề cao tình mẫu tử, sau bao nhiêu năm, vẫn không hề lạc hậu giữa thời 4.0. Khán phòng tràn ngập những đóa hồng trên ngực áo khán giả là một hình ảnh đẹp, hiếm có và là chất xúc tác để cùng đồng cảm, khóc cười với một tác phẩm hay của sân khấu đã rất lâu rồi mới công diễn trở lại.
Sơn Trà
Theo 24hsongxanh.vn
Ngoài các diễn viên quen thuộc của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Bông hồng cài áo còn khẳng định sự tiếp tục gắn bó với sân khấu kịch của nghệ sĩ lồng tiếng Ngọc Bích. Đây là vở thứ hai chị tham gia diễn trên sân khấu Hoàng Thái Thanh. Đây cũng là vở đánh dấu sự tái ngộ của nghệ sĩ Xuân Hương trên sân khấu kịch sau một thời gian dài vắng bóng. Lịch diễn tháng 8 của Bông hồng cài áo lần lượt vào các ngày 11/8, 18/ 8 và 31/8/2019. |