Mù Cang Chải – Thị trấn ở lưng chừng lúa
Mùa này, dân mê du lịch nếu ra các tỉnh phía Bắc đều ưu tiên chọn những hành trình lên miền Tây Bắc. Mùa lúa chín rộn ràng đang về trên các thửa ruộng bậc thang, đang phủ trên mạng xã hội, càng lôi cuốn những bước chân thành thị…
Và Mù Cang Chải là lựa chọn hàng đầu, nơi đã nức danh trong và ngoài nước vì những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh. Mù Cang Chải đã được xếp hạng danh thắng Di tích Quốc gia, có hai mùa đẹp là mùa nước đổ vào ruộng và mùa lúa chín. Nếu như mùa nước đổ hợp nhãn dân săn ảnh hơn, thì mùa lúc chín là thời điểm bất cứ ai yêu ruộng bậc thang xứ này đều tìm đến. Đến Mù Cang Chải mùa này là đẹp nhất, khi tháng 9, tháng 10, lúa trên nương rẫy, lúa trên từng thửa ruộng đang trĩu hạt chờ tay người gặt hái.
Xứ của lúa trên triền núi và trong mây
Mù Cang Chải là huyện vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, cách thành phố Yên Bái 180km theo hướng quốc lộ 32, nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 m so với mặt biển. Đây là khu vực núi cao bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn, với nhiều dãy núi liên tiếp nhau chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Giữa các dãy núi là các khe suối thuộc lưu vực sông Hồng và sông Đà. Đến Yên Bái lên huyện vùng cao Mù Cang Chải, tôi luôn ngỡ ngàng trước cảnh núi non hùng vĩ, những bản làng thanh bình dưới thung lũng xanh hay trên đèo Khau Phạ, bên những dãy ruộng bậc thang nổi tiếng Tây Bắc.
Nét đặc thù canh tác ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Mông ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Zế Xu Phình đã biến tên Mù Cang Chải (có nghĩa là làng cây khô) thành đồi ruộng mùa màng tươi xanh sức sống, cứ từng bậc, từng bậc vươn cao lên trời. Dưới bàn tay con người trải qua hàng trăm năm, những thửa ruộng bậc thang không chỉ phản ánh một phương thức canh tác độc đáo của người dân tộc thiểu số mà còn ẩn chứa nhiều thông số thú vị về giá trị lịch sử, văn hoá. Dân số Mù Cang Chải chiếm 90% là dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Kinh, Thái và các dân tộc khác.
Sự đa dạng về dân tộc đã tạo nên cho Mù Cang Chải có một nền văn hóa phong phú. Người Thái lập bản ở vùng đồi thấp, làm lúa nước ở thung lũng. Còn lại mênh mông núi rừng hiểm trở là phần của người Mông. Canh tác những thửa ruộng giữa lưng chừng trời ấy không ai khác chính là bà con người Mông chăm chỉ và hồn hậu. Họ đã biến núi đồi vùng cao này trở thành những cánh đồng mênh mang sóng ruộng bậc thang.
Chủ nhân của những thửa ruộng trong mây ấy, người Mông, thường chỉ sống trên cao, họ xuống ruộng để trồng lúa rồi lại lên tít trên cao mà ở. Những thửa ruộng cứ từng cấp, từng cấp ôm theo triền núi đồi. Thật không thể ngờ, những tầng đất dễ dàng sụt lở của xứ Yên Bái lại có những ruộng bậc thang vững chắc và đẹp đến thế. Và có lẽ họ cũng không ngờ là sau mấy trăm năm, những thửa ruộng ấy lại làm say mê cuốn lòng lữ khách đến vậy.
Bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp
Núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, đường đi luôn lượn vòng vèo dằng dặc qua bao nhiêu là dốc đèo, cảnh đẹp miền Tây Bắc không thiếu. Nhưng khi qua miền Mù Cang Chải, ngắm ruộng leo lên đồi, ruộng trồi trên non của vùng đất thâm sơn cùng cốc tỉnh Yên Bái này, tôi lại thấy ấn tượng hơn cả.
Đã có lúc tôi đứng ngây người trước những khung cảnh thanh bình yên ả như tranh đang hiển hiện trước mắt mình. Rồi hít thật sâu cái không khí thanh khiết thoang thoảng mùi núi rừng của vùng cao, chen hương nhè nhẹ của lúa đang mùa, để kẻ ở miền xuôi thấy chẳng bõ công vượt đường xa đến nơi này.
Những màu xanh ngả vàng như lan ra từ rừng già, từ những sườn đồi. Chừng khoảng gần chục cây số đường đồi núi vòng vèo dắt ánh mắt du khách qua nhiều mảnh ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp, trong đó có không ít theo thế núi đồi sẵn có mà uốn lượn vòng vèo, trông xa thật hấp dẫn, như những mảng màu ghép tuyệt đẹp của một bức tranh miền cao. Điểm xuyết cho bức tranh ấy thêm duyên dáng, có hồn hơn và khiến các nhiếp ảnh gia chuyên hoặc không chuyên đỡ vất vả hơn cho việc sáng tác, là những chiếc lán được dựng để canh lúa. Chúng nằm nhô ra trên sườn núi dựng dốc, rải rác khắp nơi giữa cơ man là ruộng, là lúa. Trông thật đơn côi mà đẹp đẽ, bình yên và thơ mộng.
Cho nên tôi không biết nên vui hay… lo với Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải diễn ra đúng mùa lúa đẹp nhất và có nguy cơ ảnh hưởng không gian bình yên vốn có ở những ruộng nương trăm năm này!
Mù Cang Chải nằm cách Hà Nội khoảng 280km, bạn có thể mua tour, thuê xe ô tô hoặc đi xe khách từ Hà Nội để đến đây. Trong thị trấn hiện có khá nhiều khách sạn, nhà nghỉ cho thuê xe máy giá trung bình tầm 130-150.000/ngày/xe. Bạn cũng có thể chọn ngủ ở thị xã Nghĩa Lộ cách đó khoảng 100km. Đến Mù Cang Chải tuần này, bạn sẽ gặp Lễ hội văn hoá du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, diễn ra từ 20-25/9/2019. Chương trình có màn biểu diễn múa xòe với sự tham gia của 5000 nghệ nhân dân gian và bà con dân tộc trình diễn 6 điệu xòe cổ. Cùng nhiều hoạt động khác như: Festival dù lượn Bay trên mùa vàng; Lễ hội cốm Tú Lệ; Chinh phục đỉnh Tà Xùa Vương quốc của mây và gió… |
Bài & ảnh: Sơn Trà
Theo 24hsongxanh.vn