Một thế kỷ Bảo tàng Điêu khắc Chăm
Cuối tuần qua, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức kỷ niệm 100 năm khánh thành và mở cửa (1919 – 2019). Hiện bảo tàng là nơi trưng bày và lưu giữ hơn 3.000 hiện vật văn hóa Chăm. Từ năm 2009, Tổ chức Guiness Việt Nam đã công nhận kỷ lục địa điểm này là một trong 10 bảo tàng thu hút đông khách tham quan nhất Việt Nam.
Sau 4 năm xây dựng (từ năm 1915 đến năm 1919), Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được người Pháp đưa vào hoạt động. Tên gọi ban đầu Musée Cham, Tourane (Bảo tàng Chàm Đà Nẵng), bảo tàng là công trình có diện tích khoảng 300m2 trưng bày một kho mở với khoảng 160 hiện vật (nay là phòng trưng bày Trà Kiệu). Ông Hồ Tấn Tuấn – Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho hay: “Để có được bảo tàng hôm nay phải nhắc đến công lao khởi điểm của ông Chales Lemire (bấy giờ là Công sứ tỉnh Quảng Nam), từ những năm 1891 – 1892 đã cho sưu tập tác phẩm điêu khắc ở các đền tháp Chăm tại Quảng Nam đem về đặt tại công viên Tourane (địa điểm tọa lạc bảo tàng hiện nay)”.
Trong bối cảnh lịch sử của đất nước lúc bấy giờ, việc quan tâm đến văn hóa là một điều xa xỉ nhưng vẫn có nhiều nhà nghiên cứu tâm huyết, đặc biệt là những người làm việc tại trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Trong đó tiêu biểu có thể kể đến ông Henry Parmentier đã kiên trì đi tìm nguồn kinh phí suốt 13 năm trời (1902 – 1915) để xây dựng một bảo tàng nhằm lưu giữ các di vật điêu khắc Chăm trong lòng Đà Nẵng đến hôm nay. Nối tiếp hai đợt khai quật lớn của người Pháp trước năm 1945 tại Quảng Nam và Bình Định, sau năm 1975 công tác nghiên cứu, sưu tầm khai quật liên tục được tiến hành dọc các tỉnh duyên hải Trung Bộ nhất là ở Quảng Nam, Đà Nẵng, đã thu thập được nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị cao gợi ra những giả thuyết mới mẻ trong nghiên cứu về niên đại, phong cách nghệ thuật và sự giao thoa, tiếp biến văn hóa trong lịch sử nghệ thuật Chămpa.
Ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng nói: “Bảo tàng Điêu khắc Chăm là điểm nhấn văn hóa lớn ở Đà Nẵng và từ lâu đã phát huy rất tốt chiến lược văn hóa đối ngoại”. Không lạ khi từ trước đến nay nguyên thủ các nước, các đoàn khách ngoại giao đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng đều ưu tiên chọn bảo tàng này làm điểm tham quan văn hóa. Có thể kể đến các chuyến thăm tiêu biểu của Quốc vương Thái Lan Prajadhipok (năm 1930), Tổng thống Singapore S.P. Nathan (năm 2009), Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind và phu nhân (năm 2018) và các đoàn khách ngoại giao tham dự Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017…
Trong khi nhiều bảo tàng trên cả nước chật vật với việc thu hút khách, cải tiến các hoạt động thì hiện nay mỗi năm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thu hút khoảng 300 nghìn lượt du khách trong đó 90% là khách quốc tế. Ông Hồ Tấn Tuấn chia sẻ, ngoài sự đặt nền tảng của người Pháp không thể không nhắc đến công lao của các thế hệ nhà nghiên cứu, học giả, đồng nghiệp Việt Nam nhiều năm gắn bó, lăn lộn khắp nơi để sưu tầm hiện vật, phụ trách thuyết minh, chỉnh lý không gian trưng bày, bảo vệ an ninh… và nhất là góp tiếng nói để giữ được vị trí tọa lạc nguyên trạng trong sự chuyển mình mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng.
Một trăm năm là chặng đường dài kế thừa, dựng xây, phát triển. Một trăm năm và nhiều năm sau nữa hy vọng những giá trị di sản quý giá được lưu giữ trong Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tiếp tục trường tồn với thời gian. Ông Huỳnh Văn Hùng cho rằng, hiện bảo tàng đã có 4 bảo vật quốc gia nhưng cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hồ sơ, thủ tục để tiếp tục công nhận thêm trong thời gian tới, bởi bảo tàng hiện còn rất nhiều bảo vật có giá trị cao.
Quốc Tuấn
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoa/201911/mot-the-ky-bao-tang-dieu-khac-cham-882969/