Mộng dưới hoa
Xưa nay, hoa cỏ luôn điểm tô cuộc sống theo cách riêng của loài thảo mộc. Nhưng đến độ cây màu cũng trở thành chốn dừng chân giải trí, vạt hoa dại bất ngờ trở thành “điểm đến” đông nghịt… thì quả là có sự lạ. Người ta đang mộng mị gì với hoa?
1. Không phải ngẫu nhiên mà học giả Lâm Ngữ Đường (Trung Hoa) dành nhiều lời bàn về hoa và hái hoa trong tác phẩm danh tiếng “Sống đẹp” (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, nguyên tác The Importance of Living). Họ Lâm phân loại, hoa có thứ hương nồng như lài, có thứ hương tĩnh như lan… và quả quyết: Bẻ hoa, cắm hoa cũng là một nghệ thuật đã phát triển ở Trung Quốc từ thế kỷ 11.
Lâm Ngữ Đường “gom” cả lan, cúc, mai, sen, mẫu đơn vào nhóm những danh hoa, tùy sở thích mỗi người. Nhưng ông dường như có hứng thú khi dành vài dòng tâm đắc viết về lan. “Lan, trái hẳn với mẫu đơn, có cái đức “cô phương độc thưởng”, không cần người ta biết tới mình, chỉ thích những hang sâu mà ghét nơi náo nhiệt; cho nên có từ ngữ “không cốc u lan” để trỏ các cao sĩ ẩn cư”, ông bình luận.
Hoa mà cũng biết ghét nơi náo nhiệt? Sực nhớ, náo nhiệt bây giờ đang đuổi theo đến tận các vườn hoa, các vệt hoa dại để rồi tưng bừng khoe sắc hoa trên… mạng xã hội.
2. Đang ở vào thời điểm cúc họa mi nở rộ, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Loài hoa cánh nhỏ trắng ngần thường mọc hoang ấy bất ngờ thành “mốt” cho những bộ ảnh mang tính chất selfie (ảnh tự sướng). Ngày trước trẻ con ở các vùng quê thường hái hoa kết bó hay xâu thành chuỗi đùa chơi, nay cũng chính hoa ấy lại tràn ngập mạng xã hội và các trang báo mạng, hỏi sao không lạ.
Cái lạ đầu tiên là người ta dành nhiều lời tán tụng loài hoa bình dị, cố truy tìm cho ra xuất xứ của hoa, từ vùng quê hoang vắng ở xứ sở Việt cho đến các sự liên đới khác, nào nữ thần trong thần thoại La Mã, nỗi buồn trong truyền thuyết của người Ailen cổ, các dấu vết hoa cỏ chữa bệnh về mắt của người Trung Đông… Cái lạ thứ hai là lối thưởng thức hoa, nhất là phụ nữ. Những góc chụp cận cảnh những cô gái đang dịu dàng, e ấp bên cúc họa mi gần như đối nghịch với cảnh những đoàn xe đổ về vườn hoa chật cứng, cảnh đám đông xúm xít. Hãy xem các trang báo giật tít. Nào “Vườn cúc họa mi “thất thủ”, “dân Hà thành vật vã chen nhau chụp ảnh”; nào “Sự thật đằng sau những bức ảnh chụp cúc họa mi đẹp lãng mạn”… Đủ thấy, cúc họa mi đang tạo ra sự náo nhiệt.
Sực nhớ có thêm nhiều loài hoa gây cảnh náo nhiệt khác. Như dã quỳ đầu đông nở vàng các lối đi, các dốc đồi thoai thoải Tây Nguyên. Các bãi cỏ hồng Đà Lạt từng khẽ khàng đi vào nét nhạc Phạm Duy “rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối/ rước em lên đồi, hẹn với bình minh…”, giờ cũng đến kỳ lại sôi động. Thậm chí, giữa tuần này có bài báo viết hẳn bài về mùa tìm đến đồi cỏ hồng, chỉ dẫn cặn kẽ bãi cỏ cách trung tâm TP.Đà Lạt chỉ chừng 17km, nơi mọi người thoải mái vào chụp ảnh mà không thu vé. Lại nhớ loài tam giác mạch Hà Giang vừa nở bung trong tháng 10 và 11, tha thiết mời gọi biết bao nhiêu “phượt thủ”. Những chuyến lang bạt kiểu như thế thật ấn tượng, mà toàn những trai thanh nữ tú…
3. Người xưa có lối sắp xếp các cung bậc thưởng hoa rất tỉ mỉ. Thưởng hoa uống trà là cao nhã hơn cả; rồi tới không uống gì mà chỉ đàm đạo thôi; uống rượu là “thấp” nhất.
Ở thời hiện đại thì khác, phần lớn thưởng hoa luôn kèm theo lối selfie, tức… chụp ảnh tự sướng. Một cách công bằng, nhiều bức ảnh selfie rất nhã, hé lộ những tâm hồn thanh thoát. Nhưng cũng có nơi chốn náo nhiệt quá mức cần thiết, khiến hoa bị vùi dập. Nhiều bạn trẻ thốt lên: Tại sao chúng ta chỉ biết “tận hưởng”, thỏa mãn ham muốn của bản thân mà không biết giữ?
Thì đấy, những bãi cỏ hồng ở Hàng Châu từng bị giới selfie Trung Quốc phá hỏng. Riêng ở Việt Nam, cây cỏ bị “hắt hủi” hơi nhiều, chỉ để có bức ảnh đẹp. Cánh đồng hoa hướng dương từng gây sốt ở Nghệ An khi du khách… thản nhiên bẻ cành, bứt hoa. Ở Đà Lạt, có chủ vườn hoa cải trắng thậm chí phải treo biển thông báo không cho tham quan nữa vì quá nhiều người đến giẫm đạp. Những luống rau cải nở vàng ở Hương Chữ (Hương Trà, Thừa Thiên – Huế) cũng lâm cảnh tương tự hồi giữa mùa xuân năm nay. Và hẳn mọi người còn nhớ vụ một nữ phó giám đốc Sở Tư pháp ở một tỉnh miền Trung bị kỷ luật sau khi bẻ hoa mai anh đào ở Đà Lạt để chụp ảnh hồi năm ngoái, do hành vi bẻ hoa đã “gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và cơ quan”. “Yêu” hoa đến nỗi bị khiển trách thì đúng là chuyện xưa hay hiếm.
Đâu chỉ riêng Lâm Ngữ Đường bàn về hoa. Thi sĩ Trương Trào sống hồi giữa thế kỷ 17 bên Trung Quốc cũng có mấy câu cách ngôn tâm đắc. Ông bảo hoa không nên thấy rụng, trăng không nên thấy chìm, cũng như mỹ nhân không nên thấy chết yểu… Thời hiện đại, quả thực cảnh giới trẻ kéo nhau đi chụp ảnh với hoa thật đẹp, thanh bình và nền nã. Giữa xô bồ của cuộc sống, hoa dường như đã níu con người ta về với một góc tĩnh lặng, giúp bớt chút náo nhiệt đi. Có khác gì khi xưa nhạc sĩ Phạm Đình Chương từng phổ thơ Đinh Hùng để cho ra đời ca khúc “Mộng dưới hoa” thật lãng mạn: “Bóng hoa ngã xuống bàn tay mộng/ Và mộng em cười như giấc mơ”.
Chỉ thoáng tiếc nuối với một vài giấc mơ hoa, vài vạt hoa, nhánh hoa, cung đường hoa… tơi tả.
Hứa Xuyên Huỳnh
Theo Báo Quảng Nam