Miếu đình và danh sĩ Trà Sơn
Ở phía Đông huyện Thăng Bình xưa có xã Trà Sơn (nay thuộc thôn Tứ Phương, xã Bình Trung, Thăng Bình) là nơi lưu nhiều dấu tích văn hóa, lịch sử. Tìm hiểu những dấu tích này, đối chiếu với hồ sơn di tích đang có tại địa phương, thấy có một số chi tiết cần được hiệu chỉnh và bổ sung.
Đình xưa miếu cũ
Đình Trà Sơn thuộc loại nhỏ so với các ngôi đình hiện còn ở vùng phía nam của tỉnh. Kiến trúc của đình hiện hữu gồm một gian hai chái. Nội điện có ba bàn thờ: Bàn thờ giữa có bài vị ghi hai chữ “Tiền hiền” khá lớn. Hai bên có câu đối “Bắc địa tùng vương huân sự nghiệp/ Nam thiên lập ấp tạo cơ đồ” (Theo lệnh triều đình đi mở đất/ Dựng xây thôn ấp dưới trời Nam). Hai bàn thờ bên có bài vị “Tổ đức” ở bên trái và bài vị “Tông công” ở bên phải. Theo các vị cao niên trong làng, từ trước đến nay, trong đình chỉ thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền và các tiền bối thuộc các tộc họ đến sau đã có công quy dân, lập ấp, dựng làng, mở mang ruộng đất và xây dựng thiết chế làng/xã Trà Sơn từ buổi ban đầu đến khi hoàn tất việc lập địa bộ vào đầu thời Nguyễn. Vì thế, dân trong làng còn gọi đây là “Nhà thờ tiền hiền”.
Trên cây đòn đông của đình này có ghi dòng “Tự Đức tam niên, tuế thứ Canh Tuất, Quý Đông nguyệt, Ất Sửu nhật, Mậu Dần thời, kiên tạo thượng lương” cho biết thời điểm “gác đòn đông trên kiến trúc vững chắc này” là giờ Dần, ngày Ất Sửu, tháng Chạp năm 1850 – niên hiệu Tự Đức thứ Ba. Do nét khắc một số chữ hơi mờ, nên trước đây, khi khảo tả di tích đình Trà Sơn, có người nhận dạng chữ “kiên” (堅) thành chữ “vọng” (朢). Nếu phiên âm thành “vọng tạo thượng lương” thì không có nghĩa. Bởi chữ “vọng” (朢) có hai nghĩa: ngày rằm và trông mong. Dùng nghĩa chỉ ngày rằm sẽ không đúng bởi đã ghi rõ ngày Ất Sửu rồi; nếu dùng nghĩa “trông mong” sẽ không phù hợp bởi việc gác đòn đông là xác nhận bộ khung của kiến trúc đã hoàn thành chứ còn “trông mong” gì nữa. Hai bên đầu hồi giáp mái của kiến trúc này thợ vôi cẩn nổi chữ “Thần” theo kiểu chữ triện vuông. Chưa rõ mục đích và thời điểm đắp chữ Thần ở hai bên này, nhưng thường ít gặp kiểu thức trang trí này trên các đình làng khác hiện còn ở nam Quảng Nam.
Cách đình Trà Sơn khoảng 100 mét về hướng Tây Bắc có một ngôi miếu với kiến trúc gỗ được một chuyên viên lập hồ sơ di tích ở Thăng Bình mô tả như sau: “Các kết cấu khung gỗ được bố trí không theo mô-tuýp của kiến trúc gỗ truyền thống cùng thời… Ở miếu thờ Quan Công này, các thanh trính làm nhiệm vụ nối các cột lại với nhau được đặt ở vị trí nằm ngang theo hướng từ cửa chính đi vào. Chính do cách bố trí này nên khi vào bên trong miếu, ngoài các hàng cột thì chính các thanh trính là bộ phận đầu tiên tiếp xúc vào mắt người xem… Cách trang trí mộc mạc và cách bố trí khung nhà có phần khác biệt cũng là một nét độc đáo cần có sự quan tâm tìm hiểu của các nhà nghiên cứu và những người có niềm đam mê về công trình kiến trúc gỗ truyền thống của dân tộc” (Theo bản “Lý lịch di tích Đình Trà Sơn, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình – tháng 7.2013” hiện lưu ở Ban quản trị Đình làng Trà Sơn).
Cũng trong bản lý lịch di tích vừa nêu, người biên soạn đã nhận dạng và phiên âm dòng chữ ghi tên đòn đông ngôi miếu là: “Tự Đức thập niên, tuế thứ Đinh Kỷ, Mạnh Thu nguyệt, Tân Sửu nhật, lệ quảng trường vọng tạo thương lương” và đã dịch như sau: “Tự Đức năm thứ Mười, đầu thu tháng Bảy, định ngày Tân Sửu vọng tạo thượng lương sau một thời gian dài từ năm Đinh Tỵ – 1857 đến năm Kỷ Mùi – 1859”. Nhận thấy các chữ “lệ quảng trường vọng tạo” (戾廣長朢造) tối nghĩa, không hợp với phép viết ngày tháng tạo dựng trên đòn đông thời xưa, chúng tôi (NV) tìm đến ông Thủy Thanh Bình (70 tuổi, làm việc trong Ban quản trị Đình làng Trà Sơn) để được hướng dẫn đến ngôi miếu này và bắc thang đọc được chính xác ở mặt dưới cây đòn đông dòng chữ: “Tự Đức thập niên, tuế thứ Đinh Tỵ, Mạnh Thu nguyệt, Tân Sửu nhật, Canh Dần thời, kiên tạo thượng lương” (Dịch: Thời gian gác đòn đông trên kiến trúc vững chắc này vào giờ Canh Dần, ngày Tân Sửu, tháng Bảy, năm Đinh Tỵ – 1857, niên hiệu Tự Đức thứ Mười). Rõ là người đọc trước đã nhận dạng nhầm hai chữ “Đinh Tỵ” thành “Đinh Kỷ” và bốn chữ “Canh – Dần – Thời – Kiên (tạo)” thành “Lệ – Quảng – Trường – Vọng (tạo)” nên đã dịch sai như ở trên.
Ông Trần Đại Kha (82 tuổi, ở tổ 2 thôn Tứ Sơn, xã Bình Trung) nhớ lại: “Hồi nhỏ, tôi từng nhiều lần dòm vào bên trong ngôi miếu này, thấy có ba tượng gỗ, pho chính giữa mặt đỏ, một pho mặt đen, pho còn lại hình như được tô mặt màu xanh. Sau tháng 8.1945, các tượng ấy được đem ra đặt ở bụi cây rậm trước miếu, dân trong làng ai đi ngang qua cũng sợ. Rồi sau không rõ các tượng ấy xiêu lạc về đâu?”. Có lẽ căn cứ vào đó, vài nhà nghiên cứu ở Thăng Bình cho đây là miếu Quan Thánh đế quân – một thiết chế thờ tự cũng thường gặp ở một số địa phương khác như ở các làng Quảng Phú, tổng Phú Quý Hạ và làng Tam Kỳ, tổng Chiên Đàn đều thuộc huyện Hà Đông (sau nâng lên thành phủ Tam Kỳ) ở phía Nam.
Danh sĩ Trà Sơn
Ở vùng này, có lưu hành chuyện kể về ông cử nhân Trần Chiếu – người của làng, hiện còn một tư liệu hiếm hoi kể về hành trạng danh sĩ này.
Trong tấm văn bia số 5 – theo đánh số của hai dịch giả Nguyễn Bằng và Nguyễn Văn Hà trong cuốn “Bia Văn Thánh và một số Văn bia Hán Nôm tại huyện Thăng Bình” ghi tên các Nho sĩ trong huyện Thăng Bình đỗ cử nhân và tú tài khoa thi năm Kỷ Mão 1879, niên hiệu Tự Đức 32 – có dòng ghi về ông Trần Chiếu như sau: “Cử nhân Trần Chiếu, An Thái Trung tổng, Trà Sơn xã nhân. Sĩ chí Biên tu, tòng Quảng Ngãi tình Hậu bổ, nhân sự hồi quán, tỉnh thân ngộ hại”.
Câu này trùng với lời kể ở Trà Sơn: Ông Trần Chiếu, sau khi đỗ cử nhân, được triều đình ban hàm Biên tu và đưa đi thực tập việc quan để chờ bổ dụng (hậu bổ) ở Quảng Ngãi. Khi có phong trào Nghĩa hội nổi lên ở Quàng Nam (mà văn bia nói trên dùng từ “nhân sự” hoặc “tỉnh hạt hữu sự” – NV) ông Chiếu được kêu gọi về quê tham gia. Trên đường lên Tân Tỉnh – bản doanh của Nghĩa hội ở Quế Sơn – ông bị sát hại”. Theo chúng tôi (NV), mấy chữ “tỉnh thân ngộ hại” nói về cái chết của ông Trần Chiếu chỉ có thể hiểu và dịch là “bị thân binh trong tỉnh giết nhầm”. Đây là cách nói giảm (trong hoàn cảnh viết văn bia thời Pháp thuộc) về việc ông Trần Chiếu bị lính Nam triều (thân binh) ở Quảng Nam sát hại do nghi ngờ ông Cử làng Trà Sơn đã bỏ việc quan về quê theo phong trào Nghĩa hội chống Pháp.
Bài & ảnh: Phú Bình
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: https://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/mieu-dinh-va-danh-si-tra-son-90318.html