Mây ngàn vang tiếng hát
Tôi ngồi với anh và nhiều bà con Cơ Tu khác, dưới mái gươl của làng Pơr’ning (xã Lăng, huyện Tây Giang). Bên ánh lửa bập bùng cháy, núi rừng rộn rã bởi nhịp trống chiêng và vũ điệu tân tung, da dá truyền thống. Hòa cùng thanh âm của núi, làn điệu dân ca Cơ Tu “chà chập – ba boóch” được cất lên trong trẻo, khiến lòng người mê say…
Dân làng Pơr’ning lại đón khách. Những vị khách được Pơloong Plênh – cán bộ Phòng VH-TT huyện kết nối, thông qua mạng xã hội Facebook. Pơloong Plênh cũng là đứa con của dân làng. Sau thời gian học tập ở TP.HCM, anh đã kết nối du khách đến với quê mình, giúp đồng bào địa phương hình thành các điểm du lịch văn hóa cộng đồng phục vụ tham quan, khám phá và trải nghiệm.
Từ nhu cầu thực tế của du khách, Pơloong Plênh nảy ý tưởng tận dụng không gian nhà sàn truyền thống của dân làng để nâng cấp thành các khu lưu trú homestay, vừa có nơi nghỉ ngơi, thư giãn cho du khách, vừa góp thêm thu nhập cho đồng bào địa phương. Sau gần 1 năm hoạt động, mô hình du lịch cộng đồng ở làng Pơr’ning đã đón hàng nghìn lượt du khách ghé thăm và tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu trên dãy Đông Trường Sơn huyền thoại.
Người kết nối
“Lên Tây Giang đi bạn. Mùa này, sau cơn mưa, mây trắng sà xuống tận chân núi. Đẹp lắm. Cơ hội để săn mây đấy!”. Tôi đọc tin nhắn của Pơloong Plênh, mà không cưỡng nổi bước chân của mình. Vậy là đi. Mùa mưa, quê núi không còn phảng phất màu buồn. Những đoàn khách tìm đến, rồi lại đi như một sự tiếp nối. Kể từ khi người Cơ Tu ở Tây Giang bắt đầu làm du lịch, khách lui tới chủ yếu là để khám phá đời sống văn hóa và tham quan trải nghiệm các điểm sinh thái núi rừng.
Tôi theo chân Pơloong Plênh đến làng Pơr’ning. Bên trong gươl làng, mọi thứ đã được chuẩn bị hoàn tất. “Chiều nay có một đoàn khách từ Đà Nẵng lên, giao lưu với bà con. Hôm qua cũng đón đoàn du lịch famtrip đến khảo sát, chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch tại làng” – anh nói, rồi đến từng nhà có thành viên trong đội trống chiêng trao đổi, phân công nhiệm vụ giao lưu với khách.
Cuộc hẹn chiều, nhưng từ rất sớm, bên trong gươl, đồng bào đã có mặt đông đủ. Jơđêl Sâm, một phụ nữ trong làng nói với tôi, nhờ có Pơloong Plênh kết nối nên gần một năm nay, dân làng đón rất nhiều đoàn du khách. Trong nước có, ngoài nước có, chủ yếu là đến để tìm hiểu và khám phá nét đẹp cuộc sống, phong tục tập quán của đồng bào. Vì thế, ngoài công việc nương rẫy, bây giờ, bà con có thêm công việc mới từ du lịch, nên rất hào hứng.
Lịch đón khách cũng thường diễn ra vào chiều hoặc đêm nên cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến công việc làm ăn, phát triển kinh tế của dân làng. Chỉ thỉnh thoảng có đoàn chuyên gia, hoặc du khách nước ngoài đến tìm hiểu, ghi lại hình ảnh văn hóa truyền thống thì đồng bào mới tập trung hỗ trợ, có khi là suốt nhiều ngày liền.
“Làm du lịch, bên cạnh giao lưu, phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách, chúng tôi cũng mong muốn góp thêm công sức để giới thiệu và quảng bá hình ảnh Cơ Tu, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu đến với du khách gần xa. Đây cũng là cơ hội để bà con có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống” – chị Sâm chia sẻ.
Năm ngoái, khi còn làm ở Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch huyện, Pơloong Plênh đã kết nối với du khách và bạn bè quen biết trên mạng xã hội facebook thực hiện nhiều chuyến khám phá, trải nghiệm kết hợp công tác thiện nguyện tại các bản làng khó khăn của Tây Giang. Từ những chuyến đi này, Pơloong Plênh mở rộng các mối quan hệ và kết nối nhiều đoàn lữ hành tìm đến mảnh đất quê hương mình, cùng góp sức hiện thực các dự án du lịch vùng cao.
Pơloong Plênh sáng kiến đưa các mô hình du lịch trải nghiệm đến du khách, thông qua các hoạt động văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu như: đi cà kheo, ném vòng mây, bắn ná, bắt cá và tham gia giã gạo. Anh nói, khi đến với làng Cơ Tu, du khách sẽ có thêm cơ hội cùng các nghệ nhân học cách dệt thổ cẩm, làm bánh sừng trâu, nấu cơm lam và các món ẩm thực nướng ống, thọc nhuyễn (za ră)… rất độc đáo. Những kết nối theo kiểu… rất Ploong Plênh, khiến du khách thích thú. Sau chuyến đi đầu tiên, họ hẹn thêm những dịp trở lại, ở thời gian rất gần.
Tình yêu văn hóa cội nguồn
Người trẻ, như Pơloong Plênh, mỗi người có một cách để yêu văn hóa cội nguồn của mình, hoặc sưu tầm hiện vật, hoặc học cách đánh trống chiêng, chế tác nhạc cụ, nói lý – hát lý… Pơloong Plênh chọn cho mình hướng để quảng bá các sản phẩm văn hóa để làm du lịch. Cách làm của anh, nhiều người vẫn hay nói, là không chỉ cho riêng cá nhân mình, mà mở hướng cho cả một cộng đồng miền núi Tây Giang.
Ông Arất Blúi – Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ điều đó với tôi, khi nhắc đến những đóng góp của Pơloong Plênh cho công tác bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch tại địa phương. Mỗi chuyến đi về núi, về bản làng biên giới, Pơloong Plênh lại ấp ủ một ý tưởng mới cho việc mở rộng phát triển du lịch. Rồi cũng chính anh tham mưu đề xuất lãnh đạo huyện và trực tiếp kết nối với các đơn vị lữ hành, hướng dẫn bà con cách làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hiệu quả. “Không chỉ đam mê, Pơloong Plênh rất có tâm huyết và cả kỹ năng trong việc kết nối, đưa du khách đến với Tây Giang. Điều đó rất đáng quý!” – ông Arất Blúi nói.
Thời gian nghỉ cuối tuần, Pơloong Plênh rong ruổi khắp bản làng vùng cao biên giới – nơi còn bảo lưu gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống, với những cảnh đẹp núi non hùng vĩ. Từ A Xan, Ga Ry, ngược về Ch’ơm, nơi nào anh đặt chân cũng luôn nhận được sự chào đón của dân làng. Như một chuyến tiền trạm, không lâu sau đó, Pơloong Plênh kết nối đưa các đoàn du khách đến tham quan, kết hợp làm từ thiện góp niềm vui cho đồng bào.
Những chuyến đi như thế, Pơloong Plênh kiêm luôn hướng dẫn viên cho du khách. Anh đồng thời cũng tư vấn cho họ nơi lưu trú, chọn lựa những món ẩm thực truyền thống, địa điểm cần đến để khám phá, trải nghiệm theo lịch trình ngắn ngày hoặc dài ngày. Nhờ vậy, du khách yên tâm hơn mỗi khi đặt chân đến vùng đất Tây Giang. “Tuần sau, tranh thủ trời nắng, lên khu Zơ Mớ nhé!” – Pơloong Plênh rủ tôi.
Khu vực Zơ Mớ thuộc địa phận xã Lăng ngày nay. Vào những năm 1937, khi đến chiếm đóng vùng cao Tây Giang, người Pháp đã xây đồn Zơ Mớ làm chốt điểm để kiểm soát tình hình. Theo mô tả của Pơloong Plênh, cảnh quan ở khu vực đồn Zơ Mớ khá đẹp, với một bình nguyên rộng lớn và nhiều thác nước cao tầng, rất có tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm.
Cuối năm, dù bộn bề công việc, nhưng Pơloong Plênh vẫn dành thời gian rảnh rỗi cho dự án du lịch văn hóa mà anh kết nối với cộng đồng, từ Pơr’ning, Ta Coong (xã Lăng), Ta Vang (A Tiêng), cho đến Ta Lang (Bha Lêê)…
Ta Lang là địa điểm miền núi đầu tiên được UBND tỉnh chọn làm điểm để xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng do dự án Trường Sơn Xanh kết hợp với Viện Quản lý – phát triển châu Á và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam tài trợ. Suốt gần 3 tháng triển khai, hầu như lúc nào Pơloong Plênh cũng đều có mặt, cùng tham gia góp ý, xây dựng về chương trình giao lưu văn hóa, ẩm thực Cơ Tu phục vụ du khách. Những gì học hỏi được từ Ta Lang, anh chia sẻ kinh nghiệm với bà con ở Pơr’ning để cùng phát triển, hoàn thiện mô hình du lịch cộng đồng.
Đêm, ánh lửa hồng tí tách. Tiếng đàn h’jưl phát ra từ trong gươl, vọng theo giai điệu bài hát dân ca Cơ Tu chào đón những vị khách ghé thăm làng. Nhịp trống chiêng rộn rã. Đại ngàn vui hơn…
Khánh Nguyên
Ảnh: Đ.N
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/phong-su-ky-su/201911/may-ngan-vang-tieng-hat-881860/