Măng điền trúc sấy khô – sản vật núi rừng

Măng điền trúc sấy khô của HTX Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang là sản phẩm đăng ký tham dự Chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2019. Việc xây dựng thương hiệu măng điền trúc mở ra cơ hội đưa đặc sản vùng cao vươn ra thị trường, giúp đồng bào đa dạng sinh kế, giảm nghèo từ rừng.

Khai thác, sơ chế măng điền trúc. Ảnh: H.L
Khai thác, sơ chế măng điền trúc. Ảnh: H.L

Măng điền trúc là những ngọn măng tươi, ngon mọc từ cây tre điền trúc – tre chuyên trồng để lấy măng, có năng suất cao, mọc nhiều ở núi rừng Tây Giang. Nhiều năm trước, từ các nguồn Chương trình 30a, 135 của Chính phủ, huyện Tây Giang đã cấp giống tre điền trúc hỗ trợ người dân trồng dưới tán rừng để cải thiện sinh kế.

Theo nhiều tài liệu kỹ thuật, tre điền trúc thích hợp với nhiều loại địa hình, thổ nhưỡng, dễ trồng, song phải chăm sóc tốt thì tre mới phát triển và đẻ nhiều măng. Tre điền trúc sau một năm trồng đã có thể cho măng và từ năm thứ hai trở đi, tre sẽ cho măng nhiều hơn. Măng sau khi mọc khoảng 5 – 7 ngày là có thể thu hoạch. Măng điền trúc sinh sôi mạnh vào mùa mưa, ở khu vực có thời tiết mát mẻ. Ở vùng rừng núi Tây Giang, quanh năm khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao nên tre điền trúc sinh trưởng và cho măng khỏe.

Măng điền trúc tươi có độ mềm dai, giòn, có mùi vị đặc trưng, là món ăn khoái khẩu trong mỗi bữa cơm gia đình, thường không thiếu tại các chợ vùng cao. Các mẹ, các chị ở vùng cao Tây Giang thường bẻ măng tươi về, bóc vỏ, bỏ phần gốc, chỉ lấy phần non rồi xắt nhỏ, hoặc cắt thành các miếng lớn, hoặc để nguyên phần ngọn bỏ vào ngâm muối một lát rồi luộc chín, để ráo, từ đó có thể chế biến rất nhiều món ăn như măng trộn, măng xào, măng hầm thịt…

Nhiều món ăn từ măng điền trúc được chế biến nhẹ, không sử dụng nhiều gia vị, dầu mỡ như người miền xuôi, cốt giữ hương vị đặc trưng mà không kém phần hấp dẫn. Măng tươi sau sơ chế được luộc sơ rồi bỏ vào ngâm muối hay muối xổi để giữ được lâu hơn và chế biến các món ăn có vị chua hay nấu canh chua và măng chuyển sang màu vàng nhạt tự nhiên nhìn đẹp mắt.

Lâu nay, người vùng cao chưa tính đến hướng sấy khô măng để dễ tiêu thụ hay tạo sản phẩm du lịch. Tại các chợ truyền thống, các chợ đầu mối ở Đà Nẵng và Quảng Nam xuất hiện sản phẩm măng rừng sấy song lại không có bao bì, nhãn mác, xuất xứ, thời hạn sử dụng hay dấu hiệu nhận diện sản phẩm… Mối lo ngại về mất an toàn thực phẩm nơi các bà nội trợ rất lớn bởi tình trạng sử dụng chất phụ gia, hóa chất bảo quản nguyên liệu sản phẩm khá phức tạp.

Từ năm 2018 đến nay, HTX Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang đã đứng ra thu mua măng tươi của đồng bào Cơ Tu để sơ chế. Măng được bóc vỏ, loại bỏ phần gốc già, rửa sạch, đưa vào máy xắt nhỏ, ngâm sơ với nước muối, rồi bỏ vào nồi luộc bằng điện với mỗi mẻ tới vài chục ký măng và chỉ luộc chín vừa độ. Măng sau khi luộc vớt ra để ráo rồi tiếp tục cho vào máy sấy. Mỗi mẻ măng được sấy trong vòng 20 giờ, cứ 5 tiếng, phải đảo một lần để măng khô đều. Măng sấy khô được đóng gói, hút chân không, dán nhãn mác, đưa đi tiêu thụ.

Theo ông Bùi Nam Chính – cán bộ phụ trách kinh doanh HTX Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang, đến nay, HTX đã trang bị máy xắt măng, nồi luộc bằng điện, 2 máy sấy măng có công suất mỗi máy 50kg và gần 100kg, máy đóng gói, hút chân không và xây dựng bao bì, nhãn mác, đăng ký chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và các thủ tục liên quan để xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Măng sấy khô đóng gói có trọng lượng 200g, hút chân không, có bao bì, nhãn mác, không có chất bảo quản, không có chất tạo màu. Về cách sử dụng, sau khi lấy măng ra khỏi bì, cần ngâm nước sạch chừng 40 phút, tiếp tục bỏ vào nồi luộc chừng 10 phút, vớt ra là có thể chế biến món ăn hợp khẩu vị.

HTX hiện đã ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm măng điền trúc với các xã Lăng, A Tiêng của huyện Tây Giang và ký kết trực tiếp với các hộ dân có trồng măng điền trúc trên địa bàn huyện, nhằm đảm bảo nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất. “Năm 2018, HTX đã thu mua được khoảng 2 tấn măng điền trúc tươi để chế biến sản phẩm đưa đi các nơi tiêu thụ. Sản phẩm đã vào các đại lý, cửa hàng nông sản sạch ở Tam Kỳ, Đà Nẵng, được bày bán ở các điểm trưng bày sản phẩm du lịch của huyện Tây Giang. Năm 2019 này, sản lượng cung ứng ra thị trường sẽ tăng hơn năm trước” – ông Chính chia sẻ.

Nếu trước kia, măng điền trúc chỉ bán tươi, hay sơ chế nhẹ, đầu ra nhỏ giọt thì việc thu mua măng điền trúc với số lượng lớn, sấy khô măng tạo sản phẩm hàng hóa và hướng tới OCOP của HTX Nông nghiệp dược liệu Tây Giang là hướng đi mới. Qua đó, giúp đa dạng sản phẩm từ măng điền trúc, góp phần đưa đặc sản vùng cao vươn xa ra thị trường, vào được các kênh tiêu thụ hiện đại lẫn truyền thống. Cơ hội mở rộng diện tích trồng tre điền trúc lấy măng từ rừng, vườn đồi hay tận dụng các khu vực ven sông, ven suối bỏ hoang trồng tre rất lớn khi giá trị sản phẩm được nâng lên. Cùng với đó, người dân sẽ có ý thức trồng thâm canh và chăm sóc hợp lý cây trồng. Trồng tre điền trúc ven sông, suối, ở bìa rừng cũng góp phần giữ đất và chống xói lở đất.

Hoàng Liên

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/201912/mang-dien-truc-say-kho-san-vat-nui-rung-886948/

Cùng chuyên mục