Mãn nhãn với những điệu múa Chăm

Trong khuôn khổ liên hoan nghệ thuật Krossing Over 2019 đang diễn ra tại Việt Nam, những điệu múa Chăm được thực hiện bởi nghệ sĩ Kiều Maily đã tạo nên những nét rất riêng.

Nữ nghệ sĩ người Chăm đã biểu diễn ba bài múa. Bài đầu tiên là múa truyền thống, thường được sử dụng trong lễ nghi tôn giáo như lễ Rija Nưgar (lễ hội xứ sở) vào ngày đầu năm Chăm lịch.

Trong đời sống của người Chăm, những điệu múa luôn gắn chặt với suốt cuộc đời họ

Bài thứ hai là múa lu, tái hiện hình ảnh phụ nữ Chăm đội lu nước diễn ra trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và được đưa lên trình diễn trên sân khấu. Cô gái từ khi ra đời, múa, hát, đội nước, mót lúa và sinh hoạt trong cuộc sống của cô, ở đó lu đội nước là đạo cụ tiêu biểu. Màn tiếp theo khi cô gái lớn lên, biết yêu và được chàng trai tặng cho chiếc khan njram tỏ tình và kết duyên đôi lứa.

Múa lu

Khan njram là biểu tượng cho tình yêu, chung thủy, sự kết nối giữa 2 phái khác nhau và thể hiện sự phấn khích của tình yêu đồng thời là hành vi ái ân nam nữ, biểu hiện tinh thần phồn thực hi vọng sự sinh sôi nẩy nở, con đàn cháu đống. Sau khi lập gia đình, cả hai hòa nhập vào cộng đồng. Mà cộng đồng Chăm là dân tộc của lễ hội, có lễ hội là có ca, múa, từ đó họ giữ được phong tục truyền thống của ông bà tổ tiên.

Bài thứ ba là múa tổng hợp, có sự phá cách riêng từ hai điệu múa trên. Nó được lồng vào câu chuyện về cuộc đời của các cô gái Chăm.

Một trong những điệu múa được Kiều Maily pha trộn, phá cách dựa trên truyền thống

Kiều Maily cho biết người Chăm trước đây có 75 điệu múa, nhưng thường sử dụng 64 điệu, mỗi điệu múa tương ứng với từng điệu trống khác nhau. Phần chị biểu diễn có sự chắt lọc từ 4 loại chim quý là điệu dềnh – tượng trưng của chim công, chon – tượng trưng của chim nhồng, măng – tượng trưng của chim trĩ, và mơrai – tượng trưng của gà tây.

Ở điệu này, Kiều Maily sử dụng ánh sáng đỏ để thay thế cho màu đỏ của lửa, hàm ý xóa đi những cái xấu, hướng đến điều tốt đẹp và an yên hơn

Về sự giao thoa, pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, Kiều Maily cho rằng đây là điều hiển nhiên, diễn ra trong bất cứ lĩnh vực nào, nên múa Chăm không phải ngoại lệ. “Từ lâu nay, múa Chăm chỉ diễn ra trong các lễ hội, từ khi 2 đoàn nghệ thuật Ninh Thuận và Bình Thuận phát triển thì múa Chăm được đưa lên sân khấu. Khi các đoàn đi biểu diễn, có cách tân theo hiện đại nhưng vẫn giữ những nét truyền thống” – Kiều Maily chia sẻ.

Chị tiếp tục: “Khi nghệ sĩ Đặng Hùng có thử nghiệm sáng tạo ra điệu múa Apsara sau khi mã hóa các tư thế từ các phù điêu của người Chăm. Đã có sự phản ứng từ công chúng, nhất là một số trí thức Chăm phản biện nói phản truyền thống Chăm, nhưng không phải là lạ. Tôi ủng hộ thử nghiệm đó, dĩ nhiên có sự nhìn nhận riêng của mình”.

Múa với khan njram – 1 loại khăn có khá nhiều ý nghĩa trong đời sống người Chăm

Những sự phá cách đó, Kiều Maily cho rằng đó còn là những cơ may cho múa Chăm và thành công trên được xem là cơ may lớn, như là tấm gương kích thích thế hệ trẻ Chăm tìm tòi và sáng tạo, dám nghĩ cái mới và làm ra cái mới hơn.

Còn hiện nay thế hệ mới qua các phương tiện Internet được tiếp cận với nghệ thuật múa đương đại khắp nơi trên thế giới, chắc chắn họ sẽ học được nhiều điều mới lạ hơn. Kết hợp truyền thống với hiện đại, học từ thiên hạ, để sáng tạo, sau đó có thể cống hiến để thiên hạ học lại mình.

Những điệu múa Chăm được Kiều Maily mang đi biểu diễn ở rất nhiều nơi và luôn được ghi nhận nồng nhiệt

Nghệ sĩ Kiều Maily sinh năm 1985 tại làng Pabblap, dân tộc Chăm, Phước Nhơn, tỉnh Ninh Thuận. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh – Viễn thông tại TP.HCM. Chị là một nhà văn và nghệ sĩ độc lập, chuyên về văn hóa Chăm, đặc biệt là ẩm thực và các điệu múa truyền thống. Chị từng được các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản mời tham dự các buổi biểu diễn vào tháng 9/2017.

An Vĩnh

Cùng chuyên mục