Lũy tre Trường Dục ngang qua xứ Quảng

Tre thì làm bạn với bương

Cùng vào một lạch, một luồng dễ đi.

Tre, đi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, ít nơi nào không có. Những lũy tre nối dài thành làng, thành xóm, tre trồng ven sông để giữ đất, tre trồng thành lũy để chống ngoại xâm. Đi sâu vào đời sống người Việt, những vật dụng bằng mây tre hiện hữu trong bữa ăn, giấc ngủ và cả khi nhắm mắt lìa đời, tre như một người bạn đường vĩnh tuyệt. Và người Việt còn có lũy tre Trường Dục đi từ chính sử vào huyền thoại dân gian.

Hàng rào bằng tre
Hàng rào bằng tre.

Tre mùa đi vắng

Trong lịch sử giữ nước, câu chuyện thần thánh hóa Thánh Gióng nhổ bụi tre đằng ngà đánh đuổi giặc Ân vẫn còn đó, và có cả một Hội Gióng ở phía Bắc để thu hút du lịch. Trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, Đào Duy Từ đã cố vấn nhà Nguyễn xây dựng lũy Trường Dục ở phía Tây Quảng Bình, sau đó là hàng loạt lũy với nhiều tên khác nhau – nhưng thực chất là cùng trong hệ thống Trường Dục – đã ra đời, vươn vào xứ Đàng Trong, đi qua Quảng Nam.

Lũy được đắp đất, kè đá, xây trạm gác… Nhưng thứ quan trọng nhất chính là bờ lũy dài bằng tre, kéo dài từ Nam Quảng Bình (cụ thể là bờ Nam sông Gianh) vào tận Quảng Ngãi, lũy bò dọc phía Đông Trường Sơn và có những đới đứt do sông núi hiểm trở. Có thể nói bức tường tre dạt về phía Tây của lũy là bức lũy ít tốn công nhất và cũng an toàn nhất trong lịch sử. Mỗi tỉnh chỉ chịu trách nhiệm trồng một bức rào bằng tre dày từ 3 đến 4 mét che dọc dãy Trường Sơn, độ dài bằng với địa phận hành chính của tỉnh đó là xong, mỗi huyện có một cổng tre (trước khi gặp cổng và đồn có xây dựng hẳn hoi) để tiện bề giao lưu với Tây Trường Sơn và quan sát núi non, các cổng này có lính gác chặt chẽ như lính biên phòng bây giờ. Tre trồng mùa Thu, trước mùa mưa, khi mùa mưa đến thì bén rễ, chỉ sau một năm, lũy Trường Dục chính thức phát huy hiệu dụng.

Và nói tới lũy Trường Dục, người ta xem đó là một bảo tàng sống về tre. Hầu hết các chủng loại tre đều có mặt nơi đây, từ tre đặc có gai của Quảng Nam, Quảng Ngãi đến tre nứa, tre lồ ô, tre trúc, tre đằng ngà, tre nu núc, tre cam đường, tre phân săn, tre luồng, tre gộc độc, tre Phật, tre quỷ, tre Kinh Kha, tre Trần Hưng Đạo… của Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn…

Có hàng trăm loại tre, tên tre khác nhau mọc nối đuôi trên lũy Trường Dục. Và cũng chỉ trên lũy Trường Dục mới có nhiều cái tên tre khá lạ lẫm, thú vị như vậy. Rất tiếc, lũy Trường Dục hiện nay còn lại những đoạn ngắn, thành một rừng tre ở phía Tây Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Những tỉnh khác như Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, lũy Trường Dục (tre) đã bị thiêu rụi do chiến tranh, chỉ còn lại những đoạn thành, trạm gác bằng đá trơ trụi. Và những rừng tre sống sót, những đoạn rời của lũy Trường Dục đang được ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi “chiếu cố” rất kĩ. Không biết sự việc diễn ra gần 10 năm, nay đã đến đâu?

Tại xứ Quảng Nam, ngoài những lũy dài ở vùng B Đại Lộc với nhiều loại tre khác nhau mà tương truyền tuổi thọ đã vài trăm tuổi, người dân vẫn quen gọi là “tre lũy thầy”. Xuôi theo dòng Thu Bồn và Vu Gia, những lũy khác có thể thấy ở các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn… Có lũy còn tên, có lũy mất tên trên bản đồ hành chính nhưng còn tên trong ký ức dân gian. Ví dụ như Cổ Lũy ở Tam Đàn (Phú Ninh), Cao Lũy ở Quế Phú (Quế Sơn), Đăng Lũy ở Duy Thành (Duy Xuyên), Uất Lũy, Khúc Lũy ở Điện Minh (Điện Bàn). Còn nhiều lũy nữa.

Tre bên bờ sông Thu Bồn
Tre bên bờ sông Thu Bồn.

Uất Lũy đóng trên một con sông cổ, sau này bồi lấp toàn bộ, còn lại một đoạn bàu, gọi bàu ấu. Uất Lũy dài chừng 5km, rộng chừng 50 mét, toàn tre gộc và đằng ngà. Chừng 10 năm trước, đứng trên một đoạn đê chắn ngang bàu ấu ngắm sen nở và lũy tre đong đưa trong nắng chiều thì chắc khó đâu đẹp bằng. Nhưng hiện tại, nhà nước đang có kế hoạch lấp bàu ấu, còn Uất Lũy chỉ còn tên thôn, tre đã được “đấu giá”, trong vòng chưa đầy một tháng, không còn lũy nào. May là Khúc Lũy vẫn còn những con đường tre khúc khuỷu qua từng xóm khá đẹp và thơ mộng. Nhưng tình trạng “tre mùa đi vắng” cũng đang diễn ra rất nhanh ở khắp các lũy.

Các phiên bản tinh thần của lũy Trường Dục tại Quảng Nam (vùng đất mệnh danh cách mạng theo đúng nghĩa gốc) còn được nhìn thấy ở nhiều việc khác. Ví dụ như chuyện Phạm Phú Thứ làm cách mạng trong nông nghiệp. Ông mang mô hình bánh xe đạp từ nước Pháp về để lắp đặt lần đầu trên sông Thu Bồn. Điều này làm cho Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch bày tỏ ngưỡng mộ bằng cách viết nguyên một chương trong Hoàn vũ luận, cuốn sách được xem là mới mẻ nhất thời phong kiến về tư duy chính trị và khoa học.

Ngoài bảo tàng tre Trường Dục, còn một bảo tàng tre khác của một vị sư ở núi Sơn Trà (Đà Nẵng). Đây có thể được xem là bảo tàng lớn nhất của các loài tre. Nhưng có một điều hơi ái ngại là hầu hết các loại tre trên thế giới chứ không riêng gì tre Việt, ngay cả tre Tây Tạng, tre Nhật, tre Trung Hoa, tre Lào, tre Thái Lan… đều có mặt ở bảo tàng này. Nó được xem là bảo tàng tre thế giới thu nhỏ, nhưng lại không thể xếp vào diện bảo tàng tre Việt Nam, hoặc bảo tàng tre Quảng Nam.

Tre trong tâm thức dân gian

Nói cho cùng thì cái bảo tàng tre lớn nhất lại nằm trong dân gian, trong những lũy tre làng, những rặng tre ven sông, những bụi tre trước sân nhà… Đặc biệt, những bụi tre trước sân nhà rất hiếm hoi trong phối cảnh nông thôn Việt Nam. Nhưng nhà nào có bụi tre trước nhà thì chủ nhà của nó phải rất đặc biệt.

Nhà tre lợp tranh.
Nhà tre lợp tranh.

Bởi vì người Việt quan niệm tre là loài cổ thụ của cổ thụ. Gốc tre đến 100 năm mới trổ hoa và gốc tre được tính là trối tre, nghĩa là một trối tre có đến hàng trăm cây tre, nếu trối tre đủ 100 năm thì những cây tre con chỉ mới mọc chừng 3 năm vẫn đồng loạt trổ hoa. Dân gian tin rằng khi tre trổ hoa là điềm lành dữ song hành. Sau khi mùa màng tươi tốt, khí vận phúc phồn, nông dân được mùa, thì ruộng đồng bị chuột phá tan hoang.

Hoa tre là loại thần dược có công dụng cao và an toàn gấp trăm lần so với các loại thần dược “ông uống bà khen”. Trong rượu Minh Mạng, ngoài hàng trăm thứ dược liệu quý, kể cả nhung hươu, nếu không có một ít hoa tre thì xem như chưa phải rượu Minh Mạng. Chính vì tính năng này cộng với vị ngọt và mùi thơm rất dễ chịu của hoa tre mà chuột rất ưa ăn loại hoa này. Và khi chuột ăn hoa tre thì khả năng và chu kỳ sinh sản của nó tăng nhanh so với bình thường. Thử tưởng tượng một mùa hoa tre kéo dài trong vòng ba tháng với những đàn chuột đẻ nhanh, đẻ nhiều, thì mùa màng không hư hại mới lạ.

Tre cũng là nơi trú ngụ của những linh hồn không nơi nương tựa. Những câu chuyện thần thoại hoặc ma quái của người Việt thường gắn với bụi tre. Thế nên người ta xem những người trồng bụi tre trước nhà là người “không bình thường”.

Mà cái không bình thường thấy rõ nhất là họ dành thời gian quá nhiều cho bụi tre, từ việc quét lá, đốt lá mỗi ngày đến việc rong cành, nhánh, chặt tỉa bớt những cây có nhiều gai, không đẹp… rồi treo một cái võng nằm dưới bụi tre trong những đêm trăng. Đến thời bây giờ, khi mà những bụi tre dần vắng bóng trong “công cuộc” kiến thiết, xây dựng định cư, tái định cư, từng mống tre, từng củ trối bị xe múc đào lên như đào khoai, sức bám của tre vào lòng đất không đủ mạnh bằng sức đào của cơ giới và tham vọng bê tông hóa… Thì nhìn lại hình ảnh những chiếc võng đong đưa dưới bụi tre mát, dưới nắng hè râm ran tiếng ve, cứ như huyền thoại hoặc cổ tích gì đó.

Và có một thực tế là tre càng ngày càng vắng bóng ở làng quê, bây giờ người ta không ai muốn giới thiệu “tôi ở làng này, tôi ở làng kia…” như ngày xưa, mà người ta muốn nói dõng dạc rằng “tôi ở nhà số… đường số/tên… phường… thị xã/thành phố…”. Ngôi làng đã chính thức mất dấu trong bản đồ hành chính kể từ khi cơ giới hóa, bê tông hóa và đô thị hóa lên ngôi.

Tre thì làm bạn với pheo

Bác mẹ ta nghèo, nên dễ thương nhau.

Nhưng vẫn có những ngôi làng, mặc dù đã mất tên từ lâu, nó vẫn còn đọng trong trí nhớ của nhiều người. Và mỗi khi gặp đồng hương nơi phương xa, người ta nói với nhau rằng “tôi ở làng… gần với làng anh, chúng ta là đồng hương”. Hình như quê hương chỉ gắn với thôn làng, hình như tâm hồn Việt chỉ mềm mại và đa cảm khi bóng tre vẫn la đà trong tâm thức và giọng nói! Có lẽ vì vậy, mà với một số người, căn biệt thự không có giá trị bằng ngôi nhà tranh nơi làng quê!

Phương Ngạn

Theo ấn phẩm  24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục