Lưu luyến Tam Hải

Mỗi lần trở lại với xã Tam Hải (Núi Thành) – hòn đảo bình yên, ngồi dưới bóng dừa xanh, mặc con sóng vỗ, lòng nghe bao nỗi niềm lưu luyến.

Cảnh đẹp nơi biển đảo Tam Hải. Ảnh: H.Liên
Cảnh đẹp nơi biển đảo Tam Hải. Ảnh: H.Liên

Tam Hải – hòn đảo nhỏ xinh đẹp, nơi có những góc bình yên đến lạ, nơi con người có thể hòa nhập cùng thiên nhiên rộng mở, trữ tình. Mỗi lần đến xã Tam Hải là mỗi lần có cảm giác thân quen như gặp lại cố nhân xưa cũ. Đây là nơi mà mỗi buổi sáng sớm tinh mơ hay buổi hoàng hôn dần buông, có thể đi chân trần trên bãi cát trắng, ngồi dưới những gốc dừa xanh để cảm nhận cảm xúc của bức tranh thiên nhiên đang hiện ra trước mắt…

Cây dừa nơi cửa biển, cửa sông có sức sống bền bỉ chẳng kém cạnh những cây phi lao, rừng dương, là “lá chắn xanh” của cư dân đảo. Thân dừa chằng chịt những vết tích thời gian, cũng như tính cách mạnh mẽ, bền bỉ của người phụ nữ xứ đảo. Đàn ông trai tráng Tam Hải bám biển dài ngày, những người phụ nữ vừa là hậu phương vững chắc chờ chồng, vừa vất vả với cuộc mưu sinh nơi những chợ cá, quán nước, quán ăn, với nghề làm dầu dừa, làm bánh… Nhiều phụ nữ xã đảo còn vất vả cùng chồng hoặc thay phần việc để chồng yên tâm ra khơi, quần quật bên những đìa tôm rộng lớn…

Một lần, chúng tôi được bà Huỳnh Thị Tùng (thôn Đông Tuần) cho tá túc suốt 2 ngày đêm. Căn nhà cấp 4 nhỏ của bà rất sạch sẽ, thoáng mát. Bà Tùng được phụ nữ xã đảo kể rằng đã có nhiều năm làm huấn luyện viên thể dục dưỡng sinh và là “cây văn nghệ” ở đảo, từng tham gia nhiều cuộc thi, liên hoan tiếng hát ở xã, huyện và tỉnh. Mỗi sáng, bà thức dậy sớm, cùng với phụ nữ trên đảo tập thể dục dưỡng sinh. Tầm 5 – 6 giờ về tới nhà, bà lập tức vào bếp để có bữa sáng đãi khách.

Buổi trưa và tối, dù bận rộn, bà vẫn để sẵn nguyên liệu nấu ăn, chờ chúng tôi, dù đã được báo trước là về muộn. Trước sự nồng hậu ấy, chúng tôi đành thu xếp việc về sớm để ăn bữa cùng bà. Những bữa ăn bà nấu dù chẳng phải là thứ sơn hào hải vị nhưng đầy ấm áp, gói ghém những ân tình của đảo. Tam Hải còn có những ngư dân dạn dày sương gió như lão ngư Huỳnh Văn Đạo (thôn Thuận An). Một lần dạo biển chiều muộn, chúng tôi bắt gặp hình ảnh ông lão đứng nhìn xa xăm về phía biển, nơi những cơn sóng bạc đầu, chất chứa nỗi niềm và chúng tôi thân thiết với lão ngư từ đó. Ông Đạo là người hiểu biết lịch sử, văn hóa làng. Gặp ông, những câu chuyện về biển đảo cứ mênh mang, mỗi lời kể thấm đẫm nỗi niềm với biển…

Tam Hải vẫn chưa thể là hòn đảo du lịch dù sở hữu những thắng cảnh tuyệt mỹ, những ân tình chan chứa như thứ hương réo gọi cảm giác muốn khám phá, tìm về!

Hoàng Liên
Theo Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục