Lựa chọn phát triển bền vững nguồn năng lượng

Lựa chọn phát triển nguồn năng lượng nào để vừa duy trì phát triển công nghiệp vừa phát triển bền vững?

Giữa cái nắng cháy da thịt cuối mùa khô, trên công trường hơn 250 héc ta cằn cỗi không một bóng cây tại xã Thuận Thành, Thuận Bắc, Ninh Thuận, cả ngàn công nhân hối hả lắp đặt các tấm pin tại dự án điện mặt trời. Với số vốn đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng, công suất 356 MW bao gồm cả một phần điện gió, dự án năng lượng sạch này có quy mô bậc nhất trong số các dự án cùng loại đã và đang được triển khai tại Việt Nam.

Theo báo cáo Ngành năng lượng của World Bank, ngành điện Việt Nam là một trong những ngành thành công nhất ở các nước đang phát triển với 99,9% số xã và 99% số hộ nông thôn có điện lưới. Cuối năm 2018 ước tính công suất nguồn điện nội địa đạt khoảng 42 GW, dự kiến tăng lên 60 GW vào năm 2020 và theo kế hoạch năm 2030 đạt 100 GW nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hiện đại hóa. Một cách khác nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng gấp đôi sau khoảng chín năm. “Để đáp ứng mục tiêu này,

mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới trong giai đoạn từ 2018 đến 2030. Từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 8 – 12 tỉ đô la Mỹ, cao hơn mức bình quân tám tỉ đô la Mỹ mỗi năm trong giai đoạn trước đây, với sự chuyển dịch đầu tư ngày càng tăng vào năng lượng tái tạo, nhiệt điện và hạ tầng lưới điện,” báo cáo của World Bank viết.

Tại thời điểm cuối năm 2015, ngành điện Việt Nam có cơ cấu khá tập trung với thủy điện lớn chiếm 28%, nhiệt điện 33% và điện khí 20%. Nhiệt điện chạy bằng dầu chiếm 2,3%, thủy điện nhỏ chiếm 5,1%, còn năng lượng tái tạo gồm điện sinh khối, điện gió và điện mặt trời chiếm 0,4%. Quy hoạch ngành điện VII, đến năm 2030, cơ cấu dịch chuyển ngành điện có sự thay đổi đáng kể: nhiệt điện than chiếm 43%, thủy điện giảm xuống còn 17% do các dự án thủy điện lớn đã hết dư địa mở rộng, điện khí chiếm 15%, điện gió chiếm 5%, điện mặt trời chiếm 9%… Điểm đáng chú ý theo quy hoạch này Việt Nam dự kiến tăng thêm khoảng 40 GW điện qua việc xây dựng khoảng 40 nhà máy điện than, đi ngược với xu thế ngành năng lượng thế giới đang tập trung vào vấn đề xử lý khí thải CO2 nhằm thỏa mãn tiêu chí phát triển bền vững.

Theo giới phân tích, nhiệt điện than có nhiều ưu điểm: xây dựng nhanh, suất đầu tư ban đầu thấp, hoạt động ổn định và Việt Nam đã có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án quy mô lớn. Mặt trái, sự phát triển nhiệt điện than khiến Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch nhập khẩu trong tương lai gây rủi ro về an ninh năng lượng, kèm theo đó là những tác động tiêu cực về môi trường, y tế, khí hậu và kinh tế… mà suất đầu tư thấp ban đầu chưa phản ánh đúng, đủ các tác động lâu dài.

Tỷ lệ công suất các nguồn điện theo dạng nhiên liệu năm 2015. Nguồn: Bản quy hoạch điện VII
Tỷ lệ công suất các nguồn điện theo dạng nhiên liệu năm 2030. Nguồn: Bản quy hoạch điện VII

Báo cáo Chi phí sản xuất điện tái tạo năm 2017 của cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) cho biết, chi phí đầu tư ngành năng lượng tái tạo sẽ trở nên rất cạnh tranh vào năm 2020. Theo báo cáo này, xét trên quy mô toàn cầu chi phí sản xuất điện gió trên đất liền đã giảm khoảng 23% giai đoạn 2010 – 2017. Nhiều dự án điện gió trên đất liền hiện đang được vận hành thường xuyên với mức chi phí 4 cent/kWh. Mức trung bình trên toàn cầu trong một năm qua là 6 cent/kWh. Trong khoảng thời gian này chi phí sản xuất điện mặt trời giảm 73% xuống dưới 10 cent/kWh..

Hiện nay, Chính phủ đang đưa ra các ưu đãi đầu tư cho năng lượng tái tạo, đối với năng lượng mặt trời giá mua 9,35 cent/kWh, đối với điện gió trên bờ và gần bờ tương ứng là 8,5 cent/kWh và 9,8 cent/kWh nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư. Tại Việt Nam, nhiều tập đoàn tư nhân lớn đã mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo như TTC, Bitexco… và có khá nhiều nhà đầu tư tư nhân huy động vốn đầu tư các dự án quy mô nhỏ dưới 30 MW. Trong nửa đầu năm 2018, có 8 dự án điện gió và mặt trời được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cam kết với số vốn khoảng 1,5 ti đô la Mỹ. Báo cáo của GreenID, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập với mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam, đánh giá với điều kiện tự nhiên, nếu phát triển đúng đắn, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050.

Giang Thanh
Theo forbesvietnam.com.vn

*Lựa Chọn Bền Vững – tựa theo tạp chí in Forbes Việt Nam, số 72, tháng 05.2019.

Cùng chuyên mục