Loay hoay giãn khách phố cổ

Diện tích nhỏ hẹp, lượng khách gia tăng liên tục, không gian phố cổ Hội An đã trở nên chật chội vào những giờ cao điểm. Giải pháp nào cho bài toán này?

Phố cổ Hội An đã trở nên quá chật chội. Ảnh: K.L
Phố cổ Hội An đã trở nên quá chật chội. Ảnh: K.L

Điều tiết khách trong ngày

Ông Nguyễn Phương Đông – Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP. Hội An cho biết, vào những khung giờ cao điểm (15 – 21 giờ) không gian phố cổ rất chật chội, nhất là khu vực phía tây phố cổ (hướng Chùa Cầu). Thậm chí, thời điểm khoảng 7 – 8 giờ tại một số tuyến đường như Trần Phú, Nguyễn Thái Học ken kín người, rất bức bí, chật chội.

Hội An có diện tích đất liền khoảng 45km2, riêng diện tích phố cổ gần 2km2, dân số toàn thành phố hơn 92 nghìn người. So với bình quân cả nước, mật độ dân số Hội An cao gấp 7 – 8 lần và gấp 40 lần so với mật độ chuẩn thế giới, trong đó mật độ dân số phố cổ hiện đã hơn 10 nghìn người/km2. Năm 2018, hơn 2,3 triệu lượt khách mua vé tham quan phố cổ (chưa tính khoảng 30% khách không mua vé hoặc người dân kinh doanh, sinh sống trong phố cổ), bình quân mỗi ngày phố cổ Hội An đón 7.000 – 9.000 lượt khách. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 10 nghìn khách/ngày trong những năm tới.

Thành phố nên nhanh chóng điều chỉnh tăng giá vé hoặc đổi sang vé dịch vụ bằng cách phát hành 2 loại vé với 2 mệnh giá khác nhau: vé buổi sáng đến 14 giờ (giá thấp), từ 14 đến 22 giờ (giá vé cao hơn) nhằm giảm lượng khách tập trung vào buổi chiều tối quá nhiều. Ngoài ra, cần kết nối với các công ty du lịch, các hãng lữ hành để nắm bắt được lượng khách đến khu phố cổ hàng ngày để có cơ sở điều tiết lượng khách. Riêng đối với khách lưu trú tại các khách sạn ở Hội An, thành phố cần có cơ chế ưu đãi về vé như 5 khách trở lên được giảm 1 vé tham quan… sẽ giúp cân bằng lượng khách vào phố cổ” – ông Đông đề xuất.

Việc triển khai đề án “Phố văn hóa Việt - Pháp” tại đường Phan Bội Châu vẫn diễn ra chậm chạp. Ảnh: K.L
Việc triển khai đề án “Phố văn hóa Việt – Pháp” tại đường Phan Bội Châu vẫn diễn ra chậm chạp. Ảnh: K.L

Có thể thấy, dù gia tăng mạnh trong vài năm gần đây nhưng không gian và thời gian tham quan của khách không đồng nhất. Phần lớn tập trung vào một số thời điểm nhất định trong ngày, đồng thời phân bố chủ yếu khu vực phía Tây và bên An Hội; ngược lại khu vực phía Đông và buổi sáng khá vắng vẻ. Thời gian qua, TP. Hội An cũng đã triển khai nhiều giải pháp như mở rộng phố đi bộ xuống khu vực chợ Hội An; mở chợ đêm Trần Quý Cáp – Bạch Đằng; đặc biệt, triển khai đề án quy hoạch xây dựng Phố văn hóa Việt – Pháp trên đường Phan Bội Châu, nhưng đến nay hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Năm 2018, TP. Hội An đón gần 5 triệu lượt khách tham quan lưu trú, dự kiến năm 2019 là 5,7 triệu lượt khiến áp lực lên phố cổ sẽ càng gay gắt. Nhiều chuyên gia cho rằng, để hạn chế áp lực lên phố cổ, thành phố cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bởi lượng khách du lịch đến Hội An sẽ không dừng ở con số 5 hoặc 6 triệu, chắc chắn còn cao hơn trong những năm đến.

Theo ông Bùi Văn Dũng – Bí thư Đảng ủy phường Minh An, năng lực chịu đựng của phố cổ có hạn, đến một thời điểm sẽ đạt ngưỡng, nên ngay bây giờ cần có giải pháp mang tính chiến lược. “Đó không chỉ là lượng khách gia tăng mà còn nhiều vấn đề phát sinh như rác thải, nước thải, hàng rong…, rộng hơn là môi trường xã hội cũng sẽ bị tác động” – ông Dũng phân tích.

Cần hạn chế xích lô chở khách vào phố cổ giờ cao điểm. Ảnh: K.L
Cần hạn chế xích lô chở khách vào phố cổ giờ cao điểm. Ảnh: K.L

Cũng theo ông Dũng, thời gian đến thành phố cần đầu tư, nâng cấp các bãi xe tập trung, hạn chế ô tô tiếp cận phố cổ bằng việc tăng cường đưa đón khách bằng xe điện vào phố tham quan. Đặc biệt, nhanh chóng nghiên cứu đầu tư bãi đậu xe phía Đông khu phố cổ để kéo giãn khách từ phía Tây xuống.

Thực tế, thời gian qua nhiều ý kiến cũng đã đề xuất việc cấm xe ô tô lưu thông trên đường Phan Châu Trinh và không cho xích lô vào khu phố cổ từ 15 đến 22 giờ gắn với việc tổ chức các hoạt động, sản phẩm du lịch xa trung tâm nhằm giảm bớt áp lực lượng khách vào khu phố cổ giờ cao điểm.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An khẳng định, thời gian qua thành phố cũng đã xây dựng nhiều giải pháp như mở rộng không gian tham quan ra ngoài phố cổ về các vùng ven, làng nghề như Cẩm Thanh, Thanh Hà, Cẩm Kim. Riêng với không gian phố cổ, thành phố đã và đang xây dựng các giải pháp mở rộng phố đi bộ về phía Đông đến các đường Phan Bội Châu, Nguyễn Duy Hiệu, kể cả Phan Châu Trinh, di dời bãi đỗ xe xuống phía đông để giãn khách ra khu vực phía Chùa Cầu, nên chắc chắn áp lực về sức chứa của phố cổ sẽ giảm trong thời gian đến.

Theo ông Trần Thái Do – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Á Đông Villas – chủ đầu tư Silk Sense Hội An River Resort, trước khi triển khai giải pháp nào cũng phải nghiên cứu về đối tượng khách, kể cả xây dựng dữ liệu nghiên cứu khoa học chứ không thể cảm tính. Bởi, Hội An là thành phố di sản nên cần sự quản lý thông minh, phải có cơ sở dữ liệu, kể cả phân tích lượng khách từng giờ, từng ngày. Đặc biệt, để nói phố cổ Hội An quá tải hay chưa, sức chứa bao nhiêu… cần phải có nghiên cứu khoa học chứ không thể mang tính cảm tính, phỏng đoán được.

Khánh Linh

Theo Quảng Nam Online

 

Cùng chuyên mục