Linh thiêng Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Sáng 16/3 Âm lịch tại đình làng xã An Vĩnh, người dân huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã long trọng tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.
Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ, tri ân các đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa giong thuyền đi khẳng định chủ quyền của nước ta đối với 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Ông Nguyễn Văn Phúc (trưởng ban quản lý đình làng An Vĩnh) cho biết Đội hùng binh Hoàng Sa được thành lập trên cơ sở tuyển chọn 70 dân đinh của làng An Vĩnh, thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nay là thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Điều này qua các ghi chép của Lê Quý Đôn và các nguồn sử liệu chính thức đã thể hiện rất rõ.
Vào thời chúa Nguyễn, việc tuyển chọn dân đinh để đi Hoàng Sa là làng An Vĩnh của xã Tịnh Kỳ và phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré, mà nay là xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn.
Đội hùng binh Hoàng Sa mỗi năm có 70 suất đi Hoàng Sa – Trường Sa, nguồn dân đinh này được lấy đều trong các tộc họ, không phân biệt tiền hiền hoặc hậu hiền và theo nguyên tắc luân phiên nhau. Có điểm cần chú ý là con trưởng không phải đi Hoàng Sa – Trường Sa vì ở nhà lo thờ cúng, chỉ có con thứ mới đi.
Theo tài liệu tại Nhà trưng bày hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn, đội dân binh Hoàng Sa hoạt động từ thế kỷ 17, đầu thời chúa Nguyễn đến giữa thế kỷ 19, sang đến thời Tây Sơn, với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết.
Trước khi xuống thuyền đi làm nhiệm vụ, mỗi người lính phải chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, 7 nẹp tre và 7 sợi dây mây, để nếu không may xấu số bỏ mạng trên biển thì những người còn sống sẽ dùng bó xác và thả xuống biển.
Trên ghe còn có nhiều vật dụng sinh hoạt như thùng chứa nước, thùng chứa gạo được làm bằng gỗ, củi nấu, nồi đồng nắp đậy bằng nan tre, chảo đồng… và những dụng cụ dùng để xử lý ghe những khi gặp sự cố lậu nước như dầu rái, vỏ cây tràm…
Hầu hết những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa là “có đi mà không có về”, nên người Lý Sơn mới lưu truyền câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng Hai khao lề thế lính Hoàng Sa”.
Ông Phạm Thoại Tuyền, người nằm trong ban khánh tiết đình làng An Vĩnh cho biết Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa còn có thể gọi là Lễ Khao lề tế lính Hoàng Sa. “Sở dĩ có điều này, là vì năm xưa, biết người lính có đi mà khó có về, nên ngoài làm lễ đưa họ ra thế lính cũ, thì còn làm luôn lễ tế họ” – ông Tuyền giải thích.
Tại Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, ban khánh tiết đình làng An Vĩnh và người dân sẽ tổ chức cầu siêu, làm mô hình thuyền bầu và hình nhân để thả ra biển, đua thuyền tứ linh…
An Vĩnh