Liệu có thể trông chờ vào khách du lịch Việt?

Khả năng mở cửa đối với khách du lịch quốc tế vẫn xa vời nên khách nội địa đang là cứu tinh cho ngành du lịch. Nhưng khi mùa cao điểm của du lịch trong nước qua đi, liệu thị trường có rơi lại vào cảnh đìu hiu như mấy tháng dịch bệnh Covid-19 hoành hành vừa qua?

Mặc dù sân bay và khách sạn ở những trung tâm du lịch biển đông đúc trở lại mấy ngày nay nhờ khách du lịch nội địa đổ xô đi nghỉ hè nhưng anh Nguyễn Sơn Thuỷ, Giám đốc công ty lữ hành Indochina Unique Tourist vẫn không cảm thấy vui. Trái lại, anh càng lo lắng hơn cho tương lai của ngành du lịch khi xem tình hình dịch bệnh Covid-19 và tăng trưởng kinh tế của các nước.

khach-du-lich-noi-dia
Ngắm hoàng hôn trên đảo Phú Quốc.

“Mùa cao điểm khách du lịch nội địa năm nay bắt đầu từ tuần này, nhưng lượng khách đặt không nhiều, chỉ rơi vào cuối tuần. Mùa nội địa cũng sẽ kết thúc vào cuối tháng 8, sau đó, du lịch Việt Nam sẽ trở lại “hoang vu” vì không khách nội địa, khách quốc tế càng không có”, anh Thuỷ tỏ ra bi quan.

Các điểm du lịch, khách sạn trên khắp cả nước đã rơi vào tình cảnh ảm đạm chưa từng có kể từ cuối tháng 2 vừa qua, khi Chính phủ quyết định đóng cửa với khách du lịch quốc tế để chống dịch Covid-19. Mặc dù ngành giao thông, du lịch cố gắng trình Chính phủ phương án mở lại một số đường bay quốc tế từ tháng 8, nhưng do diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp với số ca nhiễm vượt 14 triệu và hơn 590.000 người tử vong, anh Thuỷ tiên liệu khó có thể sớm mở cửa trở lại với khách quốc tế.

“Nếu mở cửa thì sẽ ưu tiên các nước châu Á, Đông Nam Á, Đông Bắc Á. Nhưng kinh tế các nước này đang tăng trưởng âm thì làm sao người dân có tiền đi du lịch. Nếu có đi thì cũng nhỏ lẻ và chậm chạp giống như khách nội địa vậy”, theo lời vị giám đốc hãng lữ hành có trụ sở tại Quảng Nam, nơi có ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Trong khi khách du lịch quốc tế vắng bóng, một số hãng lữ hành, các khách sạn đang trông chờ vào nguồn khách du lịch nội địa có thể bù đắp phần nào thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Kỳ vọng này phần nào có cơ sở khi theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, có tới 85 triệu lượt khách du lịch nội địa năm ngoái. Đó là chưa kể hàng chục triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài mỗi năm.

Sau mấy tháng đóng cửa hoặc kinh doanh èo uột, ngành du lịch – khách sạn một số nơi như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long nhộn nhịp trở lại từ tuần này khi cao điểm mùa du lịch bắt đầu giữa lúc học sinh bước vào kỳ nghỉ hè.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Danang tiết lộ, khách sạn đã kín phòng trong một số ngày qua và tình hình cũng khả quan trong vòng một tháng tới. Đại diện Best Western Premier Sonasea Villas & Resort trên đảo Phú Quốc cũng cho biết, mặc dù số lượng phòng lớn, với 539 căn hộ và 16 biệt thự, nhưng công suất phòng một số ngày của khách sạn này cũng lên tới 90%. Đặc biệt, những du thuyền hạng sang ở Hạ Long và Lan Hạ vốn chỉ phục vụ khách nước ngoài cũng thường xuyên kín khách đến giữa tháng 8.

khach-du-lich-noi-dia
Sân bay đông nghẹt khách du lịch vào mùa cao điểm nghỉ Hè.

Mặc dù khách nội địa đông hơn, tâm trạng của những người kinh doanh du lịch, khách sạn cũng bớt ảm đạm phần nào, nhưng trên thị trường, còn nhiều khách sạn và công ty du lịch vẫn đóng cửa hoặc nếu có hoạt động thì cũng cầm chừng.

Ông Thuỷ cho biết, ngay chính công ty ông cũng chưa hoạt động trở lại kể từ khi buộc phải đóng cửa từ mấy tháng trước. Là hãng lữ hành chuyên phục vụ khách quốc tế nên khi thị trường quốc tế đóng cửa, công ty có thử làm vài đoàn khách nội địa, nhưng do chưa chuẩn bị sẵn kỹ năng cho thị trường này nên ông Thuỷ cũng quyết định dừng luôn. Một số hãng lữ hành phục vụ khách nội địa chỉ hoạt động để nhân viên có việc làm và cũng chỉ hoạt động 10% công suất. “Lãi ít nên họ không mặn mà lắm”, ông Thuỷ nói.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp du lịch, khách sạn chuyên phục vụ khách du lịch quốc tế đã không kịp thay đổi để chuyển hướng phục vụ khách du lịch nội địa. Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc công ty chuyên cung cấp nhân sự ngành khách sạn Hoteljob tiết lộ, có người là chủ sở hữu vài khách sạn ở Hội An đã từng công khai thừa nhận họ không biết khai thác thị trường khách nội địa thế nào, phục vụ ra sao, nên mặc dù đến mùa cao điểm khách nội địa vẫn phải chấp nhận đóng cửa khách sạn.

Chủ sở hữu một khách sạn hơn 60 phòng ở Đà Nẵng cho biết, trước đây, khách sạn chủ yếu phục vụ khách đoàn, đặc biệt là khách Hàn Quốc, nên khi chuyển sang khai thác khách nội địa cũng bỡ ngỡ. Tuy nhiên, chị cũng không trông chờ vào khách nội địa vì giá bán phòng quá thấp, nếu bán cho khách đoàn nước ngoài trước đây khoảng 950.000 đồng/đêm, thì giờ chỉ có thể bán chưa đầy 500.000 đồng/đêm cho đoàn trong nước. Nguồn thu vì thế không đủ bù chi nên khách sạn cũng buộc phải cắt giảm nhân viên và giảm một số dịch vụ như ăn sáng chuyển từ buffet sang chọn món.

“Chắc chắn mỗi tháng chúng tôi vẫn phải bù lỗ hơn trăm triệu, biết mở cửa là lỗ những vẫn bắt buộc phải mở vì khách sạn cần có hơi người”, chị cho biết và tỏ ra bi quan không biết đến bao giờ tình hình mới trở lại bình thường.

Ngay như những người đang hứng khởi trở lại với lượng khách đặt phòng đông vào mùa cao điểm trong nước như ông Quỳnh cũng cảm thấy “niềm vui sẽ ngắn chẳng tày gang”. Khách du lịch trong nước đổ xô đi du lịch thời điểm này vì họ đã “cuồng chân” sau một thời gian dài bị “giam lỏng” tại nhà do giãn cách xã hội, kết hợp với các chương trình khuyến mãi sâu, như giảm 30% giá phòng khách sạn so với thông thường.

“Khách nội địa chủ yếu du lịch theo mùa vụ. Khi hết mùa cao điểm thì công suất phòng mà đạt được 30 – 40% là may mắn lắm”, ông Quỳnh nhận định.

Phải đánh thức tiềm năng du lịch nội địa

Khẳng định tiềm năng thị trường du lịch nội địa rất lớn nhưng ông Quỳnh cho rằng không dễ khai thác để đưa thị trường này thành nguồn sống ổn định thường xuyên cho ngành du lịch – khách sạn trong nước. Lý do là vì, khách nội địa chỉ đông vào dịp hè và lễ tết, còn vào những thời điểm khác thì rất ít.

“Nếu các nước mở cửa trở lại thì những người Việt có thu nhập cao sẽ lại đi du lịch nước ngoài ngay”, ông Quỳnh khẳng định. Vì thế, muốn phát triển thị trường khách du lịch nội địa, cần quảng bá mạnh chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, trong đó, không đơn thuần chỉ giảm giá để kích cầu mà cần có những chính sách gìn giữ vẻ đẹp cảnh quan, văn hoá đặc sắc của các vùng miền, để “người Việt Nam yêu Việt Nam hơn”.

“Nếu bờ biển cứ bị xé lẻ, cảnh quan bị tàn phá thì khó có thể níu kéo người Việt đi du lịch trong nước”, ông Quỳnh cảnh báo.

Trong khi đó, ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO cho rằng, muốn phát triển thị trường du lịch trong nước, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi tư duy, mà chính những người làm du lịch cũng phải tự thay đổi, từ suy nghĩ đến cách làm, từ đó mới có thể níu chân được du khách ở trong nước thay vì phải đi nước ngoài.

Ông Đức đặt vấn đề: “Tự hỏi mấy bạn nước ngoài sang Việt Nam dạng Tây ba lô, nếu so về mức chi tiêu, thì còn xa mới bằng mức dân Việt đi nước ngoài tiêu tiền. Trước mùa dịch năm nay, mỗi năm vẫn có 10 -12 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài. Vậy tại sao lại không tìm cách sử dụng nguồn khách này để thúc đẩy ngành du lịch phục hồi?”.

“Chúng ta tự hào mỗi năm xây dựng mới, quản lý và vận hành hàng nghìn phòng khách sạn tiêu chuẩn 4 – 5 sao quốc tế, vậy tại sao những khách sạn này lại không hướng vào phục vụ khách du lịch nội địa?”

Chính vì thế, điều cần làm, theo ông Đức, là cần tạo cho người Việt tự hào về các sản phẩm nội địa cũng như các địa danh, thắng cảnh trong nước.

“Tại sao phải chụp ảnh check-in tượng nhân sư ở Singapore mà không chụp ảnh bến Nhà Rồng hay toà nhà Landmark 81 ở TP. HCM? Sao phải đi Phuket hay Koh Phi Phi chụp hình mới sang chảnh mà không phải cầu Vàng ở Đà Nẵng, dạo phố Hội An, ngủ đêm trên vịnh Hạ Long hay khu nghỉ dưỡng nào đó ở Phú Quốc? Đây đều là những trải nghiệm mơ ước của bao du khách quốc tế, tại sao người Việt lại không hưởng thụ?” ông Đức tâm tư.

khach-du-lich-noi-dia
Khu nghỉ dưỡng Novotel Phú Quốc.

Bên cạnh những cảnh đẹp mà người Việt còn chưa khám phá hết, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, chính những người làm du lịch hãy thay đổi tư duy để phục vụ khách Việt như phục vụ khách nước ngoài, từ đó mới tạo được ấn tượng với khách du lịch trong nước.

Ông Đức chỉ ra một thực tế đáng buồn là, do phải chật vật đối phó với dịch Covid-19 mà một số khách sạn hạng sang, kể cả thương hiệu quốc tế, cũng phải tìm cách tiết kiệm, bớt được chi phí tý nào hay tý đó như tắt bớt bóng điện, giảm bớt dịch vụ, thay buffet bằng bữa sáng a-la-carte, giảm bớt ngày làm, giảm bớt nhân sự… Vì cắt giảm dịch vụ nên càng không hấp dẫn du khách nội địa, nguồn khách vì thế lại không có.

“Điều cần làm là phải thay đổi ngay từ suy nghĩ của người làm du lịch, rồi phải nghĩ cách thay đổi tư duy của người Việt.”.

“Những người làm du lịch hãy đưa ra gợi ý để cộng đồng du lịch bổ sung vào “danh sách ưa thích” của mình, như thế chúng ta sẽ khai thác được tiềm năng du lịch của nước nhà và sẵn sàng cho sự phát triển vượt trội khi khách quốc tế được phép quay trở lại”, ông Đức nói.

Chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch nội địa cũng là vấn đề được ông Thuỷ, công ty Unique Indochina, cho rằng là chìa khoá để phát triển thị trường nội địa. Theo doanh nhân này, tình hình kinh doanh khách sạn trong mùa hè này cho thấy, những khách sạn làng nhàng rất khó sống, trong khi khách sạn rẻ tiền hẳn, hoặc sang trọng hẳn lại hoạt động rất tốt.

Ông Thuỷ dẫn chứng không thể đặt phòng tại một khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Nha Trang, nơi có giá phòng lên tới 50 triệu đồng/đêm cho một biệt thự mặt biển dành cho gia đình. Bạn bè ông cũng không thể đặt phòng ở một khách sạn được bình chọn là sang trọng nhất thế giới ở Đà Nẵng, dù giá phòng khuyến mại cũng gần 10 triệu đồng/đêm.

“Điều đó chứng tỏ vẫn có một bộ phận du khách Việt rất giàu mà nếu khai thác được thì ngành du lịch vẫn có thể sống được”, ông Thuỷ nói.

Ông Đức cũng tin rằng, nếu đánh thức được tiềm năng du lịch nội địa, ngành du lịch Việt Nam có thể phục hồi, thậm chí phát triển ngoạn mục trong thời gian tới, bởi lượng khách gần 100 triệu lượt với sức chi tiêu đang là mơ ước của các cường quốc du lịch trên thế giới.

Giang Sơn

Theo theleader.vn

 

Link nguồn: https://theleader.vn/lieu-co-the-trong-cho-vao-khach-du-lich-viet-1595064485219.htm

Cùng chuyên mục