Lịch sử và di sản
Mỗi địa danh càng xưa cổ, càng gắn bó với nhiều thế hệ và trở thành lịch sử. Có nhìn và thấy tính lịch sử, tính di sản chung đó, như cả thế giới tiếc thương nhà thờ Đức Bà Paris, sẽ không triệt hạ tất cả, cho dù nhân danh hiện đại hóa.
Mỗi người đều có những ký ức về một số điều gì đó trong cuộc đời của mình.
Người Hà Nội có không ít điều, ký ức để mà yêu, mà nhớ… Người Sài Gòn cũng thế, như con đường Cường Để, sau đổi tên là đường Tôn Đức Thắng được che nắng mưa bởi hai hàng cây dầu trăm năm.
Tôi nay đã xấp xỉ 70, ngay khi còn bé đã nhìn thấy những cây dầu lão trượng này rồi. Qua lại trên con đường đó đã từng là một niềm hạnh phúc. Con đường Duy Tân cũng thế, đến nỗi được một nhạc sĩ đưa vào trong bài hát của mình: “con đường Duy Tân cây dài bóng mát… uống ly chanh đường”.Con đường đó sau thành đường Phạm Ngọc Thạch không còn yên ắng như xưa khi bây giờ biệt thự thành công sở, ngân hàng, nhà hàng, quán nhậu… làm sao đôi sinh viên Trường Kinh tế ra đó “uống ly chanh đường” được!
Địa điểm càng xưa cổ, càng gắn bó với nhiều thế hệ và trở thành lịch sử, thành di sản thế giới mà chẳng cần treo bảng của UNESCO.
Nhà thờ Đức Bà Paris nói riêng và Paris nói chung đã ăn sâu vào tâm trí rất nhiều người, để rồi nếu có dịp đến nơi sẽ không thấy lạ lẫm. Cảm giác đó, một trăm phần trăm “dân học chương trình Pháp” lần đầu đặt chân đến Pháp, đứng trước nhà thờ Đức Bà và sông Seine kế bên, đều cảm thấy “à đây rồi” thật thân thiết cho dù trước đó chưa hề đến!Chẳng qua, ngôi nhà thờ đó cùng dòng sông đó đã “sống” trong đầu họ từ băng ghế nhà trường qua các bài học lịch sử và ông Victor Hugo. Thành ra, tin nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy đã làm sửng sốt biết bao con tim trên thế giới cũng dễ hiểu…
Tháng 8/1944, tổng trấn Paris của quân Đức chiếm đóng là tướng Dietrich von Choltitz đã nhất định không tuân lệnh Hitler buộc phải phá hủy những gì quý giá nhất của Paris, chẳng phải vì ông “sính Tây” mà vì đã hiểu thấu nền văn hóa chung đó.
Mỗi thành phố có những điều “không thể nào quên” của mình, làm nên “cái tôi” hãnh diện của nó. Càng xưa, càng cổ, càng là lịch sử.
Đà Lạt ngày trước có đồi Cù. Đến đầu những năm 1990, đồi Cù của mọi người biến mất cùng với sự “ra đi” của những thế hệ đã từng “lăn lộn” trên đồi Cù, thay vào đó là một sân golf tường xây che kín cả một ngọn đồi. Tới đây có thể khu Hòa Bình, đồi Tỉnh trưởng… cũng không còn như trước nữa!Lịch sử của thành phố này trong toàn thể “trăm năm” của nó, từ quy hoạch đô thị, lề lối xây dựng tại một vùng đồi núi sao cho đồi núi đừng bị che khuất hay biến thành dị dạng bởi những mái nhà cùng vật liệu không thích hợp…
Những năm đầu thập niên 1970 và những năm gần đây, ở Đà Lạt đã xuất hiện nhiều nhà cao tầng, nhà mái tôn không “ăn nhập” gì tới kiến trúc chung, nên một số con đường đã mất đi tính cổ kính của một thành phố Tây giữa Đông Dương. Tính cổ kính ấy không chỉ là tài sản của Đà Lạt mà còn của cả thế giới cho dù chỉ ít người biết Đà Lạt.
Có nhìn và thấy tính lịch sử, tính di sản chung đó, như cả thế giới tiếc thương nhà thờ Đức Bà Paris, sẽ không triệt hạ tất cả, cho dù nhân danh hiện đại hóa.
Danh Đức
Theo Tuổi Trẻ Online