Lê Triều Điển: Hơn nửa thế kỷ sống và vẽ

Bắt đầu vẽ tranh từ trước năm 1965, nhưng đến năm 2005 ông mới bắt đầu thành công chút xíu về thương mại. Mấy chục năm sáng tác liên tục, có lẽ nhờ xem vẽ là lẽ sống, mà ngày nay Lê Triều Điển là một trong những tên tuổi thế giá của mỹ thuật đương đại Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Có mấy dòng “phù sa” chính làm nên họa giới Lê Triều Điển. Đầu tiên là sự bàng bạc của văn minh sông Mê Kông, của văn hóa Óc Eo và Phật giáo Nam tông. Tiếp đến là chất thơ được ông hấp thụ từ nhỏ, cũng như từ chính người vợ của mình: nhà thơ Phạm Thị Quý, tức họa sĩ Hồng Lĩnh. Thứ ba, đó là tinh thần tự do trong sáng tạo được ông chọn lựa như là một triết lý sống, triết lý này qua phong cách biểu hiện – trừu tượng càng được đơm hoa, kết trái.

hoa-si-Le-Trieu-Dien
Họa sĩ Lê Triều Điển

Trong phong cách biểu hiện – trừu tượng của Lê Triều Điển, ông còn tích hợp thêm ngôn ngữ ký hiệu, biểu tượng và lập thể. Nói chung mới nhìn thì thấy Lê Triều Điển vẽ dễ dàng, thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng ông vẽ dễ dãi, không biết vẽ. Nhưng khi bước qua các câu nệ cứng nhắc kiểu trường quy đó, mới thấy rằng Lê Triều Điển vẽ không cốt để đúng, để đạt tới sự đèm đẹp, mà vẽ như nhu cầu tự tại, vẽ với tinh thần nhi nhiên. Nói nôm na, với sự tự học và khổ luyện trong nhiều chục năm, Lê Triều Điển muốn vẽ phong cách nào, ngôn ngữ nào cũng có thể, chỉ cần tập trung một thời gian ngắn là xong. Cho nên, vẽ như ông đang vẽ chính là một chọn lựa, chứ không phải vì không thể vẽ, không biết vẽ như nhiều người lầm tưởng.

Lê Triều Điển vẽ tranh từ trước năm 1965, miệt mài không ngưng nghỉ, đôi khi chỉ tạm dừng vài tháng để làm gốm, đắp phù điêu, làm sắp đặt…, nhưng có lẽ đến năm 2005 ông mới bắt đầu thành công chút xíu về thương mại. Mấy chục năm sáng tác liên tục, tác phẩm của ông “vui vẻ” và “âm thầm” đi vào đời sống bằng nhiều cách, mà nếu nói về việc bán, là rất… “hữu nghị”. Vì sao vậy? Có lẽ do ngôn ngữ biểu hiện hồn nhiên mà ông sớm theo đuổi vẫn còn một khoảng cách khá xa với mặt bằng thẩm mỹ của giới chơi tranh trong nước. Thật vậy, chỉ khi Galerie Dumonteil – có trụ sở tại Paris, New York và Thượng Hải – phát hiện ra Lê Triều Điển sau này, tình hình mới thay đổi đến chóng mặt. Trong nước, họ lùng mua lại hầu hết tranh và các tác phẩm còn lưu hành “dân gian”; ở quốc tế, họ tổ chức những triển lãm lớn, tái định giá và nâng giá Lê Triều Điển lên mức cao chót vót.

hoa-si-Le-Trieu-Dien
Lê Triều Điển với tác phẩm Hành trình phương Tây (bên trái) và Hành trình phương Đông, cùng khổ 250cm x 1.000cm, vẽ năm 2019

Có được điều này, ngoài nhu cầu tự thân, Lê Triều Điển còn được sự hỗ trợ nhiệt thành của vợ. Trong căn nhà chật hẹp và đông con tại Gò Vấp, họ đã sống những năm tháng khó khăn, nhưng căn bản là vui vẻ. Những lúc bán được tác phẩm, dù ít dù nhiều, nhà thơ Phạm Thị Quý đều biết vun vén làm mấy phần, cho con ăn học và mua vật liệu cho chồng sáng tác là hai phần ưu tiên. Không có sự vun vén, sẻ chia, chịu khó này thì Lê Triều Điển khó đi trên một hành trình dài đằng đẵng và tốn kém như vậy. Tính từ năm 1968 đến nay ông đã có gần 15 triển lãm cá nhân và hàng trăm triển lãm nhóm, trong nghề sẽ biết những tốn kém là không nhỏ. Dường như chỉ có vài triển lãm gần đây do giới sưu tập và đầu tư làm là ông vừa không tốn kém, vừa được vinh danh.

Ngay sau năm 1975, khi trở về tỉnh Vĩnh Long, Lê Triều Điển đã xốc lại phong trào mỹ thuật tại đây, Phạm Thị Quý đã liền sát cánh. Chị lo từ biên tập ý tưởng, hoàn chỉnh văn bản cho tới cả chuyện bếp núc, hậu cần cho nhiều người. “Hội Tượng hình Cửu Long năng nổ, đa dạng và đa phong cách. Vừa say mê sáng tác, vừa đào tạo cả một lớp năng khiếu trẻ mang cùng một nghiệp dĩ nghệ thuật. Anh sắp xếp lưu hành cho từng lớp bằng hữu dự trại sáng tác, rồi bôn ba liên lạc các tỉnh từ miền Tây đến Sài Gòn, Đà Lạt,… để tổ chức nhiều buổi triển lãm hội họa” – nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm kể lại. Từ đầu năm 2001, Lê Triều Điển đồng sáng lập và làm chủ nhiệm CLB Mekong Art, quy tụ rất nhiều họa sĩ ở Nam bộ – đặc biệt các họa sĩ tự học – tham dự. Họ đã tổ chức hàng chục triển lãm quy mô ở nhiều nơi, ra tận miền Trung, miền Bắc và cả nước ngoài. Dấu ấn của nhà thơ Phạm Thị Quý – lúc này có thêm nghệ danh họa sĩ Hồng Lĩnh – là rất lớn. Hoàn toàn có thể nói nếu vắng chị, một cá tính lãng đãng như Lê Triều Điển khó làm nổi.

hoa-si-Le-Trieu-Dien
Hai tác phẩm của Lê Triều Điển được Galerie Dumonteil bày trang trọng tại Art Central Hong Kong 2016

Tất cả những điều vừa kể cùng hòa điệu để tái hiện nên vùng đất Nam bộ, hẹp hơn là đời sống người Khmer trong họa giới của Lê Triều Điển. Văn hóa Khmer, nơi mà từ nhỏ Lê Triều Điển đã hơn là sự yêu mến, nó là tự tình, là huyết quản. Đúng như nhận xét của nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm: “Tôi đi vào tranh Lê Triều Điển cũng bằng tâm thức đó. Thật sự nhiều lúc, với họa bút của Lê Triều Điển thay đổi theo từng giai đoạn thời gian, nên sự chuyển biến đã đưa đẩy ta bao nhiêu lần đi vào ngõ cụt của hiểu biết. Phải buông thỏng suy tư, chối bỏ sự năng động của trí óc, và phải đi thẳng vào thế giới riêng tư của họa sĩ. Xuyên qua lớp màu sắc, nhiều lúc bay lượn quanh ta làm ngộp đi cảm thông, làm choáng váng cả đầu óc trí khôn, biết đâu chừng giai đoạn tẩu hỏa nhập ma làm đảo lộn cả nhận thức…Sự cảm thông vi diệu, sự nhiệt tình lăn xả, hy sinh cho nghệ thuật của Lê Triều Điển, đã khiến tranh anh có một giá trị nhân bản cực hiếm”.

Hoàn toàn có thể nói tranh Lê Triều Điển khó trộn lẫn với bất kỳ họa sĩ nào. Trong nước, sau nhiều thập niên bị coi thường và lạnh nhạt, ngày nay tranh của ông đang dần được các nhà sưu tập có trình độ và sự độc lập về thẩm mỹ lùng kiếm. Ngoài nước, ông đang là tiếng nói thời danh của một số phòng tranh thương mại chuyên nghiệp.

hoa-si-Le-Trieu-Dien
Vợ chồng nhà thơ Phạm Thị Quý – họa sĩ Lê Triều Điển.

Từ nhỏ đã lênh đênh

Cuộc sống gia đình tôi đúng là ba chìm, bảy nổi, bốn lênh đênh. Ở Cả Kè được năm tháng, cả đoàn người phải bỏ lò gạch chuyển lên Phú Phụng. Về ở Phú Phụng bốn tháng, thấy cuộc sống không yên ổn, cả nhóm gồm mười gia đình kéo nhau về Vĩnh Long tìm nơi dựng lều trại để sống. Nơi đó là rạch Cá Trê, cách chợ Vĩnh Long hơn hai cây số. Về sống nơi gọi là ngoại thành nhưng không xa chợ lắm, trong khi người lớn lo tìm kế mưu sinh thì với tôi, đó là niềm vui, sự hào hứng, hân hoan khi tách khỏi ruộng vườn hoang vắng, ẩm ướt sình lầy, được nhìn thấy đường sá thênh thang, nhà cao cửa rộng, xe cộ tấp nập, chợ búa đông đúc. Cha tôi lại nhập vào nhóm đàn ca đình chùa, tối tối lại đi câu, kéo lưới. Má tôi và chị tôi mua cối đá xay bột làm bánh bán mỗi sáng cho bà con thôn xóm.

Xóm nhà tôi ở dọc bờ một con rạch nhỏ, là nhánh từ sông Thiềng Đức chảy vào. Sông Thiềng Đức là một nhánh của Cổ Chiên, chảy cặp theo chợ Vĩnh Long chảy về Long Hồ và chia ra nhiều nhánh nhỏ, trong đó, một nhánh gọi là rạch Cá Trê. Cặp sông Thiềng Đức thỉnh thoảng có vài chiếc tàu Tây neo đậu gần chợ Cầu Lầu. Bà con ở xóm cầu Cá Trê thương các gia đình chạy loạn nên cho mọi người che những chòi lá dọc bên đường phía bờ sông, bên kia đường là những ngôi nhà khang trang của các thầy Thông, thầy Ký, thầy Giáo…, và cô y tá. Sau các dãy nhà là bờ vườn, bờ ruộng, có cả sân bóng đá dành cho dân trong xóm, gần chùa Cao Đài, xã cất lên một rạp hát cải lương bằng tôn, vách lá, hàng tháng có đoàn về đây biểu diễn.

(Trích trong cuốn Hành trình phù sa của Lê Triều Điển)

Như Hà

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục