Lệ Quyên – Q show 2, xem và nghe gì trong live show 30 tỷ?

Q show 2 có 5 chương, với một mình Lệ Quyên hát hơn 2 tiếng rưỡi, hát liên tục cùng 25 nhạc công dàn nhạc giao hưởng và 12 nhạc công nhạc nhẹ với 3 không: không khách mời, không chiêu trò, không logo tài trợ trên sân khấu.

Cảnh quan sân khấu trong tiết mục mở màn Q show 2.
Cảnh quan sân khấu trong tiết mục mở màn Q show 2.

Có lẽ đây là live show nhiều cảm xúc nhất của Lệ Quyên từ trước đến nay. Hát một mình với gần 30 bài hát liên tục có lẽ không khó lắm đối với Lệ Quyên, cô đã được rèn ở phòng trà của mình hàng tuần rồi, nhưng đôi khi sự sung sức quá cũng không hẳn hòa chung nhịp cảm nhận của người nghe.

Nghe

Lệ Quyên đang hát cùng nhóm bè bài Mong ước kỷ niệm xưa – một bản hit nổi nhất của tam ca 3A ngày trước.
Lệ Quyên đang hát cùng nhóm bè bài Mong ước kỷ niệm xưa – một bản hit nổi nhất của tam ca 3A ngày trước.

Chuẩn bị đêm nhạc với tất cả sự sung sức nhất của mình, nên có cảm giác Lệ Quyên đã… sung ngay từ khi mở màn chương trình cho đến tận tiết mục sau cùng. Một sự sung sức hoàn hảo để hát live một mình một show từ đầu đến cuối, không có dấu hiệu bị đuối. Nhưng cũng chính vì thế, những ca khúc trong chương đầu tiên mang chủ đề Ấu thơ mà Lệ Quyên hát như Giọt sương trên mí mắt, Nhớ về Hà Nội, Mùa chim én bay, Lời tỏ tình của mùa xuân, Mong ước kỷ niệm xưa nghe không tệ nhưng cảm cái hay ở những ca khúc vốn quá nổi tiếng, vốn là bài hit của các ngôi sao thế hệ trước cô, thì chưa. Có cảm giác là Lệ Quyên đang quá dồi dào năng lượng và rất nôn nao thể hiện, chưa thể kiềm chế và mong muốn bùng nổ hơi sớm, nên những bài hát nổi danh nói trên nghe không thật thấm.

Khung cảnh minh họa cho không gian âm nhạc của Trịnh Công Sơn.
Khung cảnh minh họa cho không gian âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Đến chương 2, 3 bài nhạc Trịnh có khiến giọng Lệ Quyên thay đổi màu sắc khác đi. Phần trình tấu của dàn nhạc nhẹ và dàn dây đã góp phần tăng thêm vẻ hoành tráng cũng như màu sắc bán cổ điển cho các tiết mục. Lệ Quyên hát nhạc Trịnh vốn nhận khá nhiều ý kiến khen chê, những bài Còn tuổi nào cho em, Ru đời đi nhé, Ru em từng ngón xuân nồng… cô hát không thể chê nhưng cũng chưa thể khen được. Có cảm giác như Lệ Quyên đã cân bằng được cảm xúc và nội lực ở phần này, nhưng để bùng nổ thì chưa. Mà phải qua chương 3: Yêu, khi Lệ Quyên hát Tình lỡ, Nhật ký đời tôi, Mưa qua phố vắng, Không bao giờ quên anh, thì thực sự khán phòng mới cộng hưởng nhất loạt trong những tràng vỗ tay nhiều nhất dành cho cô. Đây cũng là phần trình diễn ép-phê nhất của Lệ Quyên trong live show.

Một ban công rất Tây, trong khung cảnh gợi nhớ chuyện tình Romeo – Juliet được minh họa cho ca khúc bolero Không bao giờ quên anh.
Một ban công rất Tây, trong khung cảnh gợi nhớ chuyện tình Romeo – Juliet được minh họa cho ca khúc bolero Không bao giờ quên anh.

Dễ hiểu thôi, Lệ Quyên nổi tiếng từ những bài ballad nhạc trẻ nhưng khiến cái tên Lệ Quyên gây chú ý nhiều hơn, phủ sóng rộng, góp phần cho sự nổi tiếng nhất là khi cô vào Nam là hát bolero 10 năm qua. Nên không lạ khi Lệ Quyên để phần nhạc đinh này ở giữa chương trình và không quên cảm ơn khán giả phía Nam đã đón nhận nồng nhiệt một cô gái Bắc hát dòng nhạc đặc trưng của miền Nam. Đến mức cô phải thốt lên “Quyên cảm ơn bolero đã cho Quyên điều kỳ diệu. Không gì khác ngoài bolero!”.

Lệ Quyên trong tiết mục Cô đôi Thượng Ngàn, hát cùng với mẹ mình, ở phía sau.
Lệ Quyên trong tiết mục Cô đôi Thượng Ngàn, hát cùng với mẹ mình, ở phía sau.

Cùng với chương 3, chương 4 dễ tạo nhiều cảm xúc cho khán giả khi lần đầu tiên Lệ Quyên hát chầu văn, như một cách không chỉ thay đổi không khí, tạo màu sắc cho giọng hát mình mà còn là để cô khéo léo thỏa ước mong của mẹ ruột mình, vốn là một nghệ sĩ hát chèo. Bà luôn ao ước mình được một lần đứng trên sân khấu lớn và nay ở tuổi 80, Lệ Quyên đã mời mẹ cùng hát với mình bài hát văn Cô đôi Thượng Ngàn. Đây cũng là màu sắc mới nhất trong live show bên cạnh những màu nhạc quen thuộc mà Lệ Quyên đã và đang gắn bó lâu nay.

Xem

Có thể nói, những kinh nghiệm rút tỉa của một vị đạo diễn vốn rất chăm chỉ đi xem show quốc tế đã giúp Việt Tú rất nhiều trong việc dàn dựng Q show 2.

Hiệu ứng hình ảnh 3D được tận dụng triệt để, biến hóa không gian nhà hát Hòa Bình mang nhiều màu sắc khác nhau.
Hiệu ứng hình ảnh 3D được tận dụng triệt để, biến hóa không gian nhà hát Hòa Bình mang nhiều màu sắc khác nhau.

Đây có lẽ là live show ít… màu sắc nhất của Lệ Quyên từ trước đến nay. Không gian nhà hát Hòa Bình được sang trọng hơn, thoát được một thói quen sử dụng ánh sáng khá quen thuộc của nhiều đạo diễn ca nhạc trước đây, thành một nhà hát sang trọng thực sự chứ không phải là nơi trình diễn một cách hào phóng sắc màu sặc sỡ và rối ren đạo cụ chiêu trò. Ít sặc sỡ nhất nhưng cũng tốn kém nhất, Lệ Quyên đã chi đến 8 tỷ cho việc đầu tư ánh sáng của live show này. Gọi Q show 2 là cuộc chơi màu sắc đậm chất Âu châu của đạo diễn Việt Tú cũng không sai.

Toàn cảnh sân khấu nhà hát Hòa Bình trong phần minh họa ca khúc nhạc Trịnh.
Toàn cảnh sân khấu nhà hát Hòa Bình trong phần minh họa ca khúc nhạc Trịnh.

Phần trình diễn nhạc Trịnh có thể gây tranh cãi, phần hình ảnh minh họa cũng vậy. Những tiết mục được minh họa tranh ảnh 3D, nhân tượng 4D đem lại một cảm nhận khác cho nhạc Trịnh, đặt bối cảnh ca sĩ trong một không gian sang trọng, Tây hơn có thể không hợp nhãn với một số người, nhưng dù sao vẫn đem lại một cảm nhận mới mẻ khi lâu nay minh họa cho ca khúc nhạc Trịnh trên sân khấu thường đi theo một mô tuýp quen thuộc đến cũ kỹ.

Lệ Quyên trong bối cảnh được chọn để minh họa cho Dạ khúc cho tình nhân, Người yêu dấu ơi, Anh vẫn biết…
Lệ Quyên trong bối cảnh được chọn để minh họa cho Dạ khúc cho tình nhân, Người yêu dấu ơi, Anh vẫn biết…

Tương tự như vậy là hiệu ứng sân khấu cho những bản bolero. Những hàng cột La Mã, những bức tranh mang phong cách Phục Hưng… thực sự góp phần làm sang thêm cho những bài hát ca sĩ trình diễn, khoác thêm cho ca khúc nhiều cảm nhận mới mẻ.

Tiết mục hát văn của Lệ Quyên cho thấy sở trường của đạo diễn Việt Tú. Dù gì anh cũng đã đạo diễn thành công vở Tứ Phủ nhiều năm nay rồi.
Tiết mục hát văn của Lệ Quyên cho thấy sở trường của đạo diễn Việt Tú. Dù gì anh cũng đã đạo diễn thành công vở Tứ Phủ nhiều năm nay rồi.

Lệ Quyên cho biết cô và đạo diễn Việt Tú đã tranh luận nhiều lần về việc có nên để mẹ của nữ ca sĩ bước ra sân khấu chào khán giả sau tiết mục. Tuy nhiên, cuối cùng Lệ Quyên đã quyết định “giấu” mẹ đi, để như cô hài hước cho biết: Quyên không muốn mọi người biết rõ mặt mẹ mình. Thời buổi bùng nổ thông tin, mẹ mình lỡ làm người nổi tiếng, bị soi lên mạng xã hội, Facebook thì thật khổ thân mẹ. Mẹ đã 80 tuổi mà làm người nổi tiếng thì khổ. Nên thôi, xin để tuổi già của mẹ được bình yên. Để giải cho bài toán này, là lúc tay nghề Việt Tú được thể hiện rõ nét qua phần dàn dựng khá ấn tượng.

Sự xuất hiện của 15 cặp đôi vũ công trong trang phục nhất quán giúp Lệ Quyên đỡ “đơn điệu” hơn trong phần trình diễn của mình.
Sự xuất hiện của 15 cặp đôi vũ công trong trang phục nhất quán giúp Lệ Quyên đỡ “đơn điệu” hơn trong phần trình diễn của mình.

Điều đáng nói khác là dàn diễn viên múa minh họa không làm rối mắt khán giả mà xuất hiện một cách có lớp lang và vừa vặn. Phục trang nhóm múa cũng chủ yếu trên các tông màu đen trắng, vàng. Có những tiết mục mà trên sân khấu cùng lúc gần 20 cặp đôi khiêu vũ minh họa nhưng được xử lý khá khéo để không nhấn chìm ca sĩ và giúp che lấp “sở đoản” của Lệ Quyên: cô là ca sĩ không quen vũ đạo. Có khá nhiều chuyển cảnh phải thay đổi theo từng chương, bài, nên việc không để sân khấu chết đã được đạo diễn tính toán khá tỉ mỉ. Nhờ thế mà sự xuất hiện của nhân viên hậu đài trên sân khấu không chỉ đơn thuần là lũ lượt đem đạo cụ đi ra đi vào, mà còn là sự hợp lý trong từng thời điểm, có sự giao đãi với chính ca sĩ.

Cảnh dàn dựng của phần trình diễn ca khúc Nhớ mẹ.
Cảnh dàn dựng của phần trình diễn ca khúc Nhớ mẹ.

Bài hát sôi động duy nhất của live show, cũng là bài duy nhất khiến Lệ Quyên phải nhún nhảy thực sự, là một bản hit cũ của cô 15 năm trước, Giấc mơ có thật được chọn làm kết thúc chương trình trên bản phối sôi động cũng là một “chiêu trò” duy nhất được Việt Tú sử dụng trong chương trình. Cú “plot twist” giả chào tạm biệt khán giả, sân khấu đã hiện chữ “the end”  nhưng quay lại trình diễn Giấc mơ có thật của Lệ Quyên là điểm nhấn trước khi kết thúc show.

Giấc mơ có thật, bài hát duy nhất mà “nữ hoàng phòng trà” phải nhún nhảy thực sự.
Giấc mơ có thật, bài hát duy nhất mà “nữ hoàng phòng trà” phải nhún nhảy thực sự.

Xong hai đêm diễn tại TP.HCM, Lệ Quyên và ê-kíp của mình sẽ tiếp tục ra Hà Nội để chuẩn bị cho show thứ 3 ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia diễn ra vào ngày 4/1/2020. Coi như Lệ Quyên đã chốt lại thị trường biểu diễn năm 2019 và mở màn năm 2020 với 3 đêm nhạc trong live show Q show 2 hoành tráng kéo dài qua 2 năm của mình.

Bài: Sơn Trà

Ảnh: Đại Ngô team

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: http://24hsongxanh.vn/le-quyen-q-show-2-xem-va-nghe-gi-trong-live-show-30-ty/

Cùng chuyên mục