Làng Mỹ Phiếm qua vết thời gian

Làng Mỹ Phiếm (xã Đại Cường, Đại Lộc) trải qua bao phen biến thiên dời đổi và ngôi làng trên đất tân bồi ven sông Vu Gia cũng lưu dấu vết tín ngưỡng, những huyền tích dân gian gắn với tín ngưỡng thờ đức bà Phường Chào.

Phường Chào hay Phường Trầu?

Mỹ Phiếm – ngôi làng nhỏ nằm biệt lập với một bên là dòng Vu Gia xanh thẳm, một bên là bãi biền trù phú. Làng nằm khuất sau những con đường tre bao bọc. Ngôi làng nhỏ cũng nhuốm sắc màu huyền tích về “cô gái không xương” là hiện thân của nữ thần xứ sở, cứu độ chúng sinh, quy dân lập làng, lập chợ, bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo và oai linh Bà vang khắp xa gần.

lang-my-phiem-qua-vet-thoi-gian
Cổng làng Mỹ Phiếm. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Dinh bà Phường Chào – di tích gắn liền với lễ hội Bà Phường Chào vừa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nằm giữa làng, sát đó là đình làng Mỹ Phiếm, cũng được thiết kế dạng “nhà tránh lũ” để chống chọi với sự khốc liệt của lũ lụt và cũng trải qua mấy lần dời đổi do lở bồi.

Theo ông Nguyễn Văn Xinh – Trưởng ban Hội đồng gia tộc họ Nguyễn làng Mỹ Phiếm, mỗi năm hội đồng gia tộc cắt cử người trông coi, quét dọn, cúng tế, hương khói tại dinh bà. Hằng năm, con cháu trong làng cứ nhớ ngày giỗ bà thì về dâng hương tri ân, gắn kết cộng đồng, làng xã.

Mỹ Phiếm còn có tên gọi khác là làng Phường Chào. Ông Cao Nhật Thành (85 tuổi, người dân trong làng) chia sẻ, tục danh Phường Chào với chữ “phường” được hiểu là nơi tập trung dân cư buôn bán sầm uất như câu “buôn có bạn, bán có phường”. Xưa kia, đất này là vùng trồng toàn trầu cau và sản vật này theo các ghe buôn đi khắp ngã, ra tận kinh đô nên được gọi là Phường Trầu. Chữ “Trầu” được thương nhân gốc Hoa đọc trại thành chữ “Trào” rồi thành “Chào”. Cũng có người gọi “Phường Chồ”, tức phường vạn ghe nhà chồ. Cách lý giải này cũng có phần đúng, bởi lẽ cư dân sinh sống trên cồn đất bồi này phần lớn là cư dân xóm vạn chài của làng Phiếm Ái. Chữ “Chào” còn có nghĩa là chào hỏi, chào hàng bởi vùng này sầm uất ghe buôn “trên bến dưới thuyền”, có lẽ tên bà Phường Chào được gọi theo tên làng.

Mỗi năm, vào ngày 25.2 âm lịch, lễ hội Bà Phường Chào diễn ra trang nghiêm, thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng, làng xã. Vùng đất heo hút ven sông Vu Gia còn in đậm dấu vết của một hình thái văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ Mẫu ở Quảng Nam. Lễ hội truyền thống này còn thể hiện mối giao thoa, tiếp biến văn hóa Việt – Chăm trong quá trình người Việt mở mang bờ cõi, lập làng…

Vùng đất tân bồi Mỹ Phiếm

Mỹ Phiếm là xứ đất tân bồi, vốn là doi đất được bồi đắp từ quá trình sạt lở sông Vu Gia, khiến làng Phiếm Ái (Đại Nghĩa ngày nay) bị lở nhiều diện tích đất màu mỡ, bồi tụ cho vùng đất bên kia sông.

lang-my-phiem-qua-vet-thoi-gian
Bên trong dinh Bà Phường Chào ở xã Đại Cường. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Theo ông Nguyễn Hữu Mai (cán bộ hưu trí hiện sống tại xã Đại Cường), quá trình sạt lở làng cũng bắt nguồn từ việc thực dân Pháp cho đào sông Ái Nghĩa, sông Yên ra tận cánh An Trạch, khiến sông đổi dòng và một số ngôi làng bị sạt lở rất nặng, trong đó có Phước Yên và Ái Nghĩa. Châu Phiếm Ái rất rộng, bao trùm cả làng Mỹ Phiếm, Phiếm Ái và nhiều xóm làng Đại Nghĩa ngày nay. Đó là lý do cư dân Mỹ Phiếm mỗi khi cúng đất, cúng xóm, cúng miếu, cúng dinh bà đều có văn tế nêu rõ về xứ đất tân bồi cùng với gốc tích Phiếm Ái châu.

Văn cúng tế bà Phường Chào ở làng Mỹ Phiếm có câu: “Quảng Nam tỉnh, Đại Lộc huyện, Đại Cường xã, Mỹ Phiếm thôn, Tân bồi xứ” và tôn vinh công đức của vị thần nữ rằng: “Đức tiên cô Nguyễn Quý cô thần nữ, quảng tại Đại Lộc huyện, nguyên sanh cư Phiếm Ái châu chi hương…” là vậy.

Ông Cao Nhật Thành còn giải thích: chữ “Mỹ” ở đây tức Phúc Mỹ (nay là Khương Mỹ, Đại Cường), thôn tiếp giáp với Mỹ Phiếm, còn chữ “Phiếm” tức là “Phiếm Ái” bên kia sông. Sở dĩ lấy tên làng Mỹ Phiếm cũng là thể hiện chính sách hòa hợp làng xã. Bởi cư dân Phiếm Ái châu và cư dân làng Phúc Mỹ từng xảy ra vụ kiện tụng về đất đai và câu chuyện này được người già kể lại qua nhiều đời. Vụ kiện này khiến quan quân từ kinh thành phải xe ngựa về làng để phân xử mất mấy tháng trời. Ngày nay, vùng đất nằm giữa Mỹ Phiếm và Phúc Mỹ xưa còn được gọi với tục danh đất Quan trại, tức đất quan quân đóng để xử việc ở làng.

Về sau, dân làng Mỹ Phiếm thắng kiện, có đất đai để sản xuất và làng đã sử dụng một phần đất để xây dựng đình làng, dinh Bà Phường Chào, dựng chợ và đình làng. Dinh bà cũng đã mấy phen dời đổi do sạt lở. Mỹ Phiếm được lấy tên từ hai ngôi làng liền kề từ đó, thể hiện chính sách hòa hợp, ngụ ý khuyên các làng nên đồng lòng, gắn bó, xây dựng đời sống mới.

Ngày nay, trên đà xây dựng cuộc sống mới, hai làng ven sông Mỹ Phiếm – Phiếm Ái (Đại Cường – Đại Nghĩa) vẫn luôn giữ tình đoàn kết, cùng nhau xây dựng đời sống mới. Lễ hội Bà Phường Chào ở Đại Cường, ban tổ chức vẫn mời những đại diện ở làng Phiếm Ái về dự. Ngày nay, ở làng Hòa Mỹ (Đại Nghĩa) vẫn còn lưu dấu hai ngôi miếu bà Phường Chào, một ngôi miếu được trùng tu khang trang nằm sát trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Nghĩa và một ngôi miếu nằm ở chợ Hòa Mỹ mới.

Mỗi năm, mùng 10 tháng Giêng, sau lễ khai hạ, cư dân làng Hòa Mỹ tổ chức cúng tế tại miếu bà Phường Chào rất trọng thể. Từ câu chuyện về tục thờ cúng bà Phường Chào trên đất Đại Nghĩa, lễ hội Bà Phường Chào trên đất Đại Cường và câu chuyện lở bồi của vùng đất, mới thấy rằng cư dân các làng xã ven sông nói trên vẫn chung nguồn cội, gắn bó mật thiết và dân làng Mỹ Phiếm vượt bao khó khăn vẫn phấn đấu xây dựng đời sống mới no ấm trên xứ đất tân bồi.

Hoàng Liên

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/lang-my-phiem-qua-vet-thoi-gian-94712.html

Cùng chuyên mục