Làm sàn diễn cải lương cho tài năng

Chỉ tính riêng các gương mặt diễn viên từng đoạt huy chương vàng các giải thưởng đã có gần 100 người. Nhưng sàn diễn cho họ trụ được với nghề ngày càng ít đi

Nghệ thuật cải lương nhiều năm qua tìm ra không ít nghệ sĩ đoạt giải Huy chương vàng (HCV) Trần Hữu Trang nhưng lại thiếu sàn diễn cho họ phát triển tài năng. Để giải bài toán khó này, Hội Sân khấu TP HCM tìm đủ mọi cách để tạo điểm diễn cho lực lượng diễn viên được bảo chứng chất lượng bởi giải thưởng uy tín mang tên tác giả Trần Hữu Trang.

Cần nơi phát huy nghề

Chủ trương tái hoạt động CLB Cải lương thể nghiệm tại tầng 2 tòa nhà 5B Võ Văn Tần của Hội Sân khấu TP HCM đã mang lại niềm vui cho các nghệ sĩ đoạt HCV giải Trần Hữu Trang. Vì từ tháng 8-2001, sàn diễn này đã được nhà nước cấp phép hoạt động nhưng chỉ tồn tại được 6 tháng, giới thiệu đến khán giả nhiều vở cải lương thể nghiệm hay như: “Vợ và tình”, “Ngôi đền cổ”…

Cảnh trong vở “Giấc mộng đêm xuân” - vở diễn quy tụ nhiều diễn viên đoạt HCV giải Trần Hữu Trang
Cảnh trong vở Giấc mộng đêm xuân”- vở diễn quy tụ nhiều diễn viên đoạt HCV giải Trần Hữu Trang

NSƯT Kim Tử Long, một trong những người tham gia dự án, tin tưởng chính nghệ sĩ đoạt HCV của giải thưởng Trần Hữu Trang sẽ thu hút khán giả quay lại sàn diễn 5B dành cho cải lương.

“Nơi để các nghệ sĩ đoạt HCV thể hiện tài năng của mình phục vụ khán giả không đâu khác là những sàn diễn chuyên nghiệp. Vậy tại sao lại để nghệ sĩ lao đao suốt một thời gian dài trong khi sàn diễn 5B đã có giấy phép hoạt động?” – NSƯT Kim Tử Long bộc bạch.

Trên thực tế, sân khấu cải lương đã được bổ sung lực lượng trẻ tài năng: HCV Triển vọng Trần Hữu Trang; HCV Diễn viên xuất sắc, HCV Tài năng trẻ cải lương toàn quốc, Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng…, nếu chỉ tính riêng số lượng các gương mặt diễn viên từng đoạt HCV các giải thưởng, có gần 100 người. Nhưng sàn diễn cho họ trụ được với nghề ngày càng ít đi. Đó là nghịch lý tồn tại trong suốt nhiều năm qua.

“Chúng tôi cần điểm diễn, cần sự thể nghiệm táo bạo để hoàn thiện nghề sau khi được trao HCV. Do đó, sự tái hoạt động của CLB Cải lương thể nghiệm 5B thật ý nghĩa trong giai đoạn này” – nghệ sĩ Trinh Trinh bày tỏ.

“Với sàn diễn mới này, tôi tin chắc các em sẽ phát huy tài năng. Tuy nhiên, nếu không đổi mới trong cách thể hiện vở diễn, vai diễn, hình thức dàn dựng thì cũng sẽ khó tồn tại lâu” – NSƯT Kim Tử Long bộc bạch.

Theo anh, cái mới bao giờ cũng khó được chấp nhận. Nhưng với cách làm của Sân khấu mới Đại Việt qua vở Chuyện tình Khau Vai, người trong nghề đồng tình. Sự thể nghiệm của CLB cải lương 5B sẽ không làm mất chất cải lương.

“Đề tài phải gần gũi, gắn với văn hóa, đạo đức truyền thống. Tôi đặc biệt quan tâm đến thể nghiệm âm nhạc, dù phối thế nào cũng phải giữ được chất ngũ cung. Trên hết là cách ca diễn của các nghệ sĩ phải đổi mới” – NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, định hướng.

Tồn tại lâu dài: Bài toán khó

Thực tế cho thấy chỉ 6 tháng hoạt động, từ năm 2001, sân khấu cải lương thể nghiệm tại đây rơi vào im ắng cho đến nay là một áp lực đè nặng trên vai ê-kíp thực hiện, đứng mũi chịu sào là NSƯT Kim Tử Long. Nhìn lại các nhóm nghệ sĩ xã hội hóa đã làm cải lương trong thời gian qua như nhóm Thắp sáng niềm tin, Sân khấu Vàng, Ba thế hệ về lại cội nguồn, Vũ Luân, Bình Tinh, Lê Hoàng, Kim Ngân… thấy họ rất năng động trong cách tìm kiếm khán giả. CLB Cải lương thể nghiệm 5B cũng phải học hỏi, tham khảo.

Năm yếu tố nhằm tạo sức bật cho CLB Cải lương thể nghiệm 5B, theo đề án của NSƯT Kim Tử Long, là: Đầu tư nguồn kịch bản văn học; lên kế hoạch dàn dựng theo chiến lược dài hạn; quy tụ lực lượng diễn viên gắn bó với sàn diễn 5B; tổ chức hình thức quảng bá, bán vé, truyền thông cho vở diễn như điện ảnh, kịch nói; tìm nguồn tài trợ cho những tác phẩm đỉnh cao. “Ngoài công tác đào tạo đội ngũ sáng tạo, vấn đề phát triển cơ sở vật chất hết sức quan trọng để phát triển sân khấu nghệ thuật cải lương. Thiếu cơ sở vật chất hiện đại chẳng những gây khó khăn cho sự sáng tạo của các nghệ sĩ, đạo diễn mà còn làm cho khán giả mê cải lương thiệt thòi trong thưởng thức nghệ thuật” – NSƯT Kim Tử Long nói.

Trước mắt, CLB này sẽ tổ chức các buổi biểu diễn live show mini để khán giả giao lưu với nghệ sĩ đã từng đoạt HCV những năm đầu: Vũ Linh, Phượng Hằng, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Linh Tâm, Cẩm Thu, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng, Thanh Ngân, Kim Tiểu Long…, đồng thời tổ chức các chương trình tri ân thế hệ nghệ sĩ đi trước, trong đó có các ngôi sao thuộc thế hệ HCV giải Thanh Tâm: Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Hùng Minh, Thanh Nguyệt, Bảo Quốc, Bo Bo Hoàng, Mộng Tuyền, Phương Bình… và không thể thiếu lực lượng ngôi sao của sân khấu tuồng cổ. “Nơi đây cũng sẽ tạo đất diễn cho lực lượng diễn viên trẻ xuất thân từ các cuộc thi: Chuông vàng vọng cổ, Đường đến danh ca vọng cổ… để các em cọ xát với sàn diễn thể nghiệm. “Từ những tác phẩm được dàn dựng ở đây sẽ chọn ra tác phẩm tham gia “Cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn”, “Liên hoan sân khấu thể nghiệm toàn quốc” – NSƯT Kim Tử Long hào hứng.

Hội Sân khấu tạo mọi điều kiện

Trước thực trạng sân khấu cải lương gặp khó khăn hiện nay, việc NSƯT Kim Tử Long đầu tư gần 2 tỉ đồng để cải tạo và đưa vào sử dụng sàn diễn cải lương thể nghiệm 5B cho thấy nỗ lực dám nghĩ, dám làm của anh. “Hội đã không tính toán đến việc thu tiền mặt bằng, tạo mọi điều kiện cho đến khi tôi hoàn tất dự án, đó là một tín hiệu vui mang tính cộng đồng chia sẻ. Vấn đề còn lại là bắt tay vào làm và làm một cách bài bản, tử tế” – chủ nhân mới của sàn diễn cải lương thể nghiệm 5B bày tỏ.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Cùng chuyên mục