Kỳ tích “giải vây” thành Điện Hải

Tứ diện thành Điện Hải đang dần dần có được không gian ít ỏi mà di tích quốc gia đặc biệt của Đà Nẵng xứng đáng phải có. Ít ai biết rằng, ngoài việc góp tiếng nói tham mưu chính quyền thành phố di dời, giải tỏa 80 hộ dân và các công trình dân sinh ra khỏi khu di tích này, ngành Văn hóa Đà Nẵng còn có một “cuộc chiến” chống bê- tông hóa, thuyết phục lãnh đạo thành phố dừng những dự án lớn ngay lúc nó đã chuẩn bị động thổ. Cuộc “giải vây” khiến những người tâm huyết với lịch sử, văn hóa thốt lên “vô cùng sung sướng!”.

Cổng phía Nam thành Điện Hải
Cổng phía Nam thành Điện Hải

Cú “thoát pressing” kỳ diệu

Khoảng hơn 10 năm trước, những phóng viên trẻ mới vào nghề thỉnh thoảng lại chạy vào vùng lõi của thành Điện Hải để chụp ảnh đưa tin về những khẩu thần công được phát hiện trong công trình Bảo tàng Đà Nẵng đang được xây dựng. Còn những nhà báo kinh nghiệm, các nhà nghiên cứu và bậc cao niên mỗi khi đọc những bản tin kiểu như “Phát hiện thêm một khẩu thần công trong thành Điện Hải” thì lắc đầu rằng: “Bảo tàng Đà Nẵng đặt sai chỗ rồi!”. Cùng với cuộc “vây ráp” của khu dân cư, tốc độ đô thị hóa chóng mặt đã chứng kiến hành lang của thành Điện Hải dần mọc lên những tòa nhà cao tầng, những công trình kiên cố án ngữ bức bối. Vùng đệm bị vây lại vì bê-tông hóa, vùng lõi mọc lên một công trình “nhà kính”, thành Điện Hải vừa bị chia cắt lại vừa bị dồn nén, khiến những người làm văn hóa tâm huyết, những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm xót xa! Không phải vì thời gian, thời tiết mà vì những xâm hại đến vô tình, vô cảm của con người.

Cách đây hơn một năm, bước trên thành lũy, đi giữa hồ nước khô cạn, đứng giữa lòng thành, chúng tôi còn thấy bức bối, không dám nghĩ sẽ có ngày hôm nay. Nhưng bây giờ, hồ nước ôm lấy thành, vườn dạo mọc lên, người dân trả lại không gian cho chứng tích đã từng là niềm tự hào của họ. Mà anh biết không, 80 hộ dân di dời đi, giờ ai cũng khấm khá. Nhìn cảnh này, chúng tôi sung sướng vô cùng”, ông Huỳnh Văn Hùng-Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng không giấu được xúc động. Ông Hùng được xem là số ít, thậm chí là duy nhất trong các lãnh đạo sở ngành hay “nói ngược” ở nhiều cuộc họp cấp thành phố để thống nhất những phương án xây dựng, thậm chí là gần ngày khởi công những công trình, mà nếu mọc lên, thì thành Điện Hải thêm một lần bị bức tử! Ông Hùng cho rằng đó không phải là quan điểm cá nhân, cũng không phải là cái tôi của ông, mà là nỗi lòng của những người làm văn hóa và của cả người dân. Cho nên trong một cuộc họp mà Trung tâm Lưu trữ thành phố đã hoàn tất các khâu chuẩn bị để chờ ngày khởi công, ông đứng lên tha thiết đề nghị dừng. Có xem ngày xem giờ, có xong hết thủ tục, thậm chí là có phải đền bù bao nhiêu cũng phải dừng, đừng có “đụng” đến đất thành Điện Hải vì mục đích khác nữa… Cả phòng họp im phăng phắc. “Anh có nhớ thành phố suýt lấp bàu Thạc Gián, cũng đã xuôi với phương án làm cầu Rồng chạy qua trên Bảo tàng Chăm không? Những ý tưởng đó suýt đã thành hiện thực, tình thế được cứu trong một thời gian gấp gáp. Vì lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố đã lắng nghe chuyên gia, trí thức, nhà khoa học, lắng nghe nguyện vọng nhân dân và thay đổi quyết định vào phút chót”. Thế là thành phố quyết định dừng xây dựng Trung tâm lưu trữ ngay trên khu đất Trung tâm thể dục thể thao người cao tuổi, để làm công viên vườn dạo rộng thênh thang.

Thành Điện Hải đang được mở rộng không gian tứ diện. Phía xa là khu đất làm vườn dạo, suýt trở thành Trung tâm lưu trữ hay bãi đậu xe.
Thành Điện Hải đang được mở rộng không gian tứ diện. Phía xa là khu đất làm vườn dạo, suýt trở thành Trung tâm lưu trữ hay bãi đậu xe.

Nhưng số phận của khu đất này, cũng là mặt tiền phía Bắc của thành Điện Hải lại đối mặt  với một cơn lận đận khác là ý định xây dựng bãi đỗ xe. Nghĩ cũng lạ, khu đất nằm trên con đường nhỏ, cạnh tòa nhà với khoảng 1.600 công chức, khách du lịch và dân cư đông đúc lại được tham mưu làm bãi đỗ xe. Nó nằm án ngữ sát tường thành Điện Hải. Khi bãi nổi bị phản bác thẳng thừng, nó được “biến” thành bãi ngầm, tức là dưới lòng đất mà trước đây nhiều công trình cứ đào móng là phải dừng. Nghe đâu không phải vì kỹ thuật, mà vì đây là đất của thành Điện Hải! Cán bộ ngành văn hóa thành phố lại phải một lần đứng ra tha thiết can ngăn. “Để gạo khoan nấu thành cơm, Thường trực Ủy ban và Thành ủy đã triệu tập những cuộc họp xem xét những ý kiến này. Anh em chúng tôi lời lẽ từ tốn nhưng thái độ thì cương quyết. Đụng đến đất của thành Điện Hải là đụng đến tâm linh bởi nơi đây thấm đẫm máu xương của các nghĩa sĩ. Vào giờ chót, thành phố quyết định dừng bãi đỗ xe này. Ngành văn hóa chúng tôi, may mắn là ý kiến tham mưu, có khi hơi trái chiều nhưng được lãnh đạo thành phố nghe. Có khi đó là đề xuất phải làm gì, nhưng có lúc là không nên làm gì”, ông Hùng tâm sự. Cùng với việc khu đất lận đận phía Bắc trở thành vườn dạo rộng thênh thang, 80 hộ dân di dời trả lại hành lang thoáng đãng cho vùng đệm phía Tây và phía Nam, có thể dùng thuật ngữ trong bóng đá hiện đại để ví thành Điện Hải đã có một cú “thoát pressing” kỳ diệu sau nhiều năm trời bị vây ráp. Đó là lý do để những người tâm huyết, các nhà chuyên môn và người dân thành phố cảm thấy “sung sướng vô cùng!”.

Đi Pháp tìm “bảo bối” trong lòng thành Điện Hải

Sau giai đoạn 1, dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải vẫn còn một việc quan trọng, đó là di dời Bảo tàng Đà Nẵng vốn là một công trình đã được đặt sai vị trí, gây chia cắt các yếu tố liên kết và xâm hại nghiêm trọng trong vùng lõi. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng tiết lộ, với sự  hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, các cơ quan chuyên môn ngành Văn hóa đã chính thức qua Pháp để tiếp cận nguồn tư liệu, toàn bộ sơ đồ hiện trạng thành Điện Hải mà quân đội Pháp vẽ lại sau khi chiếm đóng lần thứ nhất. Quan trọng nhất trong các tư liệu này là các bản vẽ về mặt bằng, sơ đồ hệ thống phòng thủ trong thành. “Trước đây, trong quá trình phục hồi, tôn tạo, ngành văn hóa rất khó khăn vì vừa làm vừa dò tìm. Nhưng giờ đây đã có những tư liệu quý giá, chúng tôi tự  tin để phối hợp tư vấn lập hồ sơ triển khai giai đoạn 2. Có được “bảo bối” này, di tích độc nhất vô nhị của Việt Nam sẽ được khôi phục sát với nguyên bản nhất. Sau khi trả lại khung cảnh thành cao hào sâu, việc trùng tu thành Điện Hải giai đoạn 2 với nhiệm vụ chính là phục dựng vùng lõi thì di dời Bảo tàng là tất yếu và không phải bàn nữa. Chúng ta đã đủ các yếu tố cần thiết rồi”, ông Thiện khẳng định. Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, sau khi phục dựng xong vùng lõi của thành, giai đoạn 2 của dự án trùng tu, tôn tạo sẽ có hạng mục trung tâm diễn giải lịch sử với một kịch bản phim tư liệu cô đọng về cuộc chiến dưới thành Điện Hải giai đoạn 1858-1860 trình chiếu công nghệ 5D. “Đoạn phim với công nghệ hiện đại nhất sẽ đưa người dân và du khách sống lại, hiểu hơn cuộc chiến dưới thành Điện Hải để thấy được sức mạnh của nhân dân Đà Nẵng, Quảng Nam và nhân dân cả nước cùng danh tướng Nguyễn Tri Phương cùng quân đội nhà Nguyễn”, ông Thiện  thông tin.

Cổng phía Nam thành Điện Hải với cảnh thành cao hào sâu. Ảnh: CÔNG KHANH
Cổng phía Nam thành Điện Hải với cảnh thành cao hào sâu. Ảnh: CÔNG KHANH

Mở cánh cổng bao năm im lìm phía nam thành Điện Hải, ông Huỳnh Văn Hùng không giấu được sự hứng khởi khi ngắm khung cảnh thành cao hào sâu và một hành lang tạm gọi là đủ bao quanh. Những người tâm huyết với văn hóa như ông Hùng hay ông Thiện hay những nhà nghiên cứu đang nóng lòng chờ đợi chủ trương xây dựng một quảng trường thành phố xung quanh, lấy thành Điện Hải làm trung tâm. Theo thông tin từ các cơ quan chuyên môn, thành phố Đà Nẵng đang cùng Viện Kiến trúc Quốc gia hoàn thiện phương án này với một không gian mở rộng từ đường Nguyễn Chí Thanh qua Lý Tự Trọng, Quang Trung rồi tiếp giáp với bờ sông Hàn. Giai đoạn 2 của dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích này sẽ mời Viện Di tích Quốc gia do Tiến sĩ Hoàng Đạo Cương, con trai của Giáo sư Hoàng Đạo Kính đứng đầu sẽ xây dựng, thuyết trình phương án tối ưu nhất cho thành Điện Hải để mời cơ quan chuyên môn của Bộ VH-TT&DL thẩm định, xem xét. “Chờ các thủ tục cần thiết thôi, còn chủ trương và kinh phí thì không có gì phải lăn tăn nữa. Thành ủy và Ủy ban đã thống nhất rồi! Những người làm văn hóa như chúng tôi, may mắn không phải là làm công trình này nọ, mà là ý kiến tham mưu của mình được lắng nghe. Giá trị văn hóa đôi khi không phải chỉ là “làm cái gì” mà còn là “không nên làm cái gì” nữa. Thành Điện Hải là minh chứng rõ nhất”, ông Hùng tâm sự.

Công Khanh

Theo Bảo tàng Đà Nẵng

Cùng chuyên mục